Thái Bình: Chính quyền xã 'bật đèn xanh' cho doanh nghiệp để trục lợi?

Chính quyền xã Cộng Hòa (Hưng Hà - Thái Bình) đang 'bật đèn xanh' cho doanh nghiệp múc đất đắp đê rồi đem đi bán?

Tấp nập ngày đêm đi bán đất?

Theo phản ánh của bà con thôn An Cầu, xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tại công trình (cải tạo – nâng cấp đê) đoạn qua địa phận của 3 thôn: An Cầu, Hưng Tân và Ngô Quyền thuộc xã Cộng Hòa trải dài từ cống Nhâm Lang đến bến đò Đào Thành, khoảng 5km.

Một cụ ông (xin giấu tên) thẳng thắn nói với PV: “Tôi năm nay cũng gần đất xa trời, không thiết cái gì cả. Nhưng cán bộ xã không thể cho doanh nghiệp là con cháu, người thân quen múc cả vào đất hoa màu của dân đắp lên đê để thanh toán tiền của Nhà nước, nhưng rồi chính họ lại lấy đất ở mặt đê đi bán cho các lò gạch.

Họ múc sâu đến gần chục mét, rộng hàng trăm mét vuông cách chân đê không xa, đến mùa mưa lũ thì có đảm bảo cho đê hay không? Hay họ lại bắt dân chúng tôi làm công lấy đất chỗ khác để lấp xuống hố đất sâu rộng như thế?”.

Không chỉ riêng về ông cụ này mà rất nhiều người dân của cả 3 thôn đều khẳng định, các xe tải này ngày đêm tấp nập múc đất trên mặt đê đưa đi “bán” cho các lò gạch bên kia cầu Triều Dương (thuộc tỉnh Hưng Yên). Việc làm này vẫn kéo dài suốt từ thời gian bắt đầu triển khai đắp đê cho đến nay.

Người dân xã Cộng Hòa được quyền nghi vấn, tình trạng này chính quyền địa phương xã “bắt tay” với doanh nghiệp để trục lợi?!

UBND xã Cộng Hòa cho doanh nghiệp múc đất pha cát ở bờ sông để đắp đê

Khi PV liên hệ, trưởng các thôn có vẻ cũng bức xúc, rồi nói: “Sự việc thì rành rành ra đó rồi. Các anh muốn biết rõ thì cứ đi hỏi dân là biết hết…”.

Đến UBND xã Cộng Hòa, ông Phạm Hữu Minh - cán bộ địa chính xã cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp đê điều là chủ trương nhà nước cho xây dựng, cải tạo khoảng 4,5 km chạy qua địa phận xã Cộng Hòa. Việc thi công xây dựng, cải tạo đê điều được chủ dự án giao cho một đơn vị thi công là doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Minh, dù không nắm được kinh phí, thiết kế, hồ sơ nâng cấp, sữa chữa đê nhưng nhìn vào thực tế thì biết được rằng đê sẽ được đổ thêm đất để nâng cao mặt đê cao, sau đó đổ đá và đổ bê tông, thân đê được đắp thêm đất.

Như vậy, đơn vị thi công dự án này chắc chắn phải cần một khối lượng đất rất lớn, mới đủ theo đúng thiết kế của dự án. Về quy chuẩn, không thể lấy đất cát để đắp đê… và phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn về đất mới được đắp đê. Vì công trình đê điều là một trong những công trình trọng điểm của quốc gia. Nó liên quan đến đời sống của người dân, thậm chí đến tính mạng và an ninh quốc gia.

Ông Phạm Hữu Minh, cán bộ địa chính xã Cộng Hòa trao đổi với phóng viên

Ông Minh cho biết thêm, dự án cải tạo, nâng cấp, sữa chữa đê là dự án của nhà nước. Ban quản lý dự án đã về địa phương có ý kiến “nhờ” và tìm nguồn đất tại địa phương để lấy đất đắp đê. Lúc đầu, xã có ý định nạo vét “cừ” để lấy đất đắp đê. Xã Cộng Hòa giao cho các trưởng thôn về lấy ý kiến người dân.

Nhưng vì nhân dân trong xã phản đối không lấy đất “bùn” đắp đê được. Có lẽ vì lý do “bất đắc dĩ” cho nên UBND xã đã cho doanh nghiệp thực hiện thi công dự án cải tạo đê ra múc đất cạnh bờ sông để “tiết kiệm” được kinh phí vận chuyển đất đắp đê và địa phương lại có được nguồn thu ngân sách.

Thượng sách… hay hạ sách?

Không rõ việc lấy đất phục vụ để thực hiện dự án đê tại đây “thượng sách” thế nào, mà UBND xã Cộng Hòa lại nghĩ ra “chiêu trò”: cho đào một hố chứa rác với diện tích khoảng 3.000m2 để chôn lấp rác (sát mép nước sông Luộc – mùa nước cạn). Thực chất là để lấy khối lượng đất này múc lên đắp đê. Nếu như đúng vị trí này trở thành hố chôn lấp rác rộng hàng ngàn mét vuông, đến mùa nước lên thì người dân ở vùng hạ lưu của dòng sông Luộc sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn nước từ hố rác khổng lồ này (?!).

Cán bộ địa chính xã cũng xác nhận với PV rằng, việc người dân có ý kiến phản ánh về tình trạng doanh nghiệp múc đất ở bờ sông để thi công đê, một phần đất khác được chở đi bán ra ngoài.

Chính quyền xã Cộng Hòa “trao quyền” cho doanh nghiệp múc đất đắp đê rồi đem đi bán?

“Chở 10 xe thì 5 xe vào đắp đê, 5 xe bán ra ngoài là có vì anh cứ tính toán mà xem. Bán ở ngoài được mỗi xe 20.000đ – 30.000đ, đắp vào đê ví dụ chỉ 15.000 đồng thì tội gì mà không bán?”, một người dân đặt câu hỏi.

Theo nguồn tin khác, một xe đất mua tại công trình 500.000đ và mang đi bán là 1.500.000đ/xe. Mỗi ngày đêm khoảng 20 xe tung hoành. Khoản tiền lớn này đang rơi vào túi ai?

Cũng theo ông Minh, UBND xã bán đất cho doanh nghiệp và thu về một khoản tiền nhất định, việc mua bán, quyết toán, thu chi, kế hoạch, khối lượng đất… như thế nào thì ông Minh không hề nắm được. Là cán bộ địa chính, nhưng ông Minh không được thông qua cụ thể bằng văn bản, không được giám sát quỹ đất mà trực tiếp lãnh đạo xã “trao quyền” cho doanh nghiệp múc đất đắp đê rồi đem đi bán?

Lợi trước mắt… nhưng tiềm ẩn hậu họa

Qua tìm hiểu, được biết doanh nghiệp thực hiện việc múc đất để thi công dự án cải tạo đê qua địa phận xã Cộng Hòa là công ty xây dựng tư nhân có tên gọi “Yêu Việt” đóng trên địa bàn xã Cộng Hòa.

Mục sở thị, bãi đất ven sông Luộc qua địa phận xã Cộng Hòa bị đào xới cả một vùng rộng lớn, nhiều hố rộng như những cái ao lớn, sâu gần quá đầu người. Điều đáng nói, đất được lấy ngay cạnh bờ sông, phía trên là hoa màu như ngô, chuối, lạc… của dân đang canh tác. Đất cạnh bờ sông là đất pha cát, tỉ lệ cát nhiều hơn đất. Vậy chủ thi công dùng loại đất này để đắp đê, người dân xã Cộng Hòa lo ngại rằng liệu việc thi công đê có đúng và đảm bảo được chất lượng, an toàn đê điều nhất là vào mùa mưa bão.

Việc cải tạo, nâng cấp đê qua địa phận xã Cộng Hòa vẫn chưa hoàn thành

Ngay sau khi người dân xã Cộng Hòa phản ánh, UBND huyện Hưng Hà nắm được nội dung vụ việc, UBND huyện đã có ý kiến và yêu cầu dừng ngay hoạt động múc đất ở bờ sông tránh gây sạt lở, sông “nuốt” sâu vào diện tích bãi bồi mà lâu nay người dân đang từng ngày “giữ đất” để canh tác hoa màu.

Ông Hải, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết, địa phương có kế hoạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp múc đất để thi công, san lấp mặt đê. Ông Hải cũng xác nhận việc doanh nghiệp tư nhân này có “trộm” đất để bán ra ngoài. Về việc này doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi xã nghiệm thu khối lượng.

Tuy nhiên, hiện việc nâng cấp, tu bổ đê đoạn qua địa phận xã Cộng Hòa dự án vẫn đang dang dở. Bờ đê và mặt đê mới chỉ được đổ thêm đất, 2 bên bờ đê là đất pha cát. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, lượng đất cát này có thể bị rửa trôi đáng kể. Có nhiều đoạn, trên mặt đê xuất hiện những vệt nứt kéo dài cả chục mét có thể lọt thỏm được cả cánh tay người lớn.

Hà Long

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/dieu-tra-don-thu/thai-binh-chinh-quyen-xa-bat-den-xanh-cho-doanh-nghiep-de-truc-loi-d111232.html