Thách thức với đầu tư

Mặc dù chiến lược tái cơ cấu đầu tư đã được triển khai nhiều năm nay, nhưng thực tế việc kiểm soát chi tiêu công dường như vẫn “trật đường ray”.

Tuần này, nhiều tân bộ trưởng và trưởng ngành của Chính phủ mới bắt đầu tiếp nhận bàn giao công việc từ người tiền nhiệm, trong đó có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

“Tài sản” ông Dũng nhận bàn giao, đáng chú ý nhất là việc chuyển kế hoạch đầu tư từ hàng năm sang trung hạn 5 năm; một lộ trình tái cơ cấu đầu tư với hàng loạt giải pháp đang được thực thi như việc cắt giảm dự án không cần thiết, dồn vốn cho dự án có khả năng hoàn thành… và một nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Trong nhìn nhận của Ngân hàng Thế giới (WB), tại một báo cáo công bố đầu tuần này: Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được biến động toàn cầu một cách ngoạn mục nhờ cầu trong nước tăng và nền công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu đạt thành tích tốt…

Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Nguyễn Chí Dũng nếu có thể tiếp tục kéo dài trong 5 năm nữa chắc chắn còn đầy thách thức. Theo chỉ tiêu Quốc hội giao, tăng trưởng trong vòng 5 năm tới phải đạt từ 6,5-7%/năm, trong bối cảnh bội chi ngân sách phải giảm dần xuống còn 4% GDP và yêu cầu mạnh mẽ hơn về tăng năng suất…

v

Ảnh minh họa

Bài toán mà ngành kế hoạch và đầu tư, cũng như vị tân Bộ trưởng Bộ này phải giải trong những tháng ngày tới là làm thế nào để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh dư địa chính sách vĩ mô còn rất hẹp. Chính sách tiền tệ đang nỗ lực tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng rủi ro về lạm phát cũng thường trực khi mà giá nhiều sản phẩm, dịch vụ do Nhà nước quản lý đang liên tục được đẩy cao. Quý I năm nay, tăng trưởng GDP đã thấp xuống và lạm phát lại bắt đầu tăng.

Trong khi đó, mặc dù chiến lược tái cơ cấu đầu tư đã được triển khai nhiều năm nay, nhưng thực tế việc kiểm soát chi tiêu công dường như vẫn “trật đường ray”. Vào năm ngoái, thâm hụt tài khóa thậm chí còn lên tới 6,5% GDP, theo WB, trong đó có một phần nguyên nhân do tăng chi đầu tư cơ bản.

Trên thực tế, thâm hụt tài khóa kéo dài nhiều năm qua khiến cho vay nợ trong nước với lãi suất cao và kỳ hạn ngắn tăng nhanh. Nợ công đang tiến rất sát trần cho phép (65% GDP), đang là lý do gây quan ngại.

Tính đến câu chuyện tăng trưởng lúc này, sẽ rất khó để tiếp tục dựa vào vốn ODA, bởi đã qua rồi thời vốn “rẻ”. Huy động nguồn lực trong nước cũng đặt ra nhiều vấn đề, do đặc thù lãi suất cao hơn và thời hạn huy động tương đối ngắn, nên sức ép đối với trả nợ đã đến mức “khó chịu”.

Trong bối cảnh đó, người ta kỳ vọng hơn ở vị tân Bộ trưởng trong các mảng hỗ trợ DN để huy động thêm vốn cho nền kinh tế, bởi ông từng qua các vị trí Phó vụ trưởng Vụ Quản lý dự án đầu tư nước ngoài và Phó cục trưởng Cục Phát triển DNNVV của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Và vì vậy, ông Dũng có thể “ghi dấu ấn” bằng các giải pháp thu hút vốn FDI và thúc đẩy xã hội đổ tiền vào sản xuất kinh doanh thông qua thành lập DN.

Nhưng tất nhiên, cái khó là trong lúc cố gắng lôi kéo vốn tư nhân vào các dự án đường giao thông chẳng hạn, thì phí trạm BOT lại là một rào cản. Bởi nếu phí thấp thì khó thu hút DN đầu tư, còn phí cao thì có thể tác động làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tác động vào chi tiêu xã hội. Nếu tiếp tục thành công trong thu hút vốn FDI, thách thức đối với tân Bộ trưởng là tìm được một giải pháp để khu vực trong nước có thể liên kết với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia gắn với tăng năng lực của các DN trong nước.

Tất cả đang chờ đợi vị tân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “ra tay”, để xây dựng một thể chế phù hợp cho nền kinh tế vận hành đi lên một cách bền vững. “Trận chiến” có thể sẽ nằm ở lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh, để tạo điều kiện cho DN “được làm những gì pháp luật không cấm”; cũng có thể ở việc thúc đẩy mô hình PPP tiến thêm những bước mới trong thực tế…

Chỉ khi chính sách đầu tư được công khai minh bạch, không để cơ hội cho “nhóm lợi ích” len lỏi vào trục lợi, thì khi đó nguồn lực xã hội mới được phát huy, thay thế cho nguồn lực nhà nước đang “hụt hơi”.

Theo Anh Quân

Thời báo ngân hàng

Nguồn TT&CL: http://trithuccongluan.com.vn/kinh-te/2784-thach-thuc-voi-dau-tu.html