Thách thức và cơ hội tạo việc làm trong kỷ nguyên AI

Khi chúng ta định hướng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, các quốc gia đang phát triển đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, có nguy cơ làm thay đổi thị trường việc làm. Ảnh minh họa: TTXVN

Trang Modern Diplomacy của châu Âu mới đây đăng bài viết mang tiêu đề: “Thách thức và cơ hội tạo việc làm trong kỷ nguyên AI và tự động hóa ở các nước đang phát triển”. Bài viết cho hay, khi chúng ta định hướng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, các quốc gia đang phát triển đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. “Sự bùng nổ dân số trẻ” hay phần thưởng nhân khẩu học mang lại những triển vọng đáng kể cho việc mở rộng và đổi mới kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, có nguy cơ làm thay đổi thị trường việc làm và thách thức khả năng hấp thụ lực lượng lao động trẻ ngày càng tăng.

*Tận dụng lợi thế nhân khẩu học

Khai thác lợi thế nhân khẩu học để tạo việc làm đòi hỏi phải có cách tiếp cận tư duy tiến bộ đối với đầu tư giáo dục và đào tạo ở các nước đang phát triển. Trọng tâm nên tập trung vào việc mài giũa năng lực kỹ thuật số, khả năng giải quyết vấn đề và tính sáng tạo - những bộ kỹ năng mà máy móc phải vật lộn để tái tạo. Hơn nữa, thúc đẩy sự đổi mới và tinh thần kinh doanh có thể là một động cơ tạo việc làm mạnh mẽ. Để đáp ứng nhu cầu này, chính phủ Indonesia triển khai chương trình Prakerja vào năm 2020, một nền tảng đào tạo trực tuyến nhằm nâng cao năng lực làm việc của công dân Indonesia, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19. Chương trình Prakerja hợp nhất trợ cấp xã hội và đào tạo nghề. Những người tham gia được khuyến khích sau khi hoàn thành mỗi buổi đào tạo. Hơn nữa, chương trình tìm cách cung cấp đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường việc làm hiện tại và tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ năng kỹ thuật số và công nghệ.

Đào tạo theo Chương trình Prakerja được hỗ trợ thông qua nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau như Ruangguru, Skill Academy, Pintaria, Tokopedia, Bukalapak... Chương trình giảng dạy bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, thiết kế, tiếp thị kỹ thuật số, tinh thần kinh doanh và các lĩnh vực khác. Mặc dù là một công cụ quan trọng trong việc chuẩn bị cho người dân trong kỷ nguyên AI và tự động hóa, việc đánh giá và cải tiến liên tục là cần thiết đảm bảo tính hiệu quả và tác động lâu dài của chương trình.

*Đầu tư vào Công nghệ và Hạ tầng kỹ thuật số

Không thể phóng đại vai trò then chốt của công nghệ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong nền kinh tế kỹ thuật số và tạo việc làm. Đầu tư vào lĩnh vực này nên bao gồm mở rộng truy cập internet tốc độ cao, khuyến khích số hóa khu vực kinh tế và hình thành quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và các tổ chức giáo dục để điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường việc làm.

Cơ sở hạ tầng băng thông rộng và truy cập Internet công bằng trên tất cả các khu vực, bao gồm cả khu vực nông thôn, là nền tảng cho các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế kỹ thuật số như thương mại điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuật số và giáo dục trực tuyến.

Các trung tâm dữ liệu đóng vai trò là cơ sở hạ tầng quan trọng để lưu trữ và xử lý dữ liệu quan trọng cho các ứng dụng và dịch vụ kỹ thuật số khác nhau. Các quốc gia đang phát triển cần đảm bảo sự tồn tại và độ tin cậy của các trung tâm dữ liệu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kỹ thuật số. Việc áp dụng công nghệ đám mây, cho phép các công ty và tổ chức nâng cao hiệu quả quản lý công nghệ thông tin và tăng tốc độ đổi mới, nên được thúc đẩy. Các chính sách hỗ trợ sự phát triển của thị trường đám mây cũng quan trọng không kém. Với quá trình số hóa ngày càng tăng, rủi ro tấn công mạng tăng cao, đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng, đồng thời duy trì sự tin cậy và bảo mật trong hệ sinh thái kỹ thuật số.

Tại Indonesia, Chính phủ khuyến khích phát triển trung tâm dữ liệu trong nước thông qua Quy định cấp Bộ năm 2020, bao gồm các quy định về lưu trữ dữ liệu trên máy chủ và trung tâm dữ liệu trong nước hoặc nước ngoài. Liên quan đến an ninh mạng, Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân (PDP), Luật số 27 năm 2022, đã được ban hành và Cơ quan Mật mã và Mạng Quốc gia (BSSN) được thành lập để điều phối và đồng bộ hóa các hoạt động an ninh mạng.

*Các ngành có tiềm năng tạo việc làm

Bất chấp những thách thức trong việc áp dụng AI và tự động hóa, một số lĩnh vực có tiềm năng tạo việc làm đáng kể. Chúng bao gồm Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), năng lượng tái tạo, AgTech, công nghiệp sáng tạo, du lịch và khách sạn, dịch vụ y tế và xã hội, xây dựng và cơ sở hạ tầng. Tại Indonesia, lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là thương mại điện tử và công nghệ tài chính (fintech), đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, với một số công ty khởi nghiệp công nghệ thành công, bao gồm Gojek, Tokopedia và Traveloka. Tuy nhiên, vẫn có tiềm năng phát triển hơn nữa, đặc biệt là về số hóa quy trình kinh doanh và chính phủ. Ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm phim ảnh, âm nhạc, thời trang và thiết kế, đã có những bước tiến đáng kể ở Indonesia. Giáo dục và đào tạo tốt hơn và các chính sách hỗ trợ sáng tạo và bản quyền có thể thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của lĩnh vực này.

*Bảo trợ xã hội và chuyển đổi công việc

Các quốc gia đang phát triển cũng cần bảo vệ những người lao động đang bị đe dọa bởi AI và tự động hóa. Điều này có thể đạt được thông qua hỗ trợ thất nghiệp, đào tạo lại và các chương trình giới thiệu việc làm.

Việc xây dựng một chiến lược hiệu quả để tạo việc làm và trang bị cho thế hệ trẻ trong kỷ nguyên AI và tự động hóa đòi hỏi sự hợp tác giữa các bên liên quan khác nhau, bao gồm các tổ chức giáo dục, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ. Quan hệ đối tác có thể giúp sắp xếp các chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu thị trường việc làm hiện tại và tương lai, tiếp cận các nhóm dân số dễ bị tổn thương và cung cấp các lộ trình thay thế để trang bị cho thế hệ trẻ các kỹ năng làm việc thực tế.

*Áp dụng các chính sách linh hoạt và thích ứng

Cuối cùng, các chính sách của chính phủ cần linh hoạt và thích ứng trong thời đại năng động này. Nhu cầu thị trường việc làm và các loại công việc có sẵn sẽ thay đổi khi công nghệ tiến bộ, do đó đòi hỏi phải có sự giám sát thường xuyên và điều chỉnh chính sách kịp thời của chính phủ.

Ví dụ, nếu nhu cầu việc làm trong lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo tăng lên, chính phủ nên đáp ứng bằng cách tăng cường tài trợ cho giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực này. Ngoài ra, nếu trí tuệ nhân tạo và tự động hóa bắt đầu thay thế công việc trong một số lĩnh vực nhất định, thì cần phải chuẩn bị các chương trình hỗ trợ và đào tạo lại cho những người lao động bị ảnh hưởng. Chính phủ Indonesia đã thành lập Korika vào năm 2020, một tổ chức hợp tác bao gồm nhiều thực thể khác nhau từ Quad Helix (Chính phủ, Công nghiệp, Học thuật và Cộng đồng).

Tổ chức được hỗ trợ bởi nhiều bộ và tổ chức khác nhau, bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ, Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) và các cơ quan liên quan như Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Indonesia. Hiệp hội Kỹ sư (IIP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), cũng như các trường đại học danh tiếng của Indonesia bao gồm Đại học Indonesia (UI), Đại học Binus, Đại học Nông nghiệp Bogor (IPB) và Đại học Telkom, tích cực tham gia vào sáng kiến này. Những công ty nổi bật trong ngành như Tokopedia, GDP Venture và Telkom Indonesia cũng đóng góp đáng kể. Các thực thể này là trung tâm của Korika, thúc đẩy một môi trường hòa nhập cho các cộng đồng khác nhau, các bên liên quan trong ngành, cá nhân và tổ chức.

*Phương pháp tiếp cận toàn diện và tích hợp

Ngoài các chiến lược đã thảo luận, một cách tiếp cận toàn diện và tích hợp là tối quan trọng. Tạo việc làm không chỉ đơn giản là thổi phồng số lượng việc làm. Đó là việc đảm bảo những vị trí này có chất lượng cao và trả lương công bằng. Hơn nữa, các chiến lược như vậy cần đồng thời giải quyết các vấn đề then chốt như bình đẳng giới tại nơi làm việc, an toàn cho người lao động và phát triển bền vững. Bằng cách áp dụng một chiến lược toàn diện và lâu dài, các quốc gia đang phát triển có thể tận dụng lợi thế nhân khẩu học để tạo cơ hội việc làm bền vững trong kỷ nguyên AI và tự động hóa. Điều này không chỉ cho phép đương đầu với những thách thức hiện tại mà còn mở đường cho một tương lai thịnh vượng cho thế hệ trẻ./.

Tiến Hiến (P/v TTXVN tại New Delhi)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-va-co-hoi-tao-viec-lam-trong-ky-nguyen-ai/301735.html