Thách thức đối với tân Thủ tướng Nhật Bản

Tân Thủ tướng 71 tuổi của Nhật Bản đang đối mặt với vô vàn thử thách, khó khăn, ông sẽ làm gì để đưa đất nước mặt trời mọc thoát khỏi dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế bị tàn phá và đầy rẫy những khó khăn do tình trạng già hóa dân số... là các vấn đề được người dân trông đợi.

Ông Yoshihide Suga đã chính thức được Quốc hội bầu làm Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản hôm 16/9. Ông là thủ tướng lớn tuổi nhất nhậm chức vụ này ở Nhật Bản kể từ Thủ tướng Kiichi Miyazawa năm 1991. Ông sẽ trở thành “người chèo lái” con thuyền Nhật Bản đến hết nhiệm kỳ lãnh đạo còn lại của ông Abe Shinzo đến tháng 9/2021.

Ngay sau khi ngồi vào “chiếc ghế nóng”, Thủ tướng Nhật Bản Suga đã công bố thành phần Nội các mới, trong đó, ông giữ lại 8 vị trí trong Nội các của người tiền nhiệm Abe Shinzo, điều chuyển 2 vị trí và bổ nhiệm mới các vị trí còn lại. Trong đó, các bộ trưởng phụ trách kinh tế, tài chính, ngoại giao, đất đai, tái thiết kinh tế, môi trường, văn hóa - giáo dục được giữ nguyên, 2 bộ trưởng được điều chuyển là Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính, vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng là em trai cựu Thủ tướng Abe - ông Nobuo Kishi. Bộ trưởng Y tế được điều chuyển làm Chánh văn phòng Nội các.

Dịch bệnh COVID-19 và kinh tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mới

Thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức phía trước, cả về đối nội và đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang chìm vào suy thoái kinh tế do dịch bệnh COVID-19. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện “ngập trong khó khăn” với các khoản nợ khổng lồ, GDP suy giảm kỷ lục, trong quý II, mức giảm tới 27,8% so với quý trước đó, vượt xa mức suy giảm do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để lại khiến kinh tế Nhật suy giảm tới 17,8% vào đầu năm 2009. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 8 giảm 14,8% so cùng kỳ năm 2019 xuống khoảng 50 tỉ USD, đánh dấu mức giảm 2 con số trong 6 tháng liên tiếp. Dịch bệnh không chỉ hạn chế thương mại giữa Nhật Bản và các quốc gia khác mà còn gây gián đoạn các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Các chuyên gia phân tích dự đoán, sẽ phải mất ít nhất vài năm để nền kinh tế Nhật Bản bật tăng trở lại so với thời kỳ trước đại dịch.

Việc phê chuẩn Thủ tướng mới đã mở ra chương mới cho Nhật Bản.

Tại buổi họp báo đầu tiên khi trở thành Thủ tướng, ông Suga cho rằng, thách thức lớn nhất mà Nhật Bản phải đối mặt hiện nay là sự lây lan của SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, nhưng Nhật cần phải cân bằng cuộc chiến với dịch bệnh và phục hồi kinh tế. “Nhiệm vụ của tôi là thực hiện những gì đã đang tiến hành dưới thời Thủ tướng Abe”, Thủ tướng Suga nói. Ông Suga sẽ tiếp tục chính sách kinh tế của cựu Thủ tướng Abe, theo đuổi Abenomics và nâng cao nó. Đó là chiến lược 3 mũi nhọn bao gồm nới lỏng tiền tệ, chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu. Những cải cách cơ cấu sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ làm việc, mở cửa cho người nhập cư, nới lỏng luật lao động, những cải cách này sẽ góp phần giảm tác động của tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản.

Riêng về vấn đề dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi nhưng Nhật Bản bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm phục hồi kinh tế. Thủ tướng Nhật cho biết sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo vaccine cho tất cả người dân. Ông cũng cam kết củng cố hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia với mục tiêu giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn chi trả các chi phí chữa bệnh, nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu lượng khí thải CO2 và chấm dứt chủ nghĩa cục bộ trong bộ máy hành chính.

Về đối ngoại và an ninh, Thủ tướng Suga khẳng định, quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ sẽ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của ông, mặc dù hiện nay, giữa Washington và Tokyo vẫn đang tồn tại nhiều “khúc mắc” như yêu cầu chia sẻ chi phí cho các lực lượng Mỹ triển khai ở Nhật hay cán cân thương mại khiến Washington gia tăng áp lực buộc Tokyo phải thay đổi chính sách thương mại. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ quyết tâm xây dựng “quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước láng giềng”, giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản những năm 1970 và 1980.

Trần Hải

((theo Japantimes, Reuters, Nikkei))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thach-thuc-doi-voi-tan-thu-tuong-nhat-ban-n180327.html