Thách thức cần vượt qua

Trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) khẳng định, nhân loại đang sống trong một giai đoạn có nhiều người hơn bao giờ hết được hưởng lợi mà chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đem lại.

Mặc dù vậy, tổ chức này cũng cho rằng, bên cạnh thành tựu to lớn đạt được trong suốt thế kỷ qua, hệ thống an sinh xã hội thế giới đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Trong đó, việc mới chỉ có 27% dân số thế giới được thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH; 50% dân số toàn cầu không được hưởng bất cứ một hình thức bảo hiểm nào được xem là thách thức lớn nhất.

Bên cạnh đó, những sức ép về chính trị và tài chính tạo ra những áp lực có thể làm giảm mức độ đầy đủ của các chương trình bảo hiểm cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người thụ hưởng, nhất là những người hưởng lương hưu. Ngoài ra, ISSA cũng phân tích một loạt những thách thức khác như xu hướng dân số già; tình trạng việc làm ngày càng bấp bênh của lực lượng lao động trẻ; những tác động đối với thị trường lao động trong bối cảnh sự phát triển nền kinh tế số (nhiều việc làm bị thay thế bởi công nghệ); những nguy cơ đối với sức khỏe ngày càng gia tăng; sự xuất hiện những yếu tố rủi ro mới, các cú sốc và sự kiện cực đoan; tình trạng lao động di cư gia tăng; quá trình chuyển đổi công nghệ và mong muốn ngày càng cao của công chúng đòi hỏi các tổ chức BHXH phải có biện pháp phù hợp để đáp ứng.

Những vấn đề mà ISSA đang lo lắng cũng là những khó khăn mà hệ thống BHXH nước ta đang phải đối mặt. Trên thực tế, Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đồng ý và cam kết hiện thực hóa Sàn An sinh xã hội cho tất cả mọi người cũng như các mục tiêu về an sinh xã hội trong hệ thống các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc; chính sách BHXH cũng đã từng bước được hoàn thiện; việc thực hiện chính sách cũng thu được nhiều kết quả quan trọng: Số người tham gia ngày càng tăng; các chế độ được bổ sung, hoàn thiện theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; lương hưu của người nghỉ hưu từng bước được cải thiện… Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả nước mới có hơn 13 triệu người tham gia BHXH. Nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động, người lao động về chính sách BHXH còn hạn chế; mức độ tuân thủ pháp luật BHXH chưa cao, tình trạng trốn đóng, nợ đọng còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương… Tính bền vững của quỹ BHXH tại Việt Nam không chỉ có nguy cơ bị ảnh hưởng từ tỷ lệ lao động tham gia thấp, mà sẽ còn phải chịu sức ép không nhỏ từ xu hướng già hóa dân số. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2012 Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Trong giai đoạn 2020-2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số có thể ở mức cao nhất ở châu Á. Với tỷ lệ người già tăng, số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm, lượng lao động trẻ có xu hướng thích tham gia khu vực kinh tế phi chính thức…, tính bền vững của quỹ BHXH trở thành một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33277002-thach-thuc-can-vuot-qua.html