'Thác' thông tin gửi đến bộ não mỗi giây

Sự chú ý là công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để tạo nên cuộc sống tốt đẹp và hoàn thành được những việc cần làm.

Tôi thấy việc đọc sách - và nghiên cứu xem nó lấp đầy không gian chú ý của ta như thế nào - là một chủ đề rất hấp dẫn. Nếu bạn thực sự tập trung vào từng câu chữ trong trang sách này, không gian chú ý của bạn hầu như sẽ không còn chỗ cho bất kỳ cái gì khác.

Giống như không có đủ không gian chú ý cho cả việc nhắn tin lẫn lái xe, bạn không thể nhắn tin khi đang đọc - chỉ một trong hai việc trên thôi đã đòi hỏi sự tập trung khá lớn và vừa khít không gian chú ý của bạn rồi. May ra thì bạn có thể nhấm nháp một tách trà, cà phê khi đọc, nhưng rất có khả năng nó sẽ bị nguội ngắt mất thôi vì bạn mải đọc - hoặc bạn sẽ đánh đổ trà ra trang sách khi cố làm cả hai việc một lúc.

Ranh giới của sự chú ý

Sự chú ý của con người thường bị giới hạn bởi hai điểm quan trọng. Thứ nhất, đó là sự hạn chế về số lượng những thứ ta có thể tập trung vào. Giới hạn này nhỏ hơn bạn nghĩ. Nếu có thể thực sự tập trung vào nhiều công việc cùng lúc, ta sẽ làm được nhiều thứ hơn: nhớ được số điện thoại của người khác khi đang chơi đàn, vừa trò chuyện với người này lại vừa nghe người khác nói, vừa trả lời email vừa nghe điện thoại. Thực tế ta chỉ có thể làm tốt được một hoặc hai việc cùng lúc thôi.

Từng giây từng phút, môi trường xung quanh gửi cho bộ não ta cả một dạng thác thông tin. Hãy nghĩ tới những hình ảnh, âm thanh và thông tin đến với bạn ngay lúc này, và bạn sẽ thấy một lô một lốc những thứ có thể chú ý đến. Theo Timothy Wilson, giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia, cứ mỗi giây, bộ não của chúng ta nhận chừng 11 triệu tín hiệu (bit) thông tin dưới dạng cảm giác.

Nhưng bộ não có thể cùng lúc xử lý chu toàn và tập trung vào bao nhiêu trong số 11 triệu tín hiệu đó? Chỉ 40. Không phải 40 triệu, không phải 40 nghìn, mà 40 thôi.

Sách Siêu tập trung. Ảnh: S.G.B.

Khi lựa chọn tập trung vào một vấn đề gì đó, chúng ta từ từ xử lý luồng thông tin. Một cuộc trò chuyện đã chiếm phần lớn tín hiệu tập trung của ta, đó là lý do tại sao ta không thể cùng lúc nói chuyện với hai người riêng rẽ.

Theo nhà tâm lý nổi tiếng Mihaly Csikszentmihalyi, việc giải mã một cuộc trò chuyện thôi (để mà hiểu được) đã lấy hết hơn phân nửa sự tập trung của chúng ta rồi. Bởi lẽ, để luận giải câu chữ của một người, bạn phải hiểu được ý nghĩa đằng sau những gì người đó nói.

Trong lúc bạn đang trò chuyện, có hàng lô chỗ khác để những tín hiệu tập trung còn lại của bạn hướng đến: công việc của ngày mai, những ý nghĩ tình cờ trong đầu, ngọn đèn đằng sau người đang cùng trò chuyện, âm sắc của người đó, hay những gì bạn sẽ nói - nhưng rút ra ý nghĩa của những gì bạn đang nghe vẫn là phần chính trong sự tập trung.

Hạn chế thứ hai là sau khi đã tập trung vào một cái gì đó, chúng ta chỉ có thể nắm giữ một lượng nhỏ thông tin trong trí nhớ ngắn hạn của mình. Khả năng lưu giữ tạm thời thông tin trong đầu ta quả thực là siêu đẳng, bởi nó cho phép ta suy nghĩ về việc mình đang làm, bất kể đó là giải quyết vấn đề (thí dụ như nhớ các con số khi làm toán) hay lên kế hoạch cho tương lai (như phối hợp các bài tập gym một cách tốt nhất). Không có trí nhớ tạm thời này, chúng ta hẳn sẽ phản ứng một cách ngớ ngẩn với mọi thứ đang diễn ra xung quanh.

Cuộc sống của chúng ta được xây dựng trên thực tế là ta chỉ có thể nắm giữ nhiều nhất bảy mẩu thông tin riêng biệt trong trí nhớ ngắn hạn. Chẳng cần nhìn đâu xa để thấy được bằng chứng về cách chúng ta sắp xếp dữ liệu thành lớp lang trong đầu.

Hãy bắt đầu bằng số hai - có vô số ví dụ trong văn hóa đại chúng cho thấy sức mạnh của sự ghép cặp này. Chúng ta dễ dàng nắm giữ hai thứ một lúc trong trí nhớ, không phải tự dưng mà sự kết hợp thành đôi có ở khắp nơi, Batman - Robin, Tom - Jerry...

Bộ ba cũng rất vừa vặn trong không gian chú ý, như Ba chú heo con, Ba chàng ngốc, “quá tam ba bận”, rồi một bài văn gồm ba phần - mở bài, thân bài và kết luận. Ta cũng ghép các ý tưởng theo bộ bốn (bốn phương, bốn mùa...), năm (ngũ hành, ngũ cố,...), sáu (lục dục), bảy (bảy ngày trong tuần, bảy kỳ quan...). Thậm chí nếu bạn để ý sẽ thấy số điện thoại cũng được chia thành từng nhóm ba và bốn chữ số để cho dễ nhớ. Các nhóm có số lượng thành phần nhiều hơn bảy ít gặp hơn nhiều.

Không gian chú ý

“Không gian chú ý” là thuật ngữ tôi dùng để nói về năng lực trí óc mà ta có thể sử dụng để tập trung vào và xử lý những chuyện tức thì. Không gian chú ý là cái ta nhận thức được ở bất kỳ lúc nào - nó như một tấm bảng, hay một tờ nháp trong não lưu giữ thông tin tạm thời đang được xử lý.

Không gian chú ý cho phép ta nắm giữ, xử lý và kết nối thông tin cùng lúc. Khi chọn chú ý đến thứ gì đó, thông tin về nó sẽ chiếm cứ trí nhớ ngắn hạn của ta và không gian chú ý đảm bảo nó luôn hiện diện sẵn sàng ở đó để ta có thể tiếp tục xử lý.

Tập trung là một kỹ năng cần rèn luyện thường xuyên. Ảnh: Hrchannels.

Sự tập trung cùng không gian chú ý chịu trách nhiệm cho phần lớn những hoạt động có ý thức của chúng ta. Nếu coi bộ não như chiếc máy tính thì không gian chú ý chính là thanh RAM (Các nhà nghiên cứu gọi không gian này là “trí nhớ làm việc” và dung lượng của nó là “năng lực ghi nhớ làm việc”).

Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về không gian chú ý trong cuốn sách này. Vì rằng không gian ấy khá nhỏ và chỉ nắm giữ được vài thông tin một lúc nên chuyện quản lý nó cho tốt là rất cần thiết. Thậm chí kể cả lúc ta mơ mơ màng màng, không tập trung vào thứ gì cụ thể thì không gian chú ý vẫn bị lấp đầy.

Khi được ta tập trung vào thì một cuộc trò chuyện cũng đòi hỏi toàn bộ không gian chú ý (ít ra là khi nó thú vị). Vừa xem tivi vừa nấu ăn sẽ dồn cả hai việc này vào không gian chú ý của chúng ta. Khi nhớ lại một ký ức hay sự kiện gì đó (như sinh nhật một người bạn hay tên một bài hát), thông tin từ trí nhớ dài hạn cũng sẽ đổ vào không gian chú ý. Nơi đó nắm giữ mọi thứ ta biết, nó là toàn bộ thế giới nhận thức của ta.

Chris Balley / Sài Gòn Books và NXB Hồng Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thac-thong-tin-gui-den-bo-nao-moi-giay-post1338005.html