Thạc sĩ ngồi xe lăn vẫn ngày đêm đồng hành với người dân vùng 'khát'

Cuộc sống thiếu nước là những gì mà người dân H.Cần Đước phải chịu đựng suốt thời gian dài. Nhiều cá nhân đã đến vùng đất này để giúp đỡ người dân, trong đó có một thạc sĩ tàn tật.

Người con của vùng quê H.Cần Đước, đó là thạc sĩ Đặng Hoàng An (SN 1989, nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM) đã làm rất nhiều việc mà người dân địa phương nhớ như in trong mùa khô hạn này. Năm 2024, thời tiết hết sức khắc nghiệt, Long An là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn, thiếu nước, vì vậy cuộc sống của người dân gần như bị đảo lộn hoàn toàn. Những lúc tuyệt vọng, tình cảm người dân miền Tây lại gắn kết, cùng nhau san sẻ yêu thương, chia từng giọt nước ngọt để vượt qua mùa hạn hán kỷ lục này.

Có mặt ở điểm nóng được xem là nơi "khát nước" của H.Cần Đước, chúng tôi đến ấp 2 (xã Long Định) để tìm hiểu thêm. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh khá lạ, cách khoảng vài chục mét có thùng phuy xanh dung tích 300 lít, 500 lít trữ nước đặt liền kề. Tới gần nhìn thấy rõ trên mỗi bình đều ghi dòng chữ "nước từ thiện", đây là lượng nước sạch được UBND xã cùng Mạnh thường quân tài trợ giúp dân địa phương chia sẻ thời điểm khó khăn mùa khô hạn. Mạnh thường quân "ruột" với bà con là anh Hoàng An (thạc sĩ, nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM) quê ở huyện này.

Anh An phát nước cho người dân

Anh An phát nước cho người dân

Có mặt tại căn nhà cấp 4, nằm sâu trong con hẻm nhỏ, lúc vừa nhìn thấy chúng tôi, anh An chỉ gật đầu chào do còn tất bật điện thoại đợi xe chở nước về, sau đó động viên mọi người về nhà nghỉ ngơi khi có nước sẽ thông báo. Sự nhiệt tình, chân thật của anh An khiến ai cũng vui vẻ dù khí trời còn gay gắt.

Anh An ngồi trên chiếc xe lăn nhớ lại, năm 2016 đang là thạc sĩ, giảng viên khoa Tâm lý học của Trường đại học Sư phạm TPHCM, một chiều đi dạy về nhà trọ bị té cầu thang chấn thương nặng. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không hy vọng hồi phục. Thạc sĩ trẻ bị liệt 2 chân phải đi lại bằng xe lăn. Từ đó, cuộc đời anh bắt đầu rẽ sang hướng khác.

Không đầu hàng trước số phận, 7 năm qua ngoài làm việc online tại nhà, trợ giảng tại một số trường đại học, Thạc sĩ An duy trì công việc làm từ thiện của mình. Anh dành tặng 100 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, học bổng cho học sinh nghèo... Mùa hạn mặn này, anh huy động nhiều Mạnh thường quân tặng nước sạch cho người dân.

Khi anh An trao tận tay lốc nước ngọt cho mỗi gia đình đều nở nụ cười rất tươi như họ chính là ruột thịt của mình. Dù vận động trên chiếc xe lăn còn khó khăn, mọi di chuyển chậm chạp vẫn không làm anh An nản lòng, ngày đêm anh vẫn có mặt khu vực "khát nước". Nghe tin một người như thạc sĩ An còn "xung trận", một số Mạnh thường quân ở trong xã, huyện và ngoài tỉnh cũng muốn đồng hành cùng anh đưa nước đến cho người dân. Xuyên suốt gần 2 tháng "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", anh An cùng các Mạnh thường quân đã đưa hơn 50 khối nước, 50 lốc nước đóng chai giúp bà con.

Vợ chồng anh Trường cùng đồng hành cùng bà con vùng hạn mặn

Vợ chồng anh Trường cùng đồng hành cùng bà con vùng hạn mặn

Đôi vợ chồng góp công sức cùng anh An là anh Nguyễn Nhật Trường (tài xế) và vợ Lê Thị Bích Ngọc - giáo viên tiểu học một trường ở H.Bến Lức (Long An) luôn sống với bà con khô hạn như chính người thân ruột thịt của mình. Anh Trường cho biết, H.Cần Đước là quê vợ, thấy người dân ở đây đang thiếu nước, mỗi tuần anh chở 4 - 5 chuyến xe tải để đem nước của gia đình từ H.Đức Hòa đến H.Tân Trụ, Cần Đước giúp dân. Sau chuyến đi đầu tiên vào ngày nghỉ lễ 30/4 - 01/5, chứng kiến từng thùng phuy trước nhà người dân khô cạn, mỗi ngày, anh Trường đều chở nước miễn phí về miền hạ (một chuyến 5 khối nước). Công việc thầm lặng kéo dài gần 1 tháng. Còn vợ anh là chị Bích Ngọc, ngoài giờ lên lớp, buổi chiều cho đến tối lại trực tiếp chở từng can nước đi qua con hẻm nhỏ cho mỗi hộ chỉ có người già, người bệnh, trẻ em không tự đi lấy được. "Cần Đước là quê của mình, thấy bà con quê hương bị như thế này sao mà cầm lòng được", chị Bích Ngọc chia sẻ.

Những ngày đầu tháng 5/2024, đã có những cơn mưa xuống các vùng trong tỉnh, miền hạ sông Vàm Cỏ Đông được ưu ái với lượng mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, khô hạn đã lâu nên giờ chỉ đủ ướt nền đất, tưới mát cho cây, đồng thời báo hiệu tháng ngày khô hạn sắp qua đi. Cuối tháng này mưa nhiều hơn, dân sẽ hết khát nước nhưng đối với dân H.Cần Đước, Tân Trụ luôn nhớ đến thạc sĩ An, tài xế Trường cùng cô giáo Ngọc đồng hành với cuộc sống khó khăn của họ, đó chính là tấm lòng nhân hậu đáng quý.

AN THƯ

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/guong-sang/thac-si-ngoi-xe-lan-van-ngay-dem-dong-hanh-voi-nguoi-dan-vung-khat_162526.html