Thạc sĩ livestream bán hàng, vượt mặc cảm mở đường mới cho nông dân

Chảo Thị Yến từng sợ khi mọi người nói có bằng thạc sĩ nước ngoài cũng chỉ livestream bán hàng. Song, 9X người Dao Tuyển này đã vượt qua mặc cảm và đang mở ra con đường mới cho người nông dân quê mình.

Chọn đi ngược chiều

Sinh năm 1991, ở xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai), Chảo Thị Yến được nhiều người nhắc đến như một tấm gương vượt khó. Thay vì ở nhà phụ gia đình làm nông như các bạn đồng trang lứa rồi lấy chồng, Yến quyết tâm đi học cùng mơ ước thoát khỏi cuộc sống khó khăn.

Cô là người dân tộc Dao Tuyển đầu tiên nhận được học bổng du học toàn phần trị giá 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng).

Hành trình trở thành thạc sĩ chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững (ĐH Goettingen, Đức và ĐH Padova, Italy) đầy gian nan nhưng vô cùng tự hào của Yến như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho giới trẻ theo đuổi ước mơ, góp phần thay đổi nhận thức của những người dân vùng cao biên giới.

Cầm tấm bằng thạc sĩ về nước, Yến đi làm cho một số tổ chức phi chính phủ, thực hiện nhiều dự án về giá trị tri thức bản địa, hướng dẫn cộng đồng giữ gìn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Cô xây dựng “tủ sách ngược chiều” để giúp giới trẻ vùng cao hình thành thói quen đọc sách, lan tỏa và truyền cảm hứng theo đuổi ước mơ học tập cho các em nhỏ.

Cứ cuối tuần được nghỉ làm, Yến lại tranh thủ quay clip quảng bá về ẩm thực, văn hóa, phong tục tập quán… của người dân bản địa cũng như những câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ rồi chia sẻ lên mạng xã hội.

Những clip giới thiệu về sản vật quê hương của Chảo Thị Yến mang lại hiệu quả rất lớn cả về mặt hình ảnh lẫn giá trị kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng.

Hiện, kênh TikTok của Yến có hơn 325.000 lượt người theo dõi, nhiều clip hàng triệu lượt xem.

Cũng chính lúc này, 9X người Dao Tuyển chợt nhận ra mục tiêu trước đây của cô đi học để thoát nghèo cho bản thân thôi là chưa đủ. Yến chia sẻ: "Nếu chỉ nói và truyền cảm hứng theo cách trước đây thì tôi sẽ mãi mãi chỉ là người truyền cảm hứng trên giấy, thạc sĩ giấy mà thôi. Tôi phải làm giàu, phải có nền tảng kinh tế vững chắc thì tiếng nói của tôi mới có trọng lượng và tạo được sinh kế cho cộng đồng".

Khi đưa ra ý định sẽ bỏ việc ở thành phố để về nhà, Yến bị mẹ và rất nhiều người thân phản đối. Nhưng thạc sĩ 9X không muốn giải thích nhiều mà quyết tâm chứng minh cho mọi người bằng hành động và kết quả của mình.

“Tôi phải làm thế nào để vừa sống với đam mê, vừa có thu nhập trang trải cuộc sống. Tôi không thể nghĩ cho người khác quá nhiều khi bụng mình còn đói. Đó là lý do vì sao tôi có ý định về quê làm kinh tế”, Yến bộc bạch.

Sau khi tham gia Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, Yến đã có suy nghĩ khác và bắt đầu với con đường khác hoàn toàn với mục tiêu ban đầu của cô.

Tháng 5/2022, Yến may mắn được tham gia Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, được gặp những người thành đạt trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã giúp Yến thay đổi cách nghĩ, cách làm và đủ can đảm về quê khởi nghiệp.

Đầu năm 2023, Yến chính thức trở về nơi mình sinh ra để bắt đầu cho một hành trình mới.

Vượt qua mặc cảm bản thân, cầm điện thoại livestream bán hàng

Từ một thạc sĩ lâm nghiệp chuyên làm nghiên cứu về quản lý tài nguyên rừng bền vững, khi chuyển hướng sang kinh doanh, Yến phải tự mình học hỏi rất nhiều.

Nhận thấy bán hàng qua các kênh mạng xã hội rất tiềm năng, Yến mạnh dạn cùng người dân bản địa tiếp cận thương mại điện tử để bán các mặt hàng đặc sản quê hương như nông sản, dược liệu, bài thuốc của người Dao…

Trước đây, Yến từng nghĩ việc livestream bán hàng sẽ khiến giá trị bản thân đi xuống. Cô rất ngại khi mọi người nói thạc sĩ du học nước ngoài về cũng chỉ livestream, bán hàng online…

“Trước kia, tôi cũng khá kì thị việc livestream. Tôi ghét sự ồn ào của việc bán hàng trực tiếp trên mạng. Nhưng dần dần, tôi nhận thấy livestream là một nghề được xã hội đón nhận", Yến bắt đầu thay đổi góc nhìn. Cô nghĩ nếu khởi nghiệp mà không thể tự livestream bán hàng của mình thì sẽ bị tụt hậu về việc quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

Chảo Yến giới thiệu vải Bắc Giang trên kênh TikTok hàng trăm nghìn lượt người theo dõi của mình.

Khi nhận lời đi Bắc Giang tham gia chiến dịch quảng bá du lịch, nông sản của tỉnh vào cuối tháng 6 vừa rồi, Yến vẫn nói “không” với livestream. “Nhưng khi chúng tôi lên đó, ai không biết livestream sẽ được chỉ bảo rất bài bản. Đấy là lần đầu tiên tôi đứng vào livestream nghiêm túc để bán hàng”, Yến kể lại.

Sau lần đầu tiên đó, Yến đã vượt qua được những mặc cảm và được tiếp thêm động lực để cô vững bước trên con đường đã chọn.

Cùng người nông dân đi con đường mới

Sau 2 tháng cho khách hàng online trải nghiệm sản phẩm và tiếp nhận phản hồi tốt, Yến quyết tâm đầu tư phát triển lợi thế sản phẩm nông sản của quê hương. Đầu tháng 7, Chảo Thị Yến chính thức trở thành Giám đốc HTX (hợp tác xã) Tri thức bản địa Goong.

"HTX sẽ làm những sản phẩm liên quan tới tri thức bản địa của người Dao, những bài thuốc nam, dược liệu, nông sản… được khai thác sản xuất theo cách của người xưa. Tôi sẽ áp dụng khoa học công nghệ một cách bài bản để nâng tầm giá trị tri thức bản địa”, Yến hào hứng giới thiệu.

Với kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản về quản lý tài nguyên rừng bền vững, Yến luôn chú trọng truyền đạt cho người nông dân cách khai thác nông sản bản địa theo hướng bền vững và đạt chuẩn chất lượng.

Bên cạnh việc đứng ra thu mua các sản phẩm nông lâm đặc sản cho người dân, Yến cũng trực tiếp hướng dẫn người dân cách khai thác bền vững và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.

Dù người dân Nậm Chạc vẫn giữ được cách khai thác nông lâm sản bền vững, tuy nhiên lại chưa biết cách khai thác đảm bảo chất lượng sản phẩm, Yến cho hay. Cũng bởi vậy, khi người dân thu hái củ thổ phục linh, củ khúc khắc rừng... cô hướng dẫn họ chỉ lấy củ to đã đủ tuổi. Những phần củ non sẽ được trồng lại để chờ lần khai thác sau.

Khi khai thác nguyên liệu cho bài thuốc lá tắm của người Dao, Yến đề nghị mọi người chỉ khai thác cành lá, không được lấy rễ và phần thân gỗ, không khai thác tận diệt để cho cây tồn tại và phát triển.

Cô tuyên truyền người dân không đi lấy mật ong rừng ngay sau khi trời mưa vì sẽ không đảm bảo chất lượng của mật. Nếu ai vẫn cố tình đi thu hoạch sớm, cô kiên quyết không mua lại.

Đề cập tới công việc kinh quanh thời gian qua, Yến thẳng thắn thừa nhận mình không chạy theo số lượng đơn hàng, không chạy theo số lượng sản phẩm. Cô đặt chất lượng sản phẩm đặc sản địa phương lên hàng đầu.

"Tôi học lâm nghiệp nên tôi hiểu rất rõ cách làm sao để khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Những ai không tuân theo quy tắc tôi đưa ra, tôi sẽ từ chối mua hàng của họ. Vì tôi thu mua giá cao, nếu họ không nghe theo họ sẽ bị thiệt", Yến chia sẻ.

Dù mới chỉ là khởi đầu, Chảo Thị Yến đang cùng người dân mở ra con đường mới, tạo sinh kế ổn định, đồng thời giữ gìn và phát triển tri thức bản địa. Cô cũng mong một ngày không xa, bản làng nơi mình đang sinh sống sẽ có lưới điện quốc gia để phục vụ cuộc sống và kinh doanh của người dân nơi đây.

Ảnh, clip: Nhân vật cung cấp

Lam Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thac-si-nguoi-dao-livestream-ban-hang-vuot-mac-cam-mo-duong-moi-cho-nong-dan-2163958.html