Thạc sĩ Đỗ Anh Vũ: Đạo lý thầy trò là một giá trị được bảo toàn

"Nhân cách con người là một giá trị bền vững, đạo lý thầy trò sẽ được bảo toàn trong quan niệm của những người có thái độ sống đúng đắn"- Th.s Đỗ Anh Vũ.

Th.s Đỗ Anh Vũ.

PV: Theo anh, sự khác biệt nhất của những đứa trẻ ngày nay đến trường với thế hệ của ông bà, cha mẹ chúng là gì?

Th.s Đỗ Anh Vũ- Viện nghiên cứu Ngôn ngữ (Viện Hàn lâm KHXH việt nam): Đó là việc các bậc cha mẹ ngày nay có nhiều cách lựa chọn môi trường học cho con. Có trường quốc tế, có trường chất lượng cao, có trường công, có trường tư thục… với các mức học phí chênh lệch nhau và dịch vụ giáo dục khác nhau. Thậm chí trong cùng một trường cũng có các cấp độ khác nhau. Ví dụ ở lớp con tôi, có thể đăng ký học các chương trình tiếng Anh khác nhau.

Và khi giáo dục được coi như một loại dịch vụ như vậy, anh nghĩ rằng mối quan hệ thầy trò có bị ảnh hưởng không? Khi cha mẹ chúng có quyền lựa chọn các mức giá cho việc học tập của con cái, chúng ta có nên đòi hỏi đạo làm thầy và đạo làm trò nữa hay không? Điều này có ảnh hưởng gì đến việc hình thành nhân cách những đứa trẻ?

- Tôi nghĩ rằng nhân cách con người là một giá trị bền vững, đạo lý thầy trò sẽ được bảo toàn trong quan niệm của những người có thái độ sống đúng đắn. Việc phụ huynh có nhiều lựa chọn cho việc học hành của con cái phù hợp với điều kiện gia đình theo tôi có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến những giá trị thuộc về đạo lý. Tôi vẫn tin sự tha hóa của đạo đức người thầy hay của học trò chỉ là thiểu số. Về cơ bản vẫn là hình ảnh những người thầy đẹp đẽ ngày đêm vun đắp cho việc trồng người.

Vâng, tôi cũng tin trong cuộc đời mỗi người vẫn tha thiết một hình bóng một người thầy. Đôi khi, người thầy lớn nhất của cuộc đời ta chưa hẳn đã là người trực tiếp giảng dạy…

- Đúng rồi, Khổng Tử nói: “Trong 3 người cùng đi, tất có một người là thầy ta”, nữa là trong cuộc đời dằng dặc, ta sẽ gặp được những nhân duyên. Có người không trực tiếp dạy nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc, họ có khi cho ta một bài học làm bừng tỉnh hoặc thay đổi hẳn cuộc đời mình.

Đối với anh, người thầy nào đã để lại ảnh hưởng nhiều nhất?

- Thường thì các thầy ở bậc phổ thông, với đặc điểm gắn bó và gần gũi học trò, luôn là những người có nhiều ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách học sinh. Đời tôi may mắn là những năm cấp 2 đã được học thầy giáo Hồ Đắc Đại – giáo viên dạy văn giỏi nổi tiếng ở Hà Tây cũ. Đến cấp 3 tôi lại được học văn nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển… Đó thực sự là những người thầy để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn giúp tôi hình thành nhân cách làm người. Khi tôi vào đại học học ngành ngôn ngữ, tôi may mắn gặp được TS Hoàng Cao Cương, đó là người thầy truyền cho tôi ngọn lửa đam mê học thuật, giúp tôi lựa chọn và theo đuổi con đường nghiên cứu bây giờ.

Không biết anh có nghĩ rằng nhất định không thể có một đứa trẻ kính trọng thầy cô nếu ở nhà cha mẹ chúng không thể hiện sự tôn trọng thầy cô của con trước mặt chúng?

- Hiển nhiên là vậy. Khi tôi đưa con đi học, nếu gặp cô giáo của con bao giờ tôi cũng chào hỏi rất tôn trọng, để làm gương cho con. Ở nhà, khi nói chuyện về việc học của con, vợ chồng tôi bao giờ cũng nói chuyện riêng, có điều gì chưa hài lòng trong cách dạy của cô cũng không nói trước mặt cháu. Tất nhiên, trẻ con bây giờ nó có cảm nhận riêng của nó. Nên nếu cháu có nói điều gì chưa tốt về cô theo cảm nhận của cháu thì tôi luôn phải giải thích cho cháu cặn kẽ, đưa ra các cách lý giải để cho dù cô có thể có chỗ chưa đúng thì cháu cũng không được có thái độ sai. Để một đứa trẻ có nền tảng về đạo lý thầy trò, cha mẹ phải làm cho con tôn trọng thầy cô, phải giữ hình ảnh về thầy cô tròn đầy, đẹp đẽ.

Xin cảm ơn anh!

T.Vĩnh (thực hiện)

Từ khóa

đạo lý thầy trò giá trị bảo toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/thac-si-do-anh-vu-dao-ly-thay-tro-la-mot-gia-tri-duoc-bao-toan/135201