Thả hàng chục nghìn con cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ

Nhằm tích cực tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ, sáng 24/2, tại Nhà máy điện năng lượng mặt trời đầm Trà Ổ (thôn Mỹ Phú Bắc, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chính quyền địa phương đã tổ chức Lễ thả 57.400 con cá giống các loại gồm cá trê lai, cá trắm cỏ, cá rô đầu vuông, cá mè, cá trôi…

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, Trà Ổ là đầm nước ngọt lớn nhất của tỉnh Bình Định, với diện tích khoảng 1.200 ha, là một trong những cảnh quan sinh thái tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, nên thơ của Bình Định nói chung và của huyện Phù Mỹ nói riêng.

Đây là một trong những đầm phá thể hiện nét đặc trưng về một hệ sinh thái của vùng đất ngập nước ở khu vực miền Trung, có nguồn lợi thủy sản phong phú đa dạng, có chế độ môi trường nước và thủy văn thuận lợi cho nhiều loài thủy sản sinh sống và phát triển, là vườn ươm và cũng là nguồn cung cấp, bổ sung các nguồn lợi tôm, cá, rạm, chình mun,… cho nhu cầu nhân dân trong và ngoài huyện và cũng là nguồn sống của nhân dân sống quanh đầm.

Khu vực thả cá Nhà máy điện năng lượng mặt trời đầm Trà Ổ.

Đầm Trà Ổ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ nơi cư trú của các loài chình mun, chình bông,…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế, do sức ép về gia tăng dân số, do nhu cầu sống nên một số bộ phận cư dân ven đầm đã tiến hành các hoạt động khai thác, sử dụng không hợp lý đã làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên của đầm Trà Ổ, trong đó có những loài đặc hữu như “chình mun, rạm” đang suy giảm nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven đầm.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ, mô hình đồng quản lý đã được thành lập từ năm 2007. Cùng với vai trò hoạt động tích cực của Hội đồng điều hành liên xã và các Nhóm hạt nhân bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ của 4 xã ven đầm đã tổ chức tuần tra, xử lý các đối tượng sử dụng xung điện khai thác thủy sản trên đầm. Bên cạnh đó, các địa phương ven đầm đã thành lập Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ để thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại đầm Trà Ổ theo Luật Thủy sản năm 2017.

Mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò và trách nhiệm trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thể hiện rõ nét nhất là mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư đã có tiếng nói chung đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của đầm. Nguồn lợi thủy sản của đầm ngày càng phục hồi và phát triển, hàng năm đầm đã cung cấp hàng trăm tấn thủy sản các loại, tạo thu nhập ổn định cho các hộ hành nghề khai thác thủy sản trên đầm từ 200 – 500 nghìn đồng mỗi ngày.

Đi đôi với công tác bảo vệ, hàng năm UBND huyện tổ chức lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ. Việc thả cá đã được sự quan tâm đóng góp kinh phí của một số doanh nghiệp.

Tại buổi lễ thả cá, ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, UBND huyện phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản”. Với quan điểm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ là bảo vệ cuộc sống hôm nay và tương lai cho thế hệ mai sau, chính quyền địa phương đề nghị các ngành, các cấp, các hội đoàn thể và UBND 4 xã ven đầm, Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ cần có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi việc bảo vệ, nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản; kết hợp với xử lý kịp thời những hành vi sử dụng các ngành nghề bị cấm đang lén lút khai thác thủy sản, làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ; cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi cư dân ven đầm trở thành tuyên truyền viên.

Ái Trinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tha-hang-chuc-nghin-con-ca-giong-de-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-dam-tra-o-i723504/