TH mời nông dân cùng lên con tàu nông nghiệp công nghệ cao

Không chỉ tiên phong xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, tập đoàn TH còn bắt tay với người nông dân, cùng đưa họ tham gia vào mô hình ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa.

 Tập đoàn TH đưa nông dân tham gia vào mô hình ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa.

Tập đoàn TH đưa nông dân tham gia vào mô hình ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa.

Bùi Đăng Sơn, 59 tuổi, là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò sữa Đơn Dương (Lâm Đồng). 17 năm trước đây, ông vay ngân hàng để mua hai con bò để bắt đầu sự nghiệp chăn nuôi bò sữa của mình. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông khoe rằng, từ 1 sào đất ban đầu, giờ ông đã có 2 héc ta, xây dựng được căn nhà trị giá 1,5 tỉ đồng và quan trọng hơn, con cái đều vào được đại học.

“Từ khi bắt đầu nuôi bò sữa, tôi chỉ bán sữa cho Dalat Milk và giờ vẫn vậy, bình quân 250 ki lô gam/ngày, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/tháng”, ông Sơn nói và kể rằng, trước đây, ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác quanh vùng chỉ chăn nuôi bò, rồi bán sữa theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, nên khi gặp khó khăn trong tiêu thụ, đôi lúc còn phải đổ bỏ sữa vì giá bán quá rẻ.

Nhưng kể từ khi tập đoàn TH tiếp quản Dalat Milk cùng với việc HTX Chăn nuôi bò sữa Đơn Dương được thành lập vào năm 2017, mọi chuyện đã khác. Không chỉ được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định, nhiều hộ chăn nuôi như ông Sơn còn được hướng dẫn và hỗ trợ chăn nuôi bò cao sản, thay đổi giống, đổi thức ăn, xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh..., để nâng cao không chỉ năng suất mà còn cả chất lượng dòng sữa, đủ tiêu chuẩn để tiêu dùng và xuất khẩu.

“Tham gia HTX, rất thuận lợi trong sản xuất, yên tâm về đầu ra, về thu nhập, lại còn được tiếp cận công nghệ cao mà trước nay chúng tôi chưa vào giờ được biết”, ông Sơn nói.

Ấy là ông Sơn nhắc đến chuyện Dalat Milk lắp đặt chíp điện tử cho đàn bò của nông hộ. Từ con chíp điện tử ấy, người dân có thể theo dõi sức khỏe đàn bò thông qua máy tính hoặc điện thoại, biết tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, thậm chí là tình trạng động dục hay bệnh viêm vú của bò..., để đảm bảo cho ra được dòng sữa tươi ngon.
Chuyện này, với những người nông dân như ông Sơn là quá mới mẻ, nhưng với TH lại khác. Từ hơn 10 năm trước, từ sự cố sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc, bà Thái Hương, nhà sáng lập và tư vấn đầu tư tập đoàn TH, đã quyết định đầu tư Dự án Chăn nuôi bò và chế biến sữa công nghệ cao trị giá 1,2 tỉ đô la ở Nghĩa Đàn (Nghệ An).

Bằng sự quyết đoán và tầm nhìn xa, bà Thái Hương đã quyết định đưa công nghệ hiện đại nhất của thế giới vào các trang trại chăn nuôi bò tập trung và nhà máy chế biến sữa TH, chính thức khởi xướng và đặt nền móng cho mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng khoa học - công nghệ và khoa học quản trị tại Việt Nam.

Sự vào cuộc của TH không chỉ làm nên một cuộc cách mạng sữa tươi sạch ở Việt Nam, mà còn góp phần chuyển dịch tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa bột từ 92% (năm 2008) xuống còn hơn 60% hiện nay.

Không dừng lại ở các trang trại của TH, bà Thái Hương còn nhìn sang những người nông dân với mong muốn phải làm sao để cả những ly sữa do họ làm ra cũng có được tiêu chuẩn đồng nhất, để tất cả người tiêu dùng Việt Nam đều được sử dụng sản phẩm sữa có chất lượng. Từ ý tưởng đó, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa đã ra đời, với hai yếu tố quan trọng nhất là đưa khoa học - công nghệ vào và kết nối, cùng chia sẻ lợi ích giữa nông dân - doanh nghiệp thông qua HTX.

Thay vì chỉ lựa chọn hướng dẫn một số kỹ thuật và thu mua sữa của bà con nông dân, TH chọn cách đồng hành với người nông dân, từ cung cấp con giống, thức ăn cho đến kiểm soát thú y, chất lượng dòng sữa.... Bò của TH được chăm sóc thế nào, bò của người nông dân cũng được chăm sóc như thế. Sữa ở trang trại TH như thế nào, thì sữa ở các nông hộ nuôi bò dưới sự hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của TH cũng có chất lượng tương tự.

Dalat Milk chính là mô hình điểm đầu tiên, còn ông Bùi Đăng Sơn chính là một trong những người nông dân đầu tiên được hưởng lợi từ mô hình này.

“Bằng cách đó, chúng tôi đã tạo ra những ly sữa hoàn mỹ, đồng nhất về chất lượng, của TH cũng vậy, của người nông dân cũng thế”, bà Thái Hương nói.

Bên cạnh thành công của các trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, TH cũng kiên trì thúc đẩy xu hướng mới theo mô hình HTX công nghệ cao để đưa người nông dân đi cùng. TH đã nhấn mạnh đến mục tiêu này khi công bố việc triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao vào phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam tại Lễ khởi công xây dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, vốn đầu tư 3.800 tỉ đồng, tại Nông Cống (Thanh Hóa). Đồng thời TH khẳng định tiếp tục nhân rộng mô hình đó ở các địa phương khác trong cả nước, như Thanh Hóa, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội...

Dự kiến, đến năm 2025, tổng số đàn bò mà TH phát triển cùng người nông dân sẽ đạt khoảng 200.000 con, nâng tổng số đàn bò của TH lên 400.000 con (bao gồm 200.000 con nuôi tập trung). Khi ấy, TH sẽ góp phần quan trọng để Việt Nam hoàn thành trước năm năm mục tiêu phát triển đàn bò 500.000 con vào năm 2030.

Thanh Hà

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290965/th-moi-nong-dan-cung-len-con-tau-nong-nghiep-cong-nghe-cao-.html