Tết xa quê

Tết là dấu ấn văn hóa trường tồn trong tâm hồn người Việt. Tết để đoàn viên, sum vầy. Những ngày này, người đi xa mong được về quê hương; người ở nhà ngóng trông mong nhớ những người thân nơi xa. Tuy vậy, còn nhiều người con đất Việt phải đón Tết nơi xứ người vẫn luôn đau đáu nghĩ về quê hương. Tết trong lòng họ thiêng liêng đến lạ.

Nhớ hương vị Tết Việt

Chợ hoa, cảnh đường phố nhộn nhịp hay mùi hương trầm hòa trong cái giá lạnh của đêm 30 và phút giây sum vầy gia đình là điều những người sống xa quê hương nhớ nhất mỗi khi Tết đến. Trần Văn Nam (quê Bắc Giang) đi xuất khẩu lao động theo diện thực tập sinh tại tỉnh ChiBa (Nhật Bản) tâm sự: “Mặc dù Nhật Bản là quốc gia châu Á, nhưng ngày nay người Nhật không còn tập tục đón Tết âm lịch nữa, vì vậy, cảm nhận về ngày Tết âm lịch trên đất Nhật có lẽ chỉ tụi mình mới có”. Cũng may, Nam không đơn độc, cùng đợt đi với anh còn hơn chục người Việt Nam nữa, tất cả đều làm cùng một nhà máy và ở cùng một ký túc xá nên cũng đỡ buồn.

Nam chia sẻ: “Tết này là cái Tết thứ 3 trên đất bạn. Nhớ quê kinh khủng, mình là con trai không khóc, chứ mấy bạn gái đi cùng đợt, đêm giao thừa nhớ nhà, khóc sụt sùi”. Nên mặc dù xa quê nhưng Tết đến, chúng mình cũng phải chuẩn bị đầy đủ mứt Tết, bánh chưng, dưa hành, giò lụa, nem cuốn, canh măng… Ở đây khó kiếm nhất vẫn là cành đào, cành mai. “Năm ngoái, tớ phải nhờ người nhà gửi 2 cành đào theo đường hàng không sang đây để đón Tết đấy” – Hùng ( quê Phú Thọ, bạn cùng phòng ký túc xá với Nam) nói. Theo tâm sự của Hùng, nếu so với cái Tết ở nhà, Tết Việt trên đất Nhật của các bạn khá đủ đầy về vật chất, chỉ thiếu hương vị quê, hơi ấm người thân và làn mưa xuân của miền nhiệt đới.

“Tết ở Việt Nam mới là Tết thật. Giờ đây, ở nước ngoài, tìm những đồ ăn của người Việt, tìm những nguyên liệu làm món ăn ngày Tết cũng không quá khó khăn nhưng sao tìm được không khí ấm cúng như ở quê nhà mình” – Phan Văn Trung, Chi hội trưởng Hội Du học sinh Việt Nam tại Trường Đại học Soongsil (Hàn Quốc) bày tỏ.

Còn Nguyễn Trọng Toàn (quê Tuyên Quang) mới đặt chân đến xứ sở Kim Chi để theo học chương trình cao học chưa đầy một năm. Tết năm nay là lần đầu tiên bạn xa gia đình. Giữa một nơi không người thân, không tiếng vui đùa hay những giai điệu mùa xuân thường thấy ở nhà, chàng sinh viên năm nhất dâng trào một cảm giác bùi ngùi: “Bây giờ, chỉ mong được ngửi mùi bánh chưng, được rửa mặt bằng nước mùi thơm dịu, được tận tay sờ vào cành đào trong vườn, được nhận những phong bao lì xì của người thân…”.

Luôn hướng về quê nhà

Gia đình anh Thọ và chị Vân Anh đã sống, làm việc trên đất Cộng hòa Czech được hơn chục năm. Ban đầu, 2 vợ chồng nghĩ sang đây làm ăn vài năm kiếm chút vốn, nhưng rồi họ quyết định ở lại trên đất bạn. Tưởng rằng cuộc mưu sinh đã làm phôi phai phong tục Tết Việt, nhưng không, Tết vẫn luôn là niềm mong mỏi của gia đình, nhất là khi anh chị có thêm thành viên mới. Chị Vân Anh tự hào khoe: “Hơn chục năm nay, dù bận đến mấy, nhưng cứ đến gần ngày tết Nguyên đán, tôi lại dành thời gian tự tay ngâm gạo nếp, rửa lá dong để gói bánh chưng. Quan trọng là dạy cho cháu biết đến truyền thống của quê nhà”.

Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.

Chị vẫn giữ phong tục của cha ông, vẫn cúng lễ ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, chuẩn bị mâm ngũ quả, làm mâm cơm cúng tất niên. Đồ Tết chủ yếu mua ở các kiot bán hàng của người Việt, gần như có đủ các mặt hàng cần thiết, kể cả vàng mã, giò, chả, bánh kẹo Việt Nam, mứt Tết… Giao thừa ở đây đến sớm hơn ở Việt Nam (do chênh lệch múi giờ), lúc đó, cả nhà cùng mở champagne chúc mừng năm mới, lì xì mừng tuổi và cùng nhau ăn tiệc. Kết thúc buổi tiệc, mọi người sẽ gọi điện chúc mừng một năm mới tốt lành tới tất cả bạn bè gần xa. Ngày hôm sau, mọi người cũng đi chúc Tết nhau, đi lễ chùa như ở Việt Nam.

Tết đến, xuân về, giây phút thiêng liêng chuyển giao của đất trời đang cận kề, những người Việt xa xứ, với biết bao cuộc mưu sinh nhọc nhằn bền bỉ để vươn tới thành công và góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt. Dù họ đón Tết nơi đâu nhưng vẫn luôn ngóng trông về quê hương, xứ sở, nơi có gia đình, người thân và bạn bè của mình.

Anh Thọ cho biết, cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Czech khá đông, kiều bào đã lập ra Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Czech, phong trào hoạt động rất sôi nổi. Thành phố cổ Liberec - nơi gia đình chị sinh sống, nằm cách thủ đô Praha khoảng 100 km, là nơi tập trung khá đông bà con cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và làm việc. Những ngày trước Tết, dù bận bịu với công cuộc mưu sinh, nhưng nhiều người Việt vẫn luôn ý thức được lòng tự tôn về bản sắc văn hóa của dân tộc. “Một mâm ngũ quả rồi hương trầm, đặc biệt là bánh chưng xanh được dọn sẵn đặt lên bàn thờ tổ tiên cũng đủ hiểu tấm lòng người Việt luôn hướng về quê hương với tất cả niềm tin yêu và tự hào” – anh Thọ nói.

Là người có thâm niên sống ở Đài Loan đã gần chục năm, Lê Văn Bộ (công nhân của một nhà máy điện tử ở thành phố Đài Bắc) đã 4 lần đón năm mới ở đây, và năm nay là lần thứ 5 Bộ ăn Tết xa nhà. Bộ tâm sự: “Xa quê bao nhiêu năm, những ngày thường bận bịu công việc còn đỡ, chứ năm hết, Tết đến là nhớ nhà da diết, lúc nào cũng hướng về quê hương, muốn về ngay với gia đình, với bố mẹ, vợ con, nhưng không thể, vì Tết không được nghỉ dài ngày mà chi phí mỗi lần về cũng tốn kém”.

Sống ở một vùng xa thuộc Đài Nam, Đài Loan, Đoàn Mạnh Quý (quê ở Bắc Giang) cho biết, năm ngoái, mùng 1 Tết, anh phải đi tới hơn 10 kilomet bằng xe buýt để đến nhà bạn (một người lao động Việt khác), nơi có đường truyền mạng tốt hơn, sóng điện thoại khỏe hơn để có thể dễ dàng hỏi thăm và gửi lời chúc tới những người thân trong gia đình. “Năm nay, dù có đi xa 20 kilomet hay xa hơn nữa thì mình cũng sẵn lòng đi. Chỉ cần được nhìn thấy mọi người ở nhà là hạnh phúc rồi” - Quý cười.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tet-xa-que-48068.html