Tết Việt 140 năm trước qua trải nghiệm của bác sĩ quân y người Pháp

Trong thời gian tham gia chiến dịch Bắc Kỳ (1884-1886), bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard có những trải nghiệm thực tế về ngày đầu năm mới ở chốn cung đình và trong chúng dân.

Nhiều thế kỷ trước, trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, nhiều giáo sĩ, thương nhân phương Tây đã chứng kiến và ghi lại không ít những luật tục, nghi thức đón Tết Nguyên đán của người Việt.

Chẳng hạn, giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài và thương nhân người Anh Samuel Baron trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài đã cho biết những nghi lễ, tập tục Tết thời Lê - Trịnh. Hay cuốn Làng xã của người An Nam ở Bắc Kỳ của viên Công sứ Pháp Paul Ory thì lại đề cập đến phong tục và các quy tắc lễ nghi Tết của người dân tại cộng đồng làng xã vào thế kỷ 19…

Tuy nhiên, khác với các ghi chép của những giáo sĩ, thương nhân kể trên, bác sĩ Charles-Édouard Hocquard lại có những trải nghiệm thực tế về ngày đầu năm mới trong Tử Cấm Thành Huế cũng như trong chúng dân. Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, ông đã vẽ lên một bức tranh sinh động về ngày Tết Nguyên đán năm Bính Tuất (1886).

Miêu tả các hoạt động trong thời gian trước Tết, Hocquard cho biết, gần đến ngày đầu năm mới, người giàu, cũng như người nghèo, ngừng làm việc một tháng để ăn uống và giải trí. Không buôn bán, không làm đồng, không lao dịch, người lớn, trẻ em đều diện quần áo ngày hội.

Từ ngày 25 tháng Chạp, các bộ, nha, sở của triều đình khóa cửa và không ký bất kỳ một văn bản nào nữa, hộp dấu cũng được đóng lại cho đến ngày thứ mười một của năm mới.

Mọi cổng ngõ đều đóng im ỉm. Thị dân và quan lại mặc lễ phục lui tới thăm viếng nhau, tặng nhau những lá thiếp lớn màu đỏ và quà cáp. Đây cũng là ngày hội của trẻ con, chúng chúc mừng người lớn và được tặng lại tiền trong phong bao màu đỏ.

Khắp nơi là màu đỏ, màu của niềm vui. Trước mỗi căn nhà đều có một cành tre to để cả lá cắm dưới đất; cũng có cả những cây cột trên ngọn buộc lá dừa hoặc lông gà, đến tối treo đèn lồng đủ mọi màu sắc. Theo tín ngưỡng dân gian, hàng năm linh hồn tổ tiên và người thân đều về với gia đình trong dịp Tết. Trồng những cây cột ấy là để linh hồn nhận ra nhà mình mà về.

Trước cửa mỗi nhà người ta còn dùng phấn vẽ xuống đất một cây cung đã lắp tên để ôn lại trận chiến giữa Phật với ma quỷ. Một số người lấy xương rồng và cành cây có gai lấp hẳn cửa nhà mình để ngăn quỷ dữ vào nhà quấy phá mấy ngày Tết. Ở tường bên trái phía ngoài cửa, người ta lập một bàn thờ nhỏ, đốt thắp hương thần giữ cửa, những nhà giàu còn cúng cả hoa, bánh trái và thức ăn.

Nội thất trong nhà được sắp xếp lại. Người ta treo các tràng hoa và giấy ở giữa sân để tôn vinh thần giếng. Trong những ngày vui này, kẻ ăn người ở là sướng nhất. Người ta kiêng không nặng lời với chúng.

Trong những ngày Tết, người An Nam ních thật nhiều thức ăn, mỗi ngày ba bữa và luôn dành một phần cúng tổ tiên, trong bếp thì luôn thắp hương cúng ba vị thần cư ngụ trong ba viên đá kê bếp.

Theo tường thuật của Hocquard, vào ngày mùng 1 Tết, các quan, các ông hoàng mặc triều phục, có nhiều đầy tớ theo sau, vào thành để chúc mừng vua. Vệ binh của triều đình cầm giáo hoặc gươm có mặt ở khắp nơi, canh gác, giữ trật tự hai bên bờ để đưa mọi người qua sông. Các đơn vị quân Pháp xếp thành hàng rào từ cổng thành vào tới cung điện để phục vụ tiếp kiến tướng Prudhomme và ngài khâm sứ.

Hocquard miêu tả quang cảnh sân thứ nhất trong cấm thành thật là thần tiên. Từ Ngọ Môn trở vào, những đại đội lính thủy mặc bộ lễ phục, mũ trắng trên đầu, súng dựng bên chân đứng thành hai hàng bên chiếc cầu nhỏ dẫn vào cung.

Ở sân chầu, tiểu đoàn lính Bắc Kỳ xếp thành hai hàng chừa một lối đi cho tướng chỉ huy. Đằng sau họ có những tấm bia nhỏ dựng cách nhau ghi chữ Hán. Các quan trong triều, tay cầm thẻ ngà, áo mũ theo cấp bậc, theo các bia ấy tập hợp đúng phẩm trật của mình trong tôn ty trật tự quan trường. Các hoàng tử tập trung bên trong điện trước các quan. Ở các góc sân và mỗi bên cung điện là các nhạc công mặc áo đỏ. Cạnh họ là những người lính cầm lọng và bát bảo.

Đột nhiên các quan và binh lính im bặt. Có tiếng âm nhạc vọng đến từ rất xa phía sau cung điện lúc này đã mở hết các cánh cửa, báo hiệu nhà vua đang tới. Và đám rước xuất hiện, đi đầu là ngự lâm quân, rồi đến quân mang gậy lễ trang trí lạ mắt, những người hầu kẻ manh bình đốt hương trầm, kẻ cầm những lá cờ thêu nhỉ… Tất cả chậm chạp tiến từng bước chân sắp hàng hai bên ngai vua.

Cuối cùng vua Đồng Khánh tới, giữa bốn người hầu y phục lộng lẫy, che bốn lọng vàng trên đầu ông. Kiểu dáng y phục của ông cũng như các quan nhưng là lụa màu vàng. Vua đi một đôi hia lớn dát vàng, tay cầm hốt ngà, đầu đội mũ cùng màu với áo, đính kim cương ngọc trai và hoàng ngọc. Trên ngực áo đại trào của vua có thêu hai chữ có nghĩa là “nghìn năm, nghìn đời” (Vạn Thọ).

Vua Đồng Khánh vóc người tầm thước, da nâu nhạt, tương phản với màu y phục, nên trông trắng hơn, làm nổi bật đôi mắt to đen. Ông bước rất oai vệ, nét mặt bất động, mắt hướng thẳng về phía trước, chậm chạp bước lên ngai vàng, đứng nói khẽ vài lời lập tức được người truyền lệnh quỳ dưới chân ông nhắc lại.

Sau khi nhận lời chúc tụng của viên tướng và khâm sứ Pháp, vua đáp lại mấy lời thân thiện và khách ra về với nghi thức như lúc đến.

Theo phong tục, các hoàng thân và các quan thề trung thành với nhà vua vào đầu năm mới. Các quan sắp thành 6 hàng, quay mặt và cung điện, theo hiệu lệnh của Lễ bộ Thượng thư quỳ cả xuống, cúi đầu sát đất đọc lời thề như hát.

Buổi châu kết thúc, vua rời khỏi điện Thái Hòa. Vệ binh và quan lại cấp thấp rút lui. Các thượng thư, các thành viên trong hoàng tộc được vua ban đại yến trong cung. Trong bọn họ, những người tỏ ra xứng đáng trong năm qua sẽ được ân thưởng.

Vào khoảng 3 giờ chiều, nhà vua thực hiện chuyến du hành quan trọng trên các đường phố của Kinh đô. Đã lâu lắm rồi nhân dân Huế không được thấy cảnh này. Ngày trước, mỗi năm vua An Nam ra mắt dân chúng một lần vào ngày Tết. Từ khi Pháp chiếm Nam Kỳ, vua Tự Đức ủ ê, tự giam mình vào cung cấm và chỉ ra ngoài bằng thuyền hay kiệu che kín. Để thay đổi điều này, sau khi được tấn phong, vua Đồng Khánh muốn trở lại tục lệ của tổ tiên.

Tóm lại, qua những ghi chép của Hocquard về ngày Tết Nguyên đán của người Việt năm 1886, có thể thấy một số phong tục còn ghi chưa đúng (chẳng hạn như tục thắp hương ông Táo liên tục trong mấy ngày Tết, tục dành một phần cúng tổ tiên ngày Tết…).

Điều này cũng dễ hiểu, bởi Hocquard đến từ một đất nước châu Âu có nên văn hóa khác lạ. Mặt khác, ông lại chưa có đủ thời gian để hiểu sâu sắc văn hóa phong tục của người bản xứ. Tuy nhiên, những ghi chép này giúp chúng ta biết thêm những thông tin về nghi lễ, tập tục trong Tết Nguyên đán ở chốn cung đình và trong chúng dân xưa cách đây 140 năm, có thứ còn tồn tại đến giờ, và có thứ chỉ còn vang bóng.

Minh Châu

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/tet-viet-140-nam-truoc-qua-trai-nghiem-cua-bac-si-quan-y-nguoi-phap-c8a68477.html