Tết Nguyên đán trong văn hóa tinh thần của người Việt Nam

Dù đi trăm ngả ngàn phương. Ai cũng chỉ một quê hương để về. Dù cho cuộc sống bộn bề. Tết là dịp để hướng về tổ tiên.

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất, lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất và nhộn nhịp nhất của dân tộc ta. Với mỗi người Việt Nam, Tết là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ tri ơn ông bà, tổ tiên. Chính vì ý nghĩa sâu sắc đó Tết đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam.

Hình ảnh chuẩn bị tết của gia đình Việt Nam. Ảnh: minh họa

Tết Nguyên đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mà phần “lễ” cũng như phần “hội” đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà truyền thống dân tộc. Việc ông cha ta xác định Tết Nguyên đán đúng vào thời điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là một chu kỳ vận hành vũ trụ, đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất-Trời-Vạn vật).

Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Còn chữ “Tết” là do được đọc chệch đi theo âm chữ Hán “Tiết”, vì theo lịch Trung Quốc xưa thì chia một năm thành 24 tiết và Nguyên đán là tiết đầu tiên trong một năm. Về sau trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, từ “Tiết” được “Việt hóa” thành “Tết” và được gọi là Tết Nguyên đán như bây giờ.

Tết là dịp để gia đình đoàn tụ. Ảnh: minh họa

Với mỗi người Việt Nam, Tết là sự trở về, Tết là sum họp, Tết là đoàn viên… Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, để ai dù có đi xa đến đâu thì cứ mỗi dịp Tết đến xuân về cũng luôn cố gắng để trở về đoàn tụ bên gia đình, để đón Tết cùng với ông bà, cha mẹ, anh em của mình. Trở về để cùng ăn với nhau bữa cơm đoàn tụ, để tỏ lòng thành kính tổ tiên, ông bà, để gìn giữ truyền thống uống nước phải nhớ nguồn của dân tộc.

Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết Nguyên đán là ở chỗ đây là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Hướng về tổ tiên, thờ cúng tổ tiên là một trong những nội dung quan trọng, một ý nghĩa nhân bản sâu sắc của Tết cổ truyền của người Việt Nam. Tổ tiên, là tổ tiên cụ thể của từng gia đình. Nhưng trong tâm thức của người Việt, tổ tiên còn có ý nghĩa quốc gia dân tộc. Ở đây nó có một ý nghĩa lớn hơn, tức là có Tổ quốc thì mới có gia đình, còn có gia đình thì mới giữ được Tổ quốc. Đấy là mối quan hệ gắn chặt, khăng khít với nhau. Việc hướng về cội nguồn trong dịp Tết còn có ý nghĩa quốc gia dân tộc, đó là điểm quy tụ tâm linh của người Việt, hướng người Việt về nguồn gốc chung để tạo nên sự đoàn kết, gắn bó của dân tộc. Trong suốt lịch sử Việt Nam, sự gắn bó, đoàn kết đó, sự quy tụ đó luôn luôn là sức mạnh.

Chính vì thế, trong những ngày Tết, con người luôn mong được trở về với nguồn cội, quê hương. Ngày Tết, mọi người dù đi đâu, ở đâu đều nhớ về quê cha, đất tổ, về tổ ấm gia đình. Hai tiếng Quê hương, gia đình trở nên vô cùng thiêng liêng và gần gũi đối với mỗi người Việt Nam nhất trong dịp Tết đến Xuân về. Những ngày Tết cũng phải trở về với gia đình, tuân theo những tục lệ thiêng liêng, làm tròn bổn phận của mình với Trời, Đất, với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ con và người thân trong gia đình. Đó chính là niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất với mỗi con người.

Người dân TP Hồ Chí Minh đổ xô đi sắm tết tại các siêu thị lớn. Ảnh: Việt Hùng

Người Việt Nam có đạo lý lớn nhất là đạo lý thờ tổ tiên, tức là nhớ ơn những người đã sinh ra mình và làm cho mình có ngày hôm nay. Người Việt Nam vào dịp Tết thường nhớ về tổ tiên, nhớ về người đã sinh ra mình và nhớ về làng quê của mình mà tất cả những người đã sinh ra mình sống ở đấy, mình cũng trưởng thành từ đó.

Vào dịp đầu năm mới, thì tất cả các thành viên của gia đình, dù đi làm ăn xa ở đâu cũng đều mong muốn được trở về gia đình vào dịp Tết để gia đình được gặp gỡ nhau trong ngày đó và cùng chia sẻ với nhau những tình cảm và những nỗi niềm công việc làm ăn cả năm. Mọi người cùng chia sẻ với nhau nhân lúc chuẩn bị Tết như gói bánh chưng hay là sắp cỗ trong này Tết. Nếu người nào không về quê, không về được gia đình trong ngày Tết thì đều rất buồn, rất tủi thân kể cả những người do công việc mà phải ở lại thì cũng rất nhớ nhà. Dịp Tết là dịp các gia đình cùng tập trung nhau lại để làm những công việc nghi lễ, cộng cảm, sắm cỗ để nhớ về tổ tiên, nhớ những người đã khuất.

Tết đến xuân về, ai cũng mong muốn trong nhà mình có lọ hoa, cây đào, cây mai hoặc cây quất thật đẹp để trưng Tết. Ảnh: Việt Hùng

Trong Tết Nguyên đán truyền thống của người Việt Nam, trong ba ngày tết có lẽ đặc biệt nhất là thời khắc Giao thừa. Thời khắc Giao thừa đặc biệt vì đó là lúc thiên nhiên chuyển giao sang một chu trình vận hành mới của một năm, khí Âm nhường chỗ cho khí Dương, vạn vật sinh sôi, con người cũng trưởng thành hơn. Phút Giao thừa làm sống dậy trong mỗi con người mối giao cảm thiêng liêng với Trời, Đất, với cõi thiêng, trong tình cảm đầm ấm với những người ruột thịt thân yêu nhất. Bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu niềm mong nước của người ta được đặt vào đó. Ai cũng mong muốn là sức khỏe phải dồi dào, công việc làm ăn tiến tới, học hành của con cái suôn sẻ. Mọi thứ đều mong ước những điều tốt lành nhất, không bệnh tật, không đau ốm, không lũ lụt, không tai nạn… Thế cho nên, thời khắc chuyển giao đó, người ta đều mong ước tới những điều tốt đẹp nhất và làm việc gì cũng rất cẩn trọng.

Trong xã hội hiện đại ngày nay Tết cũng có nhiều biến đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến tinh thần nhiều hơn. Vì vậy việc giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai của mỗi con người

Song chúng ta cũng có quyền khẳng định rằng, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chúng ta có thể thấy ngày Tết Nguyên đán là cái còn lại bền vững khi nhiều nét văn hóa truyền thống đã và đang dần bị mai một dần đi. Tất cả những giá trị văn hóa tâm linh, những suy nghĩ hướng về cội nguồn tổ tiên, những việc làm thể hiện tâm Lành, hướng Thiện, đều nhằm xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp, để ngày Tết càng thêm vui, thêm ý nghĩa, để niềm vui trong dịp Xuân mới thêm tròn đầy.

Việt Hùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tet-nguyen-dan-trong-van-hoa-tinh-than-cua-nguoi-viet-nam.html