Tết Nguyên đán cận kề, về Đông La ngắm lan Hồ Điệp

Về xã Đông La (huyện Hoài Đức) ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người yêu hoa được thỏa sức ngắm những tuyệt tác lan Hồ Điệp được nghệ nhân nơi đây ghép cùng các chất liệu như gốm sứ, gỗ lũa…

Những ngày này, khi đi qua trạm bơm Yên Nghĩa (giáp ranh quận Hà Đông), người đi đường dễ dàng nhận ra “tổ hợp hoa lan” Trịnh gia. Trên diện tích hàng trăm mét vuông mặt sàn trệt của một ngôi nhà 5 tầng, hàng loạt các tác phẩm lan đang được các nghệ nhân của Trịnh gia chăm chút từng ly. Theo quan sát của chúng tôi, các tác phẩm ở đây được uốn ghép bằng rặt một loại hoa - đó là lan Hồ Điệp.

Những chậu lan được trưng bày

Nào hồng, nào tím, nào trắng, nào lam… đứng trước một rừng hoa đẹp, khiến cho người ta không thể không dừng bước.

Bí thư Đảng ủy xã Đông La Trịnh Đắc Chuyên (đồng thời là một thành viên của "tổ hợp hoa lan” Trịnh gia) cho biết: Xã Đông La có 10 hộ làm lan Hồ Điệp nghệ thuật, với số lượng khoảng trên 20.000 cành. Năm nay nguồn cung lan Hồ Điệp tương đối ổn định, giá cả giao động từ 180.000 đến 200.000/cành. “Với mức tiêu thụ như mấy hôm nay, chúng tôi dự đoán chỉ đến khoảng 26 tháng Chạp, chúng tôi sẽ tiêu thụ hết hàng”- ông Chuyên dự tính.

Nhiều người dân đến chọn hoa về chơi Tết

Tìm hiểu sâu hơn về nghề lan, được biết, để làm nên một tác phẩm có giá trị cần đầu tư thời gian, và tốn khá nhiều tiền bạc vào các phụ liệu. Ví dụ muốn tạo một tác phẩm hoa lan trên lũa, các nghệ nhân phải mất thời gian sưu tầm, vì thứ gỗ ngày càng khan hiếm. Khi đã sưu tầm được gỗ, lại tốn công gọt đẽo, để hình thành nên những tác phẩm như “Nhất phiếm thuận phong”, “Bạt phong”, “Anh hung tương ngộ”… Ngoài ra các phụ kiện khác như giây neo, que giữ thân bông hoa đều phải nhập khẩu với giá không hề rẻ. Những gia đình ít người còn phải thuê nhân công (để gia công tác phẩm với giá cắm 1 cành hoa là 12.000 đồng).

Theo ông Chuyên, ngoài Hồ Điệp, trên địa bàn xã Đông La còn có 10 hộ còn chế tác các tác phẩm nghệ thuật từ lan Đai Châu phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên người dân phải mất từ 5 đến 10 năm trồng và chăm sóc mới có “nguyên liệu” cho tác phẩm nghệ thuật từ lan Đai Châu.

“Chính vì sự công phu, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên, phụ liệu, sự chăm bẵm trong thời gian dài (với lan Đai Châu), nên lan nghệ thuật có giá khá cao, loại trung bình đã hàng chục, loại cao cấp có giá trị lên tới trên 100 triệu đồng”- ông Chuyên cho biết tiếp.

Vận chuyển lan lên xe cho khách hàng

Được biết nghề trồng lan đã xuất hiện ở Đông La cách đây trên 40 năm, đến nay trên địa bàn có khoảng 400 hộ chuyên trồng và kinh doanh giống hoa này. Các loại lan được được người Đông La trồng gồm Phi Điệp, Quế, Tam bản sắc, Long Tu, Hạc Vỹ… Đây là những giống lan có nguồn gốc nội địa, được người dân Đông La thu gom từ các tỉnh miền núi, đưa về trồng, chăm sóc và kinh doanh. Tuy nhiên mấy năm trước, do cơn sốt “lan đột biến” nổ ra bất thường, ít nhiều ảnh hưởng đến việc trồng và kinh doanh của làng lan Đông La.

Tác phẩm lan Hồ Điệp "Thuận buồn xuôi gió" trong không gian một gia đình

Chính quyền xã Đông La đã xây dựng và trình phương án, đưa nghề trồng lan thành làng nghề truyền thống, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Người trồng và kinh doanh hoa lan ở xã Đông La đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đất để cây hoa quý tộc này có điều kiện “ăn sâu, bám rễ”.

Hy vọng trong thời gian tới, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, phê duyệt để việc trồng và chế tác tác phẩm từ hoa lan ở xã Đông La được coi là làng nghề truyền thống. Khi ấy người Đông La sẽ có cuộc sống khá giả hơn vì theo tính toán, so với cây trồng khác - hoa lan đem lại giá trị cao hơn từ 5 đến 7 lần.

Trần Thụ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tet-nguyen-dan-can-ke-ve-dong-la-ngam-lan-ho-diep.html