Tết Hàn thực: Bí quyết cho món bánh trôi, bánh chay vừa đẹp mắt vừa ngon miệng khiến chị em không khỏi xuýt xoa

Với công thức đơn giản được chia sẻ từ mẹ đảm Hà thành, món bánh trôi bánh chay cho ngày tết Hàn thực trở nên vừa đẹp mắt vừa ngon miệng. Hãy cùng khám phá bí quyết đó là gì trong bài viết dưới đây.

Tại sao tết Hàn thực lại cúng và ăn bánh trôi, bánh chay?

Từ xa xưa, tết Hàn thực là dịp để người Việt hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công đức tổ tiên. Vì vậy, vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm, các gia đình thường sẽ chuẩn bị mâm cúng có bánh trôi, bánh chay để dâng lên ông bà, gia tiên.

Theo các chuyên gia văn hóa, việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho văn hóa lúa nước. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Tết Hàn thực là dịp để người Việt hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công đức tổ tiên.

Bên cạnh đó, bánh trôi, bánh chay cũng gợi nhớ đến tích truyện "bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ". Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

Chính vì thế, tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.

Thời tiết những ngày đầu tháng 3 Âm lịch bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa Hè. Món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, mang tính mát, có vị ngọt thanh sẽ rất phù hợp cho những ngày này.

Vậy, để có món bánh trôi, bánh chay thơm ngon, đẹp mắt cần phải chuẩn bị nguyên liệu gì và các bước thực hiện ra sao? Hãy cùng theo dõi bí quyết của mẹ đảm Vũ Thu Hương (Hà Nội) trong bài viết dưới đây.

Bánh trôi, bánh chay có vị thơm ngon, dễ ăn và được nhiều người yêu thích.

Cách làm bánh trôi, bánh chay trong ngày tết Hàn thực

Từ lâu truyền thống ăn bánh trôi bánh chay vào ngày tết Hàn thực đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Trong dịp này dù có đi đâu hay làm gì, các gia đình đều chuẩn bị mâm lễ cúng chu đáo, có bánh trôi và bánh chay để lễ Phật và cúng gia tiên, với mục đích bày tỏ lòng thành và hướng về cội nguồn.

Là một người thích nấu ăn, đặc biệt là các món truyền thống, chị Thu Hương chia sẻ: "Tết Hàn thực 3/3 là thời gian thích hợp để cả gia đình cùng quây quần bên nhau. Vào ngày này hàng năm, gia đình tôi vẫn giữ truyền thống làm những món ăn lạnh như bánh trôi, bánh chay cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Đối với gia đình tôi, nặn bánh trôi bánh chay không chỉ là tạo ra những hoạt động chung với con cái trong gia đình mà còn giúp các con hiểu và trân trọng được những nét văn hóa truyền thống của đất nước mình".

Dịp tết Hàn thực cả gia đình cùng quây quần làm bánh để dâng lên tổ tiên.

Nguyên liệu và công thức làm vỏ bánh trôi, bánh chay

Công thức làm bột nếp nước (bột tươi):

- 1 kg gạo nếp cái hoa vàng loại ngon và mới

- 3 lít nước – thường dùng nước mưa, nước giếng khơi (những vùng có nước ngon ở Hà Nội như Phú Thượng, Đan Phượng, Sơn Tây...) hoặc loại nước có kiềm tính cao. Đặc tính của nước kiềm cao như nước mưa, nước giếng khơi là sẽ giúp cho gạo khi ngâm sẽ nở nhanh, căng mọng và rất ngọt gạo.

Lưu ý: Những ai thích ăn bánh có độ giòn và đứng bánh thì pha thêm bột gạo tẻ với tỉ lệ: 800g gạo nếp + 200g gạo tẻ loại gạo dẻo như Tám Thái.

"Hàng năm cứ đến mùa tết Hàn thực ở ngoài chợ có rất nhiều hàng bán bột tươi để làm bánh trôi bánh chay. Tuy nhiên, mọi ngày trong năm để tìm ra thức bột này thì rất khói tìm. Vì vậy, khi không có bột ướt, mọi người cũng có thể nhào bột nếp khô với nước ấm", chị Hương chia sẻ.

Những gia đình không có thời gian chuẩn bị nguyên liệu làm bánh có thể mua bột sẵn ở chợ.

Công thức pha bột khô để làm vỏ bánh trôi, bánh chay:

- 100ml - 120ml nước ấm (tùy độ hút nước của mỗi hãng bột, nên dùng 100ml, nếu thấy bột còn khô chưa dẻo mịn thì dùng nốt 20ml còn lại) + 200gr bột nếp: bột màu trắng.

- Trộn đều nhồi đến khi bột dẻo mịn.

- Bọc màng thực phẩm và để bột nghỉ 30 phút

- Vo viên, nặn hình viên bột. Chia mỗi viên 8-10g.

Phần vỏ bánh sẽ quyết định món ăn có thơm ngon hay không.

Lưu ý chọn nguyên liệu:

- Đường phên: 200gr làm nhân bánh là đường mía thô đóng thành phên ở Nghệ An, đường được chế biến thủ công, mang vị mộc mạc, ngọt ngào ấm áp.

- Vừng 50gr: Rắc lên bánh là vừng đồi Hà Giang hạt tròn, mẩy chắc, rang thơm.

Cách làm bánh trôi, bánh chay

Cách làm bánh trôi

- Nặn bánh:

Chia khối bột ra làm nhiều phần nhỏ bằng nhau (khoảng 10gram), rồi ấn dẹt từng khối bột, đặt nhân đường vào giữa rồi miết kín lại, vo tròn.

Công đoạn nặn bánh thể hiện sự khéo léo của người làm.

- Nấu chín bánh:

Chuẩn bị một nồi nước to khoảng 1,5 lít nước và 1 một tô nước lạnh.

Bắc bếp, đun sôi nước trong lửa lớn, đợi nước sôi mạnh thì hạ lửa vừa, thả bánh vào luộc.

Bánh nổi lên mặt nước là đã chín. Để bánh nổi khoảng 1 - 2 phút trong nồi, việc này giúp vỏ bánh mềm dẻo và nhân có thời gian chảy một chút sẽ giúp bánh ngon hơn.

Vớt bánh ra, thả vào tô nước lạnh cho bánh không bị dính vào nhau.

Cho bánh vào luộc, khi nổi là chín.

- Thành phẩm

Vớt bánh ra đĩa rồi dùng đầu đũa nhúng sơ qua nước, chấm vào bát đựng vừng trắng đã rang chín rồi dính lên mặt bánh. Làm như thế này, vừng sẽ không bị lộn xộn như khi rắc lên trên. Bánh trôi sau khi luộc xong nên ăn ngay trong ngày, bánh sẽ mềm ngon, không bị khô.

Bánh trôi, bánh chay dâng lên gia tiên ngày tết Hàn thực.

Cách làm bánh chay

- Phần bột bánh:

120ml nước ấm + 200gr bột nếp: Bột trắng

Trộn đều, nhồi đến khi bột dẻo mịn.

- Công thức nhân đậu xanh:

200gr đậu xanh cà vỏ

30gr dừa già bào nhỏ

60gr đường

0,2gr muối

10ml dầu ăn

vani

Nhân đậu xanh cho món bánh chay.

- Nhân bánh

Đậu xanh ngâm nước 2 tiếng cho đậu nở, rửa sạch đậu nhiều lần nước sau đó cho vào nồi nấu như nấu cơm, đậu chín thì cà nhuyễn, tiếp tục cho đường+ dầu ăn+ muối + dừa vào vào đánh đều, cho đậu vào chảo không dính sên lửa liu riu đến khi ấn đầu ngón tay vào thấy đậu không bị dính tay là được, cho vani vào trộn, vo viên đậu thành viên vừa ăn 10gr.

Mâm cúng tết Hàn thực đẹp xuất sắc để mọi người tham khảo.

- Nặn bánh chay:

Chia bột thành phần nhỏ 25gr, bôi dầu ăn vào tay để chống dính, ấn dẹt bột trong lòng bàn tay sau đó cho viên nhân vào giữa và túm lại cho kín viên nhân, vê tròn viên chè cho đẹp hoặc có thể tạo hình tùy sở thích mỗi gia đình.

- Luộc bánh:

Đặt nồi nước lên bếp, nước sôi thả viên chè vào luộc, khi viên bánh chay nổi lên khoảng 2 phút sau là bánh chín rồi nhé.Vớt/lấy bánh ra thả vào bát nước nguội rồi vớt ra. Cho bánh chay vào bát ta cũng phải lấy đầu thìa con ấn vào bánh một cái, tạo thành vết lõm.

Công đoạn cuối là chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Rắc thêm chút vừng rang hoặc hạt đỗ xanh đã được hấp chín

Vo nhân đậu thành viên vừa miếng để nặn bánh trôi.

- Nước đường bột sắn dây

500ml nước

100gr đường trắng

30gr bột sắn dây hoa bưởi + 40ml nước

Đun sôi nước đường, hòa lượng bột sắn dây hoặc bột đao với nước, quấy đều đến khi hỗn hợp sánh lại, tắt bếp.

Món bánh trôi có thêm đậu xanh và nước cốt dừa tăng thêm phần hấp dẫn.

"Tôi thường làm bánh vào cuối tuần rồi cấp đông. Khi cần thì lấy ra hấp lửa nhỏ trong 5-7 phút kể từ lúc nước sôi hoặc luộc đến khi bánh nổi lên mặt nước - không rã đông sẽ mất tạo hình bánh", chị Hương bật mí.

Có thể bảo quản bột bánh bằng cấp đông.

Trên đây là công thức làm bánh trôi bánh chay vô cùng đơn giản. Chúc các bạn thành công với cách làm trên!

Diễm Hằng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tet-han-thuc-bi-quyet-cho-mon-banh-troi-banh-chay-vua-dep-mat-vua-ngon-mieng-chi-em-khong-khoi-xuyt-xoa-17224040916304164.htm