Tết độc lập, tết tự do

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. 5 tháng sau, cả dân tộc ăn một cái tết độc lập vô cùng tự do, vui sướng không thể tả hết. Chú tôi, công nhân lái xe ô tô cho du lịch Pháp ở Sài Gòn gửi tiền về cho gia đình tôi. Cha mẹ tôi vui mừng, cùng bà con làng xóm đi chợ tỉnh Quảng Trị sắm tết gấp 4 - 5 lần những năm tết trước.

Dân làng tôi đón một cái tết độc lập. Trước đây, cây niêu chỉ có 1 phong pháo 1 gang tay, nay nhà nào cũng mua 2 - 3 phong. Cả làng cùng cúng tất niên, pháo đốt râm ran cả làng. Bọn trẻ con chúng tôi hân hoan, nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng. Cả làng không ngủ cho đến giao thừa. Những gia đình giàu có thì đốt những phong pháo dài 5,1m đì đùng cho đến sáng mùng 1 tết. Người lớn cho đến trẻ con đều có áo mới, cùng cả nhà đi chúc tết gia đình ông bà nội, ngoại, chú bác, cậu dì và được lì xì, niềm vui rạng rỡ.

Nói đến tết nay, dân tộc văn minh gấp hàng trăm lần tết xưa. Đêm giao thừa có Chủ tịch nước chúc tết, có công nghệ thông tin, có truyền hình mới biết người dân khắp trong nước và người Việt xa xứ ăn tết ở nước ngoài như thế nào.

Nói đến tết xưa vô cùng buồn tẻ, vì nhân dân ta bị thực dân Pháp đô hộ, nghèo nàn, lạc hậu. Nói đến tết trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở về trước, từ tháng 10 âm lịch, nhà nhà đều lo đến tết. Làng tôi có mấy ao hồ đều tát bắt cá chia nhau, mỗi gia đình được chia cá trê, cá rô, cá lóc… đem về kho khô treo lên giàn bếp đến 30 năm cũ, đem hâm lại để cúng tất niên.

Làng tôi có 3 xóm, xóm trong, xóm giữa và xóm trên. Mỗi nhà ở mỗi xóm hùn tiền lại nuôi heo, đến 28 tháng Chạp năm cũ, thịt heo chia từng nhà đã góp tiền để ăn tết. 26, 27 tháng Chạp, người người đi chạp mả, thắp nhang mời ông bà về ăn tết, lau chùi nhà cửa, đánh bóng lư hương đèn, lau chùi bàn thờ sạch sẽ để cúng tất niên. 30 tháng Chạp, mời ông bà về ăn tết. Mỗi gia đình đều có một quyển “Kiều” đặt lên bàn thờ. Cúng giao thừa, chủ nhà giở Kiều ra bói coi vận hạn năm mới.

Cúng giao thừa, chủ nhà vái lạy ông bà tổ tiên, lấy 2 đồng tiền bỏ vào dĩa để xin keo trong năm mới gia đình có được điều gì may mắn, ăn nên làm ra được không.

Sáng mùng 1, cả gia đình mặc áo mới đi chúc tết ông bà nội, ngoại 2 bên. Đi xông đất gia đình bà con, phải báo trước. Dân tộc ta có câu: Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy.

Thời ấy, người Việt Nam với 95% dân số là nông dân, suốt cuộc đời lam lũ, cực nhọc nhưng không đủ ăn, cứ đến tháng 10 âm lịch là nhà nhà đều lo ngay ngáy về nợ nần. Tết sắp đến, có chi mà trả.

Người còn sống như tôi, cả nước không biết bao nhiêu người để biết và nhớ lại cái tết năm xưa. Tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dặn: "Dân ta phải biết sử ta…" để kể lại cho lớp trẻ nghe, để bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

NGUYỄN HỒNG THANH

Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè (Sở LĐTB-XH TPHCM)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-doc-lap-tet-tu-do-post730523.html