Tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch là ngày gì?

Hằng năm cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch) dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan ngọ. Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết Đoan dương. Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ là ngày gì?

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Đây là một trong những ngày lễ, tết truyền thống tại Việt Nam, là dịp để người dân thực hiện nghi thức "Giết sâu bọ", làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ. Vào ngày lễ này, họ hàng, con cháu sẽ sum vầy, tụ hội bên nhau, người ta còn dành cho nhau những lời chúc Tết Đoan Ngọ mong cho một năm may mắn, mưa thuận gió hòa.

Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam

Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Việt thường có hoa quả, bánh tro, rượu nếp để diệt sâu bọ.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được "Việt hóa" thành ngày Tết diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoàn Ngọ là "Tết giết sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh.

Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ "Tết giết sâu bọ" là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân... vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.

Bánh ú tro thường được cúng trong tết Đoan Ngọ.

Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.

Vào ngày này, cả làng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào cũng dậy từ sớm chuẩn bị phẩm vật cúng tổ tiên và hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.

Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ" sâu bọ", xua đuổi hết bệnh tật...

Tết Đoan Ngọ nên ăn gì?

Rượu nếp, nếp cẩm: Đây là thứ không thể thiếu vào ngày tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm của nhiều người, bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại, chúng thường nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng tiêu diệt được. Chỉ vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, chúng ta mới có thể tận dụng để loại bỏ chúng bằng cách ăn những thức ăn có vị chua, cay, chát, trong đó nổi bật nhất là rượu nếp hay nếp cẩm.

Bánh tro: Là loại bánh có màu vàng đậm, được làm từ gạo nếp ngâm cùng với nước tro của các loại cây khô, sau đó gói trong lá chuối rồi đem luộc.

Hoa quả: Với mong muốn "tiêu diệt sâu bệnh" bên trong cơ thể, người ta thường lựa chọn các loại quả có vị chua như mận, xoài xanh... và ăn chúng vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy.

Thịt vịt: Đây là món ăn không thể thiếu của người miền Trung trong ngày Tết Đoan Ngọ. Nhiều người cho rằng, vào những ngày tháng 5 oi nóng thì ăn thịt vịt sẽ giúp cho cơ thể mát mẻ hơn.

Chè trôi nước: Đây là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Nam. Những viên chè làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước cốt dừa có vị man mát, thơm ngon.

Chè kê: Đây là món ăn đặc trưng của người Huế mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Sau khi xay hạt kê và loại bỏ lớp vỏ, người ta ngâm rồi đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt rồi thêm nước đường cùng chút gừng là đã được một nồi chè kê thơm phức, vô cùng hấp dẫn rồi.

Gợi ý lời chúc dịp Tết Đoan Ngọ 2022

Hôm nay mùng 5/5 là Tết Đoan Ngọ. Chúc mọi người có thật nhiều sức khỏe, luôn hạnh phúc, bình an, may mắn và có những phút giây sum họp đầm ấm bên gia đình.

Nhân dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, chúc tất cả mọi người thật nhiều sức khỏe, “diệt được nhiều sâu bọ”, chúc bà con nông dân có một vụ mùa bội thu.

Chúc mọi người có một ngày mùng 5 tháng 5, Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ và đầm ấm. Nhớ dậy sớm ăn cơm rượu nếp để diệt được nhiều sâu bọ cho sức khỏe dồi dào nhé.

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, chúc mọi người có một ngày tết vui vẻ, quây quần bên những người thân yêu và thưởng thức bánh tro, cơm rượu nếp nhé. Gửi đến tất cả mọi người những lời chúc sức khỏe, bình an chân thành nhất!

Tết Đoan Ngọ năm nay con không thể về nhà quây quần bên gia đình cùng ăn cơm rượu nếp, ăn bánh ú tro rồi nhưng bố mẹ đừng buồn nhé! Con chúc bố mẹ luôn vui khỏe, hạnh phúc.

Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, chúc bố mẹ, anh chị luôn vui – khỏe – trẻ. Chúc gia đình ta diệt sâu bọ thành công tốt đẹp.

Chúc bố mẹ của con có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, chúc gia đình ta sẽ có một mùa vụ thật bội thu. Mong bố mẹ của con luôn khỏe mạnh, sống thật lâu bên con nhé!

Chúc bạn tôi có ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, luôn mạnh khỏe và xinh đẹp nha! Nhớ ăn vừa bánh ú thôi nhé không lại ú thật thì khổ.

Chúc bạn thân yêu của tôi có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, trẻ khỏe. Nhanh nhanh dậy ăn cơm rượu với bánh ú tro để diệt sâu bọ nào.

Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, mình xin gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả mọi người. Chúc mọi người “diệt được nhiều sâu bọ”, chúc bà con nông dân có một vụ mùa bội thu.

Chúc mọi người có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ và đầm ấm. Nhớ ăn cơm rượu nếp để diệt được nhiều sâu bọ nha!

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, không có gì vui bằng việc được quây quần bên những người thân yêu và thưởng thức bánh tro, cơm rượu nếp. Nếu bạn không thể về thăm gia đình vào Tết Đoan Ngọ năm nay thì cũng đừng quá buồn nha vì chúng ta còn có nhiều dịp khác mà. Xin gửi đến bạn và gia đình những lời chúc sức khỏe, bình an chân thành nhất!

H.Hà

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tet-doan-ngo-55-am-lich-la-ngay-gi-67776.html