Tết đầu tiên trong đời lính

Chúng ta chuẩn bị đón tết trong độc lập tự do, đông đủ, vui vẻ. Tôi xin chúc tết mọi người và kể lại chuyện ăn tết đầu tiên trong đời bộ đội của mình.

Tôi nhập ngũ chống Mỹ cứu nước 12 năm. Cả 12 năm, không được ăn tết với gia đình..

Mỗi tết đến, tôi được ăn tết có các hoàn cảnh khác nhau. Có khi ăn tết trên đường hành quân, đầy vất và thiếu thốn. Có khi được ăn tết với nhân dân nơi đóng quân.... Nhưng cũng có cái tết trên chiến trường đang giữ chốt, căng thẳng đến mức không biết tết đến và đi qua ngày nào. Nhưng có cái tết đầu tiên trong đời lính thì tôi không bao giờ quên được.

Tác giả CCB thương binh Đặng Sỹ Ngọc (thứ hai từ trái sang).

Sau 3 tháng huấn luyện ở tiểu đoàn 48 tỉnh đội Hà Tĩnh, đơn vị tổ chức hành quân bộ (sẽ dọc Trường Sơn). Vào tới đất Lệ Thủy, Quảng Bình đúng vào dịp tết 1967.

Tân binh chúng tôi được giao cho sư đoàn 324B đang trú quân chờ củng cố bổ sung. Còn cán bộ khung của D48, huấn luyện quay trở về ở Hà Tĩnh. Tôi cùng bốn đồng chí là là Thược, Tuyển, Thường và Dung được cùng một tiểu đội của C2D9E3. Ở trong hai nhà dân sát nhau, tại một làng của xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cách cầu sắt đường I chừng 2000 m về phía Đông Bắc của làng. Lúc ấy cầu bị máy bay và tàu biển của Mỹ thường bắn phá dữ dội.

Lính cũ, lính mới gặp nhau quen dần. Các anh cán bộ đơn vị đã làm sa bàn địa hình khu vực đồn Cồn Tiên phía nam sông bến Hải để cùng nhau tập tấn công tiêu diệt. Dù mệt mỏi, nhưng được ở trong nhà dân có sẵn hầm ẩn nấp tránh bom pháo…

Nhà tôi ở là hai vợ chồng làm nghề trồng lúa, nghèo, bình dị - Quý trọng bộ đội lắm. Có hai cô con gái, cô em chừng 13 tuổi. Còn cô chị tên Lý đã 15-16 kém tôi chừng 2 - 3 tuổi. Lý dậy thì trông rất xinh đẹp. Nhú lên trong tôi những niềm thích thú vừa lòng. Tôi muốn ngắm nhưng phải lấm lét liếc nhìn trộm. Và Lý cũng hay nhìn trộm tôi. Vì tôi mặc bộ quân phục màu Tô Châu cở số 2 rất gọn, lại hay hát một số ca khúc về Quảng Bình, Vĩnh Linh. Cũng có lúc bốn mắt chúng tôi gặp nhau. Tôi chỉ cười, còn Lý bối rối...

Tiểu đội, thường thay phiên nhau trực nhật, đến giờ có kẻng là đưa xong chậu đến nuôi quân lấy cơm về ăn tại nhà.

Chiều mồng 4 tết -1966. Anh chị chủ nhà làm thịt một trong bốn con ngỗng nuôi được để ăn tất niên với bộ đội. Quả thật chúng tôi không muốn anh chị phải làm thịt con ngỗng xấu số kia. Nhưng khi mang cơm về anh chồng nói (chờ một tý, thịt chín chúng ta cùng ăn tết với gia đình cho vui).

Chừng 30 phút sau, mùi thịt nấu bốc lên thơm phức, hấp dẫn. Bỗng tiếng còi của các Trung đội, rít lên giục giã, báo động. Chúng tôi nhanh chóng thu xếp, tư trang, quang lên người ba lô vũ khí. Chạy...đến vị trí tập trung rồi hành Quân hướng sông Bến Hải luồn rừng, bí mật thẳng tiến. Ở trong bụng vẫn chưa có miếng gì. Vậy là mất bữa tết với Lý và gia đình thương mến.

Từ bữa tết ấy, chúng tôi bước vào những trận đánh đầy căng thẳng ác liệt tại xã Gio An, Quảng Trị. Đến tháng 7 năm đó, Thường, Tuyền, Thược đã anh dũng hy sinh (nơi mảnh đất thân thương hiền lành, giản dị...). Còn Dung bị địch bắt làm tù binh. Bị đày ra đảo Phú Quốc. Đến năm 1973, mới được trao trả. Tôi cũng bị thương phải rời đơn vị chiến đấu.

Sau ngày thống nhất non sông, tôi đã mang thương tật mất sức 81%. Nhớ đồng đội, nhớ ăn cái Tết đầu tiên trong đời lính, ở Tân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Tôi đã trở lại tìm cô Lý, nhưng chỉ thấy cái xóm cách cậu sát đường 1 2000 mét đã thành cánh đồng lúa mênh mông. Cũng chẳng biết hỏi ai với lại không chủ động được. Vì đi với đoàn cựu chiến binh, thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.

Đã 58 năm trôi qua, gia đình và cô Lý có an toàn trong chiến tranh hay không? Có nhớ chúng tôi không?!

Đ.S.N

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tet-dau-tien-trong-doi-linh-a22496.html