Tết của người Mông ở Tây Nguyên

Từ những năm 80 của thế kỷ trước, người Mông ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng rời quê hương di cư vào Tây Nguyên lập nghiệp. Trên vùng quê mới, họ sinh sống thành những khu dân cư tập trung và tiếp tục gìn giữ, phát huy nhiều nét đặc sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tại xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk có 7 thôn người dân tộc thiểu số, trong đó có 6 thôn người Mông với 1.240 hộ, hơn 8.200 khẩu. Từ những năm 1990, người Mông di cư vào vùng đất này, khai hoang làm nương rẫy. Khoảng 10 năm trở lại đây, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Mông dần được khôi phục.

Vào dịp tết nguyên đán hàng năm, ở xã Cư Pui diễn ra các hoạt động lễ hội văn hóa với nhiều trò chơi dân gian như: chọi cù, ném còn, thổi khèn. Đặc biệt hội chọi bò là hoạt động không thể thiếu, thu hút rất đông người dân tham gia.

Theo người dân, hội chọi bò là một nét đẹp truyền thống có từ lâu đời, được người Mông gìn giữ khi đến định cư trên vùng quê mới. Bò chọi là những con bò đực khỏe mạnh nhất được tuyển chọn. Mỗi con bò đẹp có giá từ vài chục đến một trăm triệu đồng. Anh Ma Văn Núng, ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui chia sẻ: Con bò của anh mang ra hội thi được mua giá 35 triệu đồng.

Cùng với hội chọi bò, tết của người Mông còn có nét đặc trưng bởi điệu khèn.

Vui xuân, đón tết, người Mông cũng không quên đến nhà hàng xóm chúc tết đầu năm, cầu mong một năm mới vui vẻ, bình an.

Trong những ngày đầu năm mới, trong gian bếp của người Mông luôn đỏ lửa với những món ăn truyền thống không thể thiếu như bánh dày, dồi heo gạo nếp, giá đậu nành, mèn mén, tào chúa,…

Các chị em vui vẻ dọn bàn ăn với những món ăn truyền thống.

Trong không khí mùa xuân hân hoan, bên mâm cơm đủ đầy, mọi người cùng ăn uống vui vẻ, chúc nhau năm mới yên vui, nhiều may mắn.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/anh-tet-cua-nguoi-mong-o-tay-nguyen-post997932.vov