Tết cổ truyền là dịp để 'trở về' với cội nguồn

Với nhịp sống ngày càng hối hả, bận rộn hiện nay, những ngày Tết cổ truyền vẫn là dịp để mọi người có thể thảnh thơi cùng nhau quây quần, gìn giữ những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết thông qua các hoạt động như gói bánh chưng, đi chợ Tết, xin chữ đầu Xuân, du Xuân...

Tết là dịp để sum vầy

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, là tiết lễ đầu tiên trong năm, mở đầu cho một năm mới với bao niềm tin và hi vọng. Bao đời nay, với mỗi người dân Việt Nam, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của dân tộc. Chả thế mà, những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn nhớ về cội nguồn, nhớ về ngày Tết yêu thương tại nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Nguyễn Thị Ánh Hồng, 25 tuổi, làm việc tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Tết là dịp nghỉ dài nhất trong năm để cô trở quê hương sum vầy cùng gia đình. Năm nay, cô đã đặt vé chuyến xe về quê ăn Tết vào ngày 28/12 Âm lịch. Trong thời đại công nghiệp 4.0, lại làm việc ở lĩnh vực công nghệ, Hồng vốn tiếp xúc gần cả như cả ngày với internet và thiết bị công nghệ nên cô cũng coi những ngày nghỉ Tết là dịp để bản thân nghỉ ngơi thoải mái nhất.

Với nhịp sống ngày càng hối hả, bận rộn hiện nay, những ngày Tết cổ truyền vẫn là dịp để mọi người có thể thảnh thơi cùng nhau quây quần, gìn giữ những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết. (Ảnh: K.Tiến)

Ánh Hồng chia sẻ: “Mỗi dịp Tết, với tôi việc trở về nhà, sum vầy cùng gia đình thật tuyệt vời. Tôi luôn dành thời gian giúp cha mẹ dọn nhà, gói bánh chưng, đi chợ sắm đồ cho Tết, cắm hoa, bày mâm ngũ quả, đi thăm, chúc Tết người thân”.

Còn với Nguyễn Hoàng Linh (24 tuổi, Hà Nội), thời gian nghỉ Tết kéo dài, cô có thể thoải mái nghỉ ngơi, đi du lịch với bạn bè, người thân, hay tận hưởng những ngày nghỉ theo cách dành riêng cho mình. Tuy nhiên, không vì thế mà cô hờ hững phong vị của Tết truyền thống với bánh chưng xanh, lì xì, cành đào, cây quất. Bởi vậy, cô luôn biết dung hòa Tết hiện đại và Tết truyền thống.

Vài năm gần đây, Hoàng Linh thường đi du lịch trong dịp nghỉ Tết. Thường thì cô sẽ đi du lịch đến ngày mùng 2 Tết sẽ “hạ cánh” tại nhà hoặc mùng 2 sẽ “cất cánh”. Cô gái thích “xê dịch” nhưng không bao giờ quên những phong tục mang đậm nét giá trị văn hóa của dân tộc như tục lì xì, xông đất đầu năm, ăn bánh chưng, cắm hoa đào, sum họp gia đình.

Đặc biệt, mỗi năm, dịp Tết, Hoàng Linh thường trang trí nhà cửa, tìm các “concept” Tết tại các studio, phim trường cùng gia đình lưu giữ những khoảnh khắc thiêng liêng những ngày năm mới cận kề. Năm nay, Hoàng Linh lựa chọn cho gia đình phong cách hoài cổ với phụ kiện chủ đạo là món ăn, đồ trang trí gần gũi như cây nêu, bánh chưng, bánh tét, dưa hấu. Những góc cảnh hoài niệm một thời cũng đã được tái hiện một cách mộc mạc, giản dị với máy may đạp chân, cây rơm, góc bếp của mẹ…

Tết đổi thay, giá trị không dời

Không thể phủ nhận, theo từng năm phong cách đón Tết của người Việt dần đổi thay, đó là quy luật tất yếu khách quan. Có thể thấy, đời sống hiện đại đã làm cho Tết có một màu sắc rất khác Tết của xưa kia, giờ đây khái niệm “ăn Tết” đã được thay thế dần bởi cụm từ “nghỉ Tết, chơi Tết”.

Trong đó, công nghệ số đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của con người trên nhiều phương diện, trở thành công cụ hữu ích giúp người dân chuẩn bị chu đáo cho ngày Tết cũng như giải quyết được vấn đề khoảng cách về không gian, địa lý, tăng cường sự giao lưu, giao tiếp xã hội.

Nhiều nét đẹp truyền thống vẫn được gìn giữ, không bị mai một.

Có thể thấy, trong khi những nét đẹp truyền thống vẫn được gìn giữ, không bị mai một, ngày Tết giờ đây trở nên thuận tiện hơn khi công nghệ trở thành một phần không nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày. Tết hiện đại - Tết thời công nghệ số và Tết truyền thống đang ngày càng giao thoa, hòa trộn đem đến những hương vị mới giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại.

Là một người yêu Tết, trải qua hơn 80 cái Tết xưa và nay, bà Đoàn Thị Mai (82 tuổi, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội), cho rằng, theo thời gian, dù Tết có đổi thay nhưng giá trị thì không thay đổi. Tết vẫn luôn là niềm vui, niềm háo hức đối với người già, người trẻ.

Ở gia đình bà Mai, các con, cháu vẫn được dạy cách gói bánh chưng, vẫn sum họp vào bữa cơm chiều 30 Tết, sáng mùng 1 vẫn cùng nhau đi lễ chùa, đi thăm anh em, họ hàng.

“Tôi nhận thấy chuyện Tết xưa, Tết nay có sự khác biệt đơn giản là vì ở mỗi thời điểm, mỗi thế hệ sẽ có cho mình những cách tận hưởng Tết phù hợp với quan điểm sống. Chuyện Tết “mặn”, “nhạt” không nằm ở những điều trên mà do chính cách nghĩ, cách hiểu của mỗi người. Tết sẽ luôn là một dịp đặc biệt miễn rằng bạn luôn cảm nhận được những giá trị của ngày Tết quanh mình, bằng cách này hay cách khác”, bà Mai bày tỏ.

Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt. Tết vẫn là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay lẽ phải, chúc nhau “vạn sự như ý”, “phát lộc phát tài”… Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để hướng về cội nguồn, gia đình đoàn viên, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

K.Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tet-co-truyen-la-dip-de-tro-ve-voi-coi-nguon-166206.html