Tết Chôl Chnăm Thmây trọn vẹn niềm vui của đồng bào Khmer Bạc Liêu

Bạc Liêu là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhiều năm qua, từ những chính sách ưu đãi đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đại đa số đồng bào dân tộc Khmer nơi đây ngày càng khởi sắc và phát triển.

Chùa Xiêm Cáng Bạc Liêu (Hoàng Nam)

Trang hoàng đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024 ở Chùa Cái Giá Chót, xã Hưng Hội, Vĩnh Lợi. (Hoàng Nam)

Hiệu quả từ các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc

Bạc Liêu hiện có hơn 17 ngàn hộ với trên 75 ngàn nhân khẩu là người dân tộc Khmer, chiếm 7,58% dân số trong tỉnh. Thời gian qua, những chủ trương, chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc của Đảng và Nhà nước luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời và phát huy hiệu quả.

Đồng bào Khmer Bạc Liêu gói bánh tét chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây (Hoàng Nam)

Chỉ năm 2023, Bạc Liêu đã giải ngân hơn 42,5 tỷ đồng đầu tư vào xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho đồng bào dân tộc Khmer như: hỗ trợ xây dựng 397 căn nhà ở (50.000.000 đồng/căn), hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 628 hộ với mức 10.000.000 đồng/hộ, xây dựng 01 trạm cấp nước tập trung và cấp nước sinh hoạt phân tán cho 253 hộ... cùng nhiều hạng mục công trình phúc lợi xã hội quan trọng khác.…Từ đó, đã giúp hàng ngàn hộ đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có điều kiện để phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ sự quan tâm của Đảng nhà nước, nhiều hộ đồng bào Khmer đã thoát nghèo vươn lên làm giàu (Hoàng Nam)

Ông Thạch Nam, ngụ ấp Chùa Phật, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình cho biết, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, do ít đất, lại sản xuất kém hiệu quả, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Gần đây, nhờ được sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên có vốn sản xuất, ông Nam thực hiện mô hình chuyên canh rau màu trên rẫy, thu hoạch quanh năm nên cuộc sống đã thoát nghèo, đang dần ổn định.

Các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu chăm lo ngày Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay cho đồng bào Khmer (Hoàng Nam)

“Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù dành cho đồng bào dân tộc, nhất là đầu tư kịp thời các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, triển khai chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi; Hỗ trợ cây, con giống...Nhờ vậy, đến nay cuộc sống của đồng bào Khmer trong tỉnh có những đổi thay đáng kể, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã có hơn 800 hộ là đồng bào Khmer được công nhận thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm xuống còn 3,6% so với năm 2022, hộ khá, giàu tăng theo từng năm” - Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được đặc biệt quan tâm

Cùng với chăm lo đời sống vật chất, việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được Bạc Liêu đặc biệt quan tâm. Tất cả 22 chùa Khmer trong tỉnh được chính quyền, mặt trận đoàn thể tạo điều kiện tốt cho tăng sư và đồng bào phật tử người dân tộc Khmer duy trì nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Hàng chục tỷ đồng được tỉnh hỗ trợ mua sắm nhạc cụ ngũ âm, đóng mới sữa chữa ghe ngo, đầu tư lò hỏa táng và xây dựng chánh điện cho các chùa Khmer.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu chúc mừng Tết Chôl Chnăm Thmây tại Chùa Cái Giá Chót, xã Hưng Hội, Vĩnh Lợi. (Hoàng Nam)

“Những ngôi chùa, các Sa la ten trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được hỗ trợ làm nơi sinh hoạt, thực hiện tín ngưỡng tôn giáo, không chỉ là nơi giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer, mà còn là nơi để các vị sư tập hợp đồng bào phật tử người Khmer tuyên truyền giúp đồng bào minh hiểu rõ và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước” - Đại đức Hồ Mít, Trụ trì Chùa Dì Quán, xã Ninh Quới, huyện Hồng dân cho biết.

Văn hóa tín ngưỡng đồng bào Khmer Bạc Liêu được nhà nước hỗ trợ bảo tồn phát huy (Hoàng Nam)

Mặt khác, từ những chính sách hỗ trợ của Đảng Nhà nước, đồng bào Khmer Bạc Liêu đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để nhanh chóng cải tiến sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Thậm chí, nhiều hộ còn đạt hiệu quả kinh tế cao vươn lên làm giàu. Nhiều nơi được kéo điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt, sản xuất, đồng bào Khmer được ưu tiên chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, được vay vốn ưu đãi. Vì thế, nhiều hộ đã áp dụng mô hình liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế khá cao, nỗ lực, cần cù lao động sản xuất và vươn lên theo cách nghĩ, cách làm của riêng mình.

Bà con đồng bào Khmer Bạc Liêu luôn tin tưởng sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng (Hoàng Nam)

Ông Tăng Bình, ngụ ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân cho biết, gia đình có 2,5 ha đất nuôi tôm, nhưng trước đây sản xuất kém hiệu quả do hệ thống thủy lợi chưa đầu tư đồng bộ. Vài năm nay, nhà nước đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi, cùng với sự chuyển giao khoa học, hỗ trợ giống của ngành chức năng, gia đình đã sản xuất mô hình tôm – lúa cho hiệu quả kinh tế khá cao, cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá. “Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, nhờ sản xuất vụ lúa được mùa, trúng giá nên gia đình ông Bình sẽ đón tết tươm tất hơn” – ông Tăng Bình nói.

Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Tô Thành Phương Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nên cơ sở hạ tầng và đời sống của vùng đồng bào dân Khmer trong tỉnh đã khởi sắc rỏ nét. “Sự phát triển vươn lên trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu hôm nay, đã làm cho đồng bào Khmer ngày thêm niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” – ông Tô Thành Phương nhấn mạnh.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tet-chol-chnam-thmay-tron-ven-niem-vui-cua-dong-bao-khmer-bac-lieu.html