Tết ấm cho học sinh khó khăn

Với mong muốn tất cả học sinh đều được vui xuân, đón Tết, ngành Giáo dục Bắc Giang đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn những phần quà ý nghĩa, tiếp thêm niềm tin và động lực cho các em tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Đồng hành vượt khó

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống cùng bà ngoại tại thôn Kép Vàng, xã Lam Cốt (Tân Yên) nhưng nhiều năm nay, Vũ Trung Kiên (SN 2006), học sinh lớp 12, Trường THPT Tân Yên 2 luôn là học sinh giỏi. Chia sẻ với hoàn cảnh của em, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024, Trường THPT Tân Yên 2 phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên vận động Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup, các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng 6,3 triệu đồng/năm học và 500 nghìn đồng/tháng cho Kiên. Đây là phần quà ý nghĩa giúp em quyết tâm học tập trong giai đoạn “nước rút” của năm học cuối cấp THPT.

Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Yên kết nối với Tổng Công ty đầu tư ADF (Hà Nội) hỗ trợ học bổng cho em Lại Thị Hà Anh, học sinh hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Song Vân (Tân Yên).

Được biết, nếu Kiên thi đỗ đại học, Quỹ Thiện tâm sẽ tiếp tục xét hỗ trợ em hoàn thành chương trình học. Dịp Tết Nguyên đán 2024, huyện Tân Yên có 80 học sinh hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ học bổng từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/tháng và nhiều phần quà là quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp.

Những năm gần đây, phong trào giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành hoạt động thường xuyên được các nhà trường trên địa bàn tỉnh phát động thông qua các mô hình như: “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi lợn đất”. Bên cạnh đó, một số trường còn tổ chức nhiều việc làm thiết thực như: Thu gom phế liệu gây quỹ, tặng quần áo ấm mùa đông, đồ dùng học tập, xe đạp, học bổng định kỳ. Năm học này, Trường THCS Tân Mộc (Lục Ngạn) có 514 học sinh, trong đó có 10 em hoàn cảnh khó khăn.

Thầy giáo Hà Phi Trường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều năm học qua, nhà trường phát động phong trào thu gom phế liệu ủng hộ học sinh hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng, hoạt động này được tổ chức 1 lần vào buổi chào cờ đầu tiên của tháng. Tại đây, mỗi học sinh ủng hộ phế liệu gây quỹ. Số tiền nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, bởi từ nguồn quỹ này, nhà trường mua tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi. Đây là nguồn động viên lớn để các em tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập tốt.

Mỗi trường đều có những cách làm khác nhau nhưng đều thiết thực giúp đỡ học trò hoàn cảnh khó khăn. Phong trào đã tạo sức lan tỏa, nhận được sự ủng hộ tích cực của thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh. Đơn cử như Trường Tiểu học Việt Lập (Tân Yên) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã Việt Lập xây dựng “tủ quần áo 0 đồng”. Nhà trường vận động thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh và một vài doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ủng hộ quần áo. Số quần áo vận động được giặt, là treo trong một gian phòng để bất cứ ai cần cũng có thể chọn mặc.

Huy động các nguồn lực

Thời gian qua, ngành Giáo dục đẩy mạnh xã hội hóa, chủ động gửi thư ngỏ tới các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm kêu gọi hỗ trợ tặng đồ dùng học tập, trao học bổng, nhà tình nghĩa cho các em hoàn cảnh khó khăn.

Ông Chu Bá Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Sơn Động cho biết: “Phòng yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể từng em. Với học sinh đặc biệt khó khăn, Phòng kết nối với Hội Chữ thập đỏ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm vận động trao tiền hỗ trợ hằng tháng, đồng thời thực hiện việc miễn, giảm học phí. Các trường hợp còn lại được quan tâm, động viên, tặng đồ dùng học tập, phương tiện đến trường”. Mới đây, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động trao 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 4,5 triệu đồng cho học sinh khó khăn.

Theo rà soát của Sở GD&ĐT, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có gần 52,3 nghìn học sinh mồ côi, khuyết tật, hộ nghèo, sinh sống ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn.

Chung tay cùng ngành Giáo dục, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã có những việc làm thiết thực hỗ trợ học sinh khó khăn.

Mới đây, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh nhận đỡ đầu 922 trẻ em mồ côi, trong đó trực tiếp hỗ trợ 679 em, mỗi năm từ 2 - 7 triệu đồng/em và gián tiếp đỡ đầu 254 em qua việc tặng đồ dùng học tập, phương tiện đến trường, nhu yếu phẩm. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng luôn đồng hành hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo có thêm nguồn lực tài chính để học tập. Toàn tỉnh hiện có hơn 1 nghìn em đang thụ hưởng chương trình vay vốn ưu đãi này với dư nợ hơn 40 tỷ đồng.

Quỹ học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Báo Bắc Giang đã hỗ trợ cho nhiều học sinh tiếp tục đến trường. Quỹ Trăng Xanh của Tập đoàn Bách Việt trao tặng học bổng định kỳ cho 20 học sinh (600 nghìn đồng/học sinh/tháng). Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển Thương mại Trường Vinh (TP Hồ Chí Minh) tổ chức trao quà cho 100 học sinh hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Lạng Giang, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh trao 162 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Thời gian tới, ngành Giáo dục Bắc Giang tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là các em ở miền núi, vùng cao có điều kiện vươn lên trong học tập. Để kịp thời động viên, chia sẻ với từng em, Sở yêu cầu các trường thường xuyên rà soát, giáo viên chủ nhiệm quan tâm nắm bắt tình hình học sinh, sớm phát hiện những em có hoàn cảnh đặc biệt (mồ côi, hộ nghèo, cha mẹ ly hôn, làm ăn xa, bệnh tật). Đây là hoạt động giáo dục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “Tương thân, tương ái”, giúp các em phát huy tinh thần đoàn kết, sẻ chia với bạn bè, tạo động lực để học tập tốt hơn”.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/418783/tet-am-cho-hoc-sinh-kho-khan.html