Tesla triệu hồi gần như toàn bộ xe điện tại Mỹ để khắc phục lỗi chế độ tự lái

Tesla đang triệu hồi hơn 2 triệu xe điện ở Mỹ để cập nhật thêm các cảnh báo mới trong hệ thống hỗ trợ lái xe tự động Autopilot, sau khi có hàng trăm vụ tai nạn xảy ra trong 2 năm qua.

Đây là vụ triệu hồi xe lớn nhất từ trước đến nay của Tesla, bao gồm gần như tất cả các phiên bản xe đang hoạt động trên đường phố.

Tesla cho biết hệ thống phần mềm điều khiển Autopilot "có thể không đủ mạnh để ngăn chặn việc tài xế lạm dụng" và có thể làm tăng nguy cơ xảy ra va chạm.

Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đã dành hơn hai năm để điều tra xem liệu các phương tiện do nhà sản xuất ô tô điện của tỷ phú Elon Musk điều hành có đảm bảo đầy đủ sự chú ý của người lái xe hay không.

Cuộc điều tra về vấn đề an toàn của xe Tesla bắt đầu vào tháng 8/2021 và được mở rộng vào tháng 6/2022 khi những vụ tai nạn chết người liên quan đến việc sử dụng chế độ lái xe tự động Autopilot gia tăng.

Cơ quan quản lý cáo buộc hệ thống Autopilot (hỗ trợ lái xe) trên các phương tiện Tesla có thể khiến tài xế xao nhãng, mất tập trung.

Cơ quan quản lý cáo buộc hệ thống Autopilot (hỗ trợ lái xe) trên các phương tiện Tesla có thể khiến tài xế xao nhãng, mất tập trung.

Nhà chức trách đã xem xét 956 vụ tai nạn và tập trung vào 322 vụ tai nạn liên quan đến Autopilot.

NHTSA cho biết nguy cơ va chạm có thể gia tăng khi chế độ Autopilot được kích hoạt, song người lái xe lại không có chuẩn bị cũng như tinh thần để can thiệp.

“Một trong những điều chúng tôi xác định là các tài xế không phải lúc nào cũng tập trung khi hệ thống đó được bật”, Ann Carlson, quyền giám đốc NHTSA nói.

Autopilot là chế độ tự lái nổi tiếng hiện đại và thông minh của xe điện Tesla. Chế độ này cho phép ô tô lái tự động trong làn đường của mình, có thể tăng tốc và phanh tự động khi có chướng ngại vật, tự động xử lý tình huống phát sinh trong lưu thông.

Autopilot bản nâng cao có thể hỗ trợ tự chuyển làn trên đường cao tốc nhưng không giúp phương tiện tự hành hoàn toàn.

Trong hệ thống Autopilot, chức năng Autosteer cho phép duy trì tốc độ đã cài đặt hoặc duy trì lái xe dựa theo khoảng cách và giữ cho phương tiện đi trong đúng làn đường. Tuy nhiên, đôi khi nó hoạt động không chính xác, dẫn tới xe va chạm vào cả các phương tiện đang đứng yên.

Tuy nhiên, Tesla cho biết họ không đồng ý với phân tích của NHTSA.

Dù vậy, nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Mỹ vẫn sẽ triển khai cập nhật phần mềm không dây để "kết hợp các biện pháp kiểm soát và cảnh báo bổ sung cho những tính năng đã có trên các phương tiện bị ảnh hưởng nhằm khuyến khích lái xe tuân thủ trách nhiệm ngay cả khi Autosteer được kích hoạt".

Các mẫu xe cũng sẽ được nâng cấp về phần cứng như tăng cường mức độ nổi bật của các tín hiệu cảnh báo trực quan, đơn giản hóa việc khởi động và ngắt kết nối Autosteer cũng như các bước kiểm tra bổ sung khi kích hoạt Autosteer.

Bryant Walker Smith, giáo sư luật của Đại học Nam Carolina, cho biết việc khắc phục bằng phần mềm sẽ có hiệu quả khá hạn chế và việc này "dường như đặt quá nhiều trách nhiệm lên người lái xe thay vì thay đổi mang tính hệ thống”.

Như vậy, 2,03 triệu xe Tesla Model S, X, 3 và Y ở Mỹ kể từ năm 2012 sẽ được cập nhật phần mềm và phần cứng.

Trước đó, vào tháng 2, Tesla cũng đã triệu hồi 362.000 xe điện của hãng để cập nhật phần mềm Lái xe tự hành an toàn - FSD Beta, sau khi NHTSA cho biết các phương tiện này không tuân thủ đầy đủ quy định về an toàn giao thông và có thể gây ra tai nạn.

Tại Canada, Bộ Giao thông vận tải cho biết Tesla sẽ triệu hồi hồi 193.000 xe để giải quyết vấn đề Autopilot. Hiện chưa rõ tại Trung Quốc, cơ quan chức năng có yêu cầu Tesla triệu hồi tương tự hay không.

(Theo Reuters)

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tesla-thu-hoi-toan-bo-xe-dien-tai-my-do-khong-dam-bao-an-toan-2226784.html