Tên xã, phường sau sáp nhập, ưu tiên yếu tố lịch sử

Nghị quyết 35 của Quốc Hội yêu cầu việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, sáp nhập phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

Nhiều địa phương đã gặp khó khăn trong việc xác định tên gọi của các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, đặc biệt đối với các xã, phường mang tên danh nhân.

Phường Yết Kiêu, phường Quang Trung và phường Nguyễn Trãi thuộc quận Hà Đông, theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, tới đây sẽ phải sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới, chỉ với một tên gọi sau hợp nhất. Hay hai xã Dương Hà và Đình Xuyên của huyện Gia Lâm sẽ sáp nhập, và tên gọi dự kiến sẽ là Thiên Đức. Việc đặt tên đã được thống nhất ở các hội nghị cấp huyện, xã và hiện đang lấy ý kiến nhân dân hai địa phương.

Việc đặt tên sau sát nhập phải phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, theo tiêu chí diện tích và dân số, Hà Nội có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. So với việc nhập hai, hoặc ba đơn vị hành chính thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một đơn vị hành chính cũ, thì việc ghép tên hoặc đổi tên mới sẽ làm tăng gấp hai đến ba lần khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động.

Nghị quyết 35 của Quốc Hội yêu cầu khi xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính, các địa phương cần xác định tên gọi có ý nghĩa, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, đặc biệt là với những xã, phường đang mang tên danh nhân.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ten-xa-phuong-sau-sap-nhap-uu-tien-yeu-to-lich-su-228209.htm