Tên Từ Liêm ý nghĩa như vậy mà nỡ viết sai thành 'Nam Từ Niêm'

Theo nghĩa Hán, thì 'Từ' có nghĩa là người trên thương yêu người dưới hay tình thương chung; còn 'Liêm' có nghĩa là trong sạch, ngay thẳng, không tham của người khác. Chính vì thế, 'Từ Liêm' được đặt xuất phát từ niềm tin, ước vọng, lẽ sống của người dân nơi đây từ trước đến nay và cũng là di chúc cho con cháu về sau.

Hai quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm của Hà Nội hiện nay được tách ra từ huyện Từ Liêm xưa; theo Nghị quyết 132/NQ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/12/2013.

Từ Liêm là một huyện cũ của Hà Nội, trước khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, huyện Từ Liêm nằm về phía Tây của Thủ đô, nhưng hiện nay thì dường như nằm ở trung tâm của Hà Nội mở rộng.

Cái tên Từ Liêm được đặt năm Vũ Đức thứ 4 (621) thời thuộc nhà Đường, thuộc Từ Châu (sau đổi là Nam Từ Châu, gồm 3 huyện: Từ Liêm, Ô Diên và Vũ Lập).

Đường thư, Địa lý chí giải thích: Đặt tên huyện Từ Liêm vì có sông Từ Liêm. Tuy nhiên, theo lý giải của các cụ, thì hai chữ Từ Liêm là cách phiên âm địa danh Chèm (tlem) theo tiếng Nôm.

Quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm được hình thành từ năm 2013, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Còn nghĩa Hán, thì “Từ” có nghĩa là người trên thương yêu người dưới hay tình thương chung; còn “Liêm” có nghĩa là trong sạch, ngay thẳng, không tham của người khác. Chính vì thế, “Từ Liêm” được đặt xuất phát từ niềm tin, ước vọng, lẽ sống của người quê ta từ trước và cũng là di chúc cho con cháu về sau.

Thời Lý-Trần, đặt lại huyện Từ Liêm thuộc phủ Đông Đô. Thời thuộc Minh đặt thuộc phủ Giao Châu. Thời nhà Lê đặt thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Từ Liêm trước năm 1831 là một huyện thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đặt thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội (nay là huyện Từ Liêm thành phố Hà Nội và phần phía nam huyện Hoài Đức). Sau khi thành lập tỉnh Hà Nội, thì Từ Liêm là một huyện của phủ Hoài Đức.

Sau khi thành Hà Nội bị cắt nhượng cho Pháp, một số xã của huyện Từ Liêm trở thành ngoại thành Hà Nội, phần còn lại thuộc tỉnh Hà Đông.

Huyện Từ Liêm sau đó được tái lập trên cơ sở sáp nhập hai quận 5 và 6 của Hà Nội cũ (bao gồm các xã Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Thụy Phương, Xuân La, Nhật Tân, Quảng An, Phú Thượng, Tứ Liên (thuộc quận 5 cũ), Dịch Vọng, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Mễ Trì, Mỹ Đình, Nhân Chính, Yên Lãng (thuộc quận 6 cũ)) cùng với một số xã như Trung Văn, Tây Tựu, Liên Mạc, Phú Diễn, Minh Khai, Thượng Cát, Xuân Phương, Hữu Hưng của hai huyện Hoài Đức và Đan Phượng; theo quyết định số 78/QĐ ngày 31/5/1961 của Chính phủ.

Khi đó, huyện gồm 26 xã: Cổ Nhuế, Dịch Vọng, Đông Ngạc, Hữu Hưng, Liên Mạc, Mai Dịch, Mễ Trì, Minh Khai, Mỹ Đình, Nghĩa Đô, Nhân Chính, Nhật Tân, Phú Diễn, Phú Thượng, Quảng An, Tây Tựu, Thượng Cát, Thụy Phương, Trung Hòa, Trung Văn, Tứ Liên, Xuân Đỉnh, Xuân La, Xuân Phương, Yên Hòa, Yên Lãng.

Lỗi sai "cười ra nước mắt" tên quận "Nam Từ Niêm" trên pano tuyên truyền của quận những ngày qua. Ảnh: XC.

Các xã của huyện Từ Liêm sau đó được chia cắt, sáp nhập rất nhiều lần trong quá trình lịch sử. Ngày 19/2/1964, xã Hữu Hưng được chia thành 2 xã: Tây Mỗ và Đại Mỗ. Ngày 9/8/1973, xã Yên Lãng được chuyển về quận Đống Đa quản lý (sau chia thành 2 phường: Láng Hạ và Láng Thượng). Ngày 20/4/1978, hai xã Phú Diễn và Minh Khai lại được hợp nhất thành xã Phú Minh.

Ngày 13/10/1982, thành lập 3 thị trấn: Cầu Giấy (trên cơ sở tách ra từ xã Dịch Vọng), Cầu Diễn (trên cơ sở tách ra từ các xã Mai Dịch, Mỹ Đình và Phú Minh), Nghĩa Đô (trên cơ sở giải thể xã Nghĩa Đô và tách một phần diện tích xã Cổ Nhuế).

Ngày 17/9/1990, thành lập thị trấn Mai Dịch (trên cơ sở giải thể xã Mai Dịch và điều chỉnh một phần diện tích thị trấn Cầu Diễn) và chia lại xã Phú Minh thành 2 xã cũ là Phú Diễn và Minh Khai.

Ngày 17/4/1992, chia thị trấn Nghĩa Đô thành 2 thị trấn: Nghĩa Đô và Nghĩa Tân.

Đến cuối năm 1994, huyện Từ Liêm có 5 thị trấn: Cầu Giấy, Cầu Diễn, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân và 24 xã: Cổ Nhuế, Đại Mỗ, Dịch Vọng, Đông Ngạc, Liên Mạc, Mễ Trì, Minh Khai, Mỹ Đình, Nhân Chính, Nhật Tân, Phú Diễn, Phú Thượng, Quảng An, Tây Mỗ, Tây Tựu, Thượng Cát, Thụy Phương, Trung Hòa, Trung Văn, Tứ Liên, Xuân Đỉnh, Xuân La, Xuân Phương, Yên Hòa.

Ngày 28/10/ 1995, tách 5 xã: Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng với tổng diện tích đất tự nhiên 1.619,9 ha và 32.080 nhân khẩu để hợp với 3 phường Bưởi, Thụy Khê, Yên Phụ của quận Ba Đình thành lập quận Tây Hồ.

Ngày 22/11/1996, tách xã Nhân Chính với diện tích đất tự nhiên 160,9 ha và 9.229 nhân khẩu để thành lập quận Thanh Xuân; 4 thị trấn (Cầu Giấy, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân) và 3 xã (Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa) với tổng diện tích đất tự nhiên 1.210 ha và 82.914 nhân khẩu đã tách khỏi huyện để thành lập quận Cầu Giấy.

Từ đó đến đầu năm 2013, huyện Từ Liêm có 16 đơn vị hành chính gồm thị trấn Cầu Diễn và 15 xã: Cổ Nhuế, Đại Mỗ, Đông Ngạc, Liên Mạc, Mễ Trì, Minh Khai, Mỹ Đình, Phú Diễn, Tây Mỗ, Tây Tựu, Thượng Cát, Thụy Phương, Trung Văn, Xuân Đỉnh, Xuân Phương.

Ngày 27/12/2013, theo Nghị quyết 132/NQ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm, được Thủ tướng Chính phủ ban hành, huyện Từ Liêm đã chia thành 2 quận: Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Qua quá trình lịch sử với nhiều lần nhập, tách; nhưng có một điều không hề thay đổi là cái tên "Từ Liêm", có lẽ cũng xuất phát từ ý nghĩa theo tiếng Hán nói trên: “Từ Liêm” được đặt xuất phát từ niềm tin, ước vọng, lẽ sống của người dân nơi đây từ trước đến nay và cũng là di chúc cho con cháu về sau...

Nếu đã hiểu đúng nghĩa của cái tên Từ Liêm như vậy, tin chắc rằng sẽ không ai để cho cái tên ý nghĩa này bị viết sai một lần nữa, như vụ 15 pano "Nam Từ Niêm" chình ình giữa Thủ đô ngày 26-27/3 vừa qua.

PT/ Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/ten-tu-liem-y-nghia-nhu-vay-ma-no-viet-sai-thanh-nam-tu-niem-20170328111728014.htm