Tên lửa X-UAV bí ẩn khiến phương Tây xôn xao

Người Nga trước đó đã tự tin nói rằng tên lửa này có thể 'đánh lừa' hệ thống phòng vệ chủ động trên xe thiết giáp.

Báo chí Nga nói rằng tên lửa chống tăng do nước này sản xuất mặc dù thể hiện hiệu quả cao trên chiến trường nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế và cách để cải thiện tình hình là loại đạn mới - tên lửa X-UAV.

Tên lửa này lần đầu tiên được biết đến là vào năm 2021, khi đó phía Nga tuyên bố rằng tên lửa này đã vượt qua một số cuộc thử nghiệm, chủ yếu với nguyên mẫu của trực thăng tấn công Ka-52M.

Ngoài ra tên lửa X-UAV còn có thể phóng từ một số máy bay không người lái, chẳng hạn như Inokhodets, Forpost, Altius, cũng như phi cơ tấn công hạng nặng tương lai S-70 Okhotnik.

X-UAV được tạo ra trên cơ sở tên lửa chống tăng Kornet, bao gồm phiên bản 9M133M-2 với đầu đạn lõm song song (xuyên được 1.100 - 1.300 mm thép đồng nhất), 9M133FМ-2 với đầu đạn nhiệt áp, và 9M133FM-3 lắp đầu đạn nổ mạnh.

Tầm bắn của tên lửa X-UAV theo công bố là 10 km (phiên bản 9M133FM-3 có tầm bắn 8 - 10 km, tên lửa 9M133M-2 và 9M133FM-2 có tầm bắn lên tới 8 km).

Cơ chế dẫn đường dựa trên phương thức bám chùm tia laser, chủ yếu nhằm mục đích tấn công các mục tiêu được bọc thép dày, cũng như trực thăng bay ở độ cao và tốc độ thấp.

Máy bay không người lái hoặc trực thăng vũ trang sử dụng tên lửa X-UAV có thể đồng thời bắn một loạt đạn vào 2 mục tiêu, hoặc bắn 2 tên lửa vào một mục tiêu cùng lúc để tăng xác suất tiêu diệt.

Theo báo chí Nga, tên lửa X-UAV có thể "đánh lừa" hệ thống phòng vệ chủ động (APS) của xe bọc thép, khi hai tên lửa lần lượt được bắn dọc theo cùng một đường dẫn laser với độ trễ tối thiểu, để APS không thể phản ứng với tên lửa thứ hai.

Ngoài thử nghiệm từ máy bay không người lái Orion, tên lửa X-UAV dự kiến sẽ là vũ khí chủ lực của trực thăng tấn công thế hệ mới Ka-52M, khi việc nâng cấp hệ thống dẫn đường được cho là nhằm tối ưu hóa việc mang vũ khí trên.

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ten-lua-x-uav-bi-an-khien-phuong-tay-xon-xao-post665228.html