Tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW thoát khỏi nguy cơ bị 'khai tử'?

Mỹ chưa chấm dứt chương trình tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW, mặc dù trước đó từng xuất hiện thông tin cho biết dự án đã bị đình chỉ.

Tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW của Lockheed Martin không phải lúc nào cũng hoạt động tốt trong các cuộc thử nghiệm, điều này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tính khả thi của chương trình.

Vào ngày 19/8/2023, Không quân Mỹ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm cuối cùng đối với nguyên mẫu tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW (Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không).

Theo thông báo, máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress đã phóng nguyên mẫu đầy đủ chức năng của tên lửa này gần bờ biển Nam California, hãng tin Defense News cho biết.

Liệu những cuộc thử nghiệm này có thành công hay không, cũng như mục tiêu hướng tới là gì, và Không quân Mỹ quyết định ra sao về chương trình thì đều chưa được tiết lộ rõ ràng.

Tuy nhiên Lầu Năm Góc cho biết, nhờ bài kiểm tra này mà "nhiều thông tin có giá trị" đã thu được, trong bối cảnh những bước phát triển tiếp theo của cả chương trình ARRW và dự án khác - tên lửa hành trình siêu thanh phóng từ máy bay (HACM) đang được đánh giá.

Và cũng trong vụ phóng nói trên, nhà phát triển đã xác nhận và thậm chí cải thiện khả năng thử nghiệm cũng như đánh giá của mình, điều này sẽ giúp ích nhiều hơn cho việc tạo ra vũ khí siêu thanh trong tương lai.

Ấn phẩm Defense News cũng nhận được bình luận về cuộc thử nghiệm mới nhất từ nhà phát triển tên lửa siêu thanh AGM-183A ARRW - gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin.

Nhà sản xuất lưu ý rằng sau cuộc thử nghiệm mới diễn ra "họ hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công và khả năng sản xuất hàng loạt" của chương trình ARRW và nói thêm sẽ tiếp tục hợp tác với Không quân Mỹ trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh.

Cần nhắc lại, hợp đồng phát triển vũ khí siêu thanh với Lockheed Martin đã được Lầu Năm Góc ký kết vào năm 2018, các cuộc thử nghiệm đầu tiên trên máy bay B-52 đã diễn ra vào năm 2019.

Tuy nhiên những bài đánh giá tiếp theo đối với loại tên lửa này không phải lúc nào cũng thành công và sau một thất bại khác vào tháng 3 năm nay, giới truyền thông biết rằng chương trình ARRW đang gặp nguy hiểm, thậm chí đứng trước nguy cơ bị loại bỏ.

Với diễn biến mới nhất, có cơ sở để cho rằng dự án nghiên cứu phát triển vũ khí đầy tham vọng nói trên sẽ tiếp tục được duy trì, bởi xét về tính năng kỹ chiến thuật thì nó vượt xa mọi đối thủ trên thế giới.

Theo thông báo từ Không quân Mỹ, tên lửa AGM-183A sử dụng nhiên liệu rắn với phần đầu đạn dạng tàu lượn siêu thanh tách khỏi phần thân sau khi đạt quỹ đạo thiết kế, cho phép tới đạt tốc độ tối đa Mach 20.

Tầm bắn của tên lửa chưa AGM-183A ARRW được công bố cụ thể nhưng ước tính con số này sẽ không dưới 2.000 km, thậm chí có thể còn lớn hơn rất nhiều, đạt tới trên 5.000 km.

Tên lửa AGM-183A ARRW được coi là "phát súng" mở màn của Mỹ, nó được đánh giá là có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với loại Kh-47M2 Kinzhal đình đám của Nga.

Đầu đạn tên lửa AGM-183A ARRW có quỹ đạo cực kỳ linh hoạt và không thể dự đoán trước, khác hoàn toàn với Kh-47M2 Kinzhal của Nga chỉ là cú bổ nhào khá đơn giản dựa vào tốc độ Mach 10 để vượt qua hệ thống phòng không đối phương mà thôi.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-sieu-thanh-agm-183a-arrw-thoat-khoi-nguy-co-bi-khai-tu-post549922.antd