Tên lửa siêu thanh 3M-25 Meteorit với công nghệ tàng hình plasma sắp tái xuất

Tên lửa siêu thanh 3M-25 Meteorit được cho là có tầm bay 5.000 km với tốc độ 3.500 km/h, sử dụng công nghệ tàng hình plasma và ứng dụng hệ thống dẫn đường độc đáo, sắp tái xuất.

Tên lửa siêu thanh 3M-25 Meteorit, còn gọi bằng cái tên P-750 Thunder mang trong mình những công nghệ "độc nhất vô nhị" của Liên Xô, vượt trội mọi đối thủ cạnh tranh trên thế giới.

Lịch sử phát triển loại tên lửa hành trình chiến lược này bắt đầu từ năm 1976, với nhiệm vụ tạo ra một phương tiện tấn công tầm xa đa năng, với tầm bắn lên đến 5.000 km.

Phương tiện mang phóng sẽ bao gồm tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược và xe tải việt dã trên bộ, công việc được giao cho Cục Thiết kế Cơ khí Trung ương (trước đây là OKB-52), còn hiện tại là NPO Mashinostroeniya.

Một sự kết hợp khá thú vị giữa bay tốc độ cao ở độ cao lớn với việc sử dụng công nghệ tàng hình đã được chọn nhằm mang lại bước đột phá phòng không. Tên lửa sẽ có khả năng tăng tốc lên 3.500 km/h và bay ở độ cao 22 - 24 km.

Công việc được thực hiện theo hướng đã được OKB-52 triển khai trước đó bằng cách tạo ra tên lửa chống hạm P-35 và P-500 - Đó là một tên lửa cỡ lớn có chiều dài 13 mét, sải cánh 5 mét, khối lượng phóng 12.650 kg (một nửa là tầng khởi tốc) và mang theo đầu đạn 1 tấn.

Nhưng tại sao Meteorit lại cần một tầng khởi tốc siêu lớn nặng tới 6.270 kg, giải thích rất đơn giản, bộ phận này phải nâng và tăng tốc tên lửa không chỉ từ "số 0", mà còn phải thực hiện điều đó từ mốc -40 mét, bởi vì một trong những lựa chọn là phóng từ tàu ngầm.

Trên thực tế, một tên lửa riêng biệt với động cơ nhiên liệu lỏng chạy bằng heptyl độc hại và có vòi phun quay hoạt động như một máy gia tốc đặc biệt.

Tầng khởi tốc này hoạt động trong 32 giây và được cho là sẽ tăng tốc tên lửa P-750 ngay lập tức lên mức siêu âm, nhưng hóa ra trong quá trình tách ra khỏi thân, nó đã đe dọa chính tên lửa.

Do đó động cơ hành trình phản lực KR-23 đặc biệt đã được điều chỉnh để hoạt động ở nhiều chế độ - từ tốc độ cận âm đến Mach 3. Tính đến quãng đường mà 3M-25 Meteorit phải vượt qua, thể tích bình nhiên liệu lên tới 2.800 lít.

Tất cả những sự phức tạp này với tầng khởi tốc tốc chỉ cần thiết cho việc phóng dưới nước và trên đất liền. Nếu xuất phát từ oanh tạc cơ Tu-95MA, tên lửa chỉ cần xuất phát với bộ tăng áp nhiên liệu rắn thông thường ở đuôi.

Nhưng với vụ phóng dưới nước, mọi thứ lập tức bắt đầu trục trặc. Hóa ra việc lắp đặt tên lửa trên tàu ngầm thuộc Dự án 949 Antey sẽ không hiệu quả, khi P-750 Meteorit lớn hơn nhiều so với P-700 Granit, ngoài ra còn yêu cầu các hệ thống trước khi phóng riêng biệt.

Liên Xô quyết định thay đổi hoàn toàn một trong những tàu ngầm thuộc Dự án 667. Các bệ phóng riêng cho tên lửa mới đã được tạo ra và lắp đặt ở vị trí của các trục thẳng đứng dành cho tên lửa liên lục địa. Để làm được điều này, cần phải tăng đáng kể chiều rộng của thân.

Công việc diễn ra rất nhanh, lần phóng đầu tiên thực hiện vào ngày 20/5/1980, nhưng nó và 3 lần phóng tiếp theo đều thất bại. Chỉ đến ngày 16/12/1981, tên lửa mới thực hiện chuyến bay đầy đủ đầu tiên, vượt qua quãng đường 50 km.

Và để vượt qua phòng không, 3 giải pháp đã được đưa ra cùng một lúc. P-750 Meteorit được cho là có tổ hợp tác chiến điện tử riêng để tạo ra sự can thiệp tích cực với radar của đối phương.

Tên lửa cũng có khả năng tung ra loạt mục tiêu giả di chuyển ở tốc độ Mach 3 trên sợi cáp dài 100 mét. Nhưng điều quan trọng nhất là trở thành một tổ hợp có khả năng tàng hình, lẩn tránh radar.

Tên lửa sẽ tạo ra một đám mây khí bị ion hóa ở khu vực cửa hút gió. Đây không phải là bí quyết của Liên Xô mà là một giải pháp mà Mỹ đã cố gắng áp dụng trên máy bay Lockheed A-12 (tiền thân của SR-71 Blackbird) vào những năm 1960.

Do cửa hút gió là bộ phận dễ bị lộ nhất, với công nghệ plasma, nhà thiết kế tuyên bố rằng tầm nhìn ở bán cầu trước ngay lập tức giảm 70 - 80%. Đồng thời, các đường viền mượt mà và vật liệu hấp thụ sóng vô tuyến cũng được sử dụng để tăng tính tàng hình.

Nhưng rồi kết quả là mọi thứ đều sai lầm ngay lập tức. Những lần phóng đầu tiên trên không với Tu-95MA được thực hiện vào năm 1983 - 1984 cho thấy tên lửa liên tục đi chệch hướng.

Và khi tên lửa được cài đặt bay dọc theo lộ trình, các hệ thống đối kháng, bao gồm cả máy tạo plasma đã tỏ ra bất lực - P-750 đã bị tổ hợp S-200 vốn đã lỗi thời vào thời điểm đó đánh chặn.

Tổng cộng, tính đến năm 1987, hơn 30 vụ phóng đã được thực hiện, nhưng chỉ có 2 vụ từ tàu ngầm và 20 lần từ máy bay Tu-95MS. Năm 1988, chỉ có phiên bản hải quân của P-750 Meteorit gần đạt tới các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước.

Ngoài ra 4 lần phóng dự phòng và 3 lần nữa từ tàu ngầm K-420 đã được thực hiện. Nhìn chung ở tất cả các giai đoạn, chỉ có khoảng một nửa trong số đó thành công. Sau đó kinh tế Liên Xô đã bắt đầu rơi vào suy thoái và phải trở nên tiết kiệm.

Trong bối cảnh đó, vào năm 1989, Liên Xô đã quyết định đóng cửa chương trình P-750 Meteorit vốn đã kéo dài được 13 năm mà không mang lại kết quả như ý muốn.

Cuối cùng, đó là một quyết định hợp lý, bởi vì tên lửa không thể hoàn thành nhiệm vụ xuyên thủng hệ thống phòng không và cũng cần có các tàu ngầm riêng biệt.

Sau đó tên lửa chiến lược duy nhất ở Liên Xô dành cho máy bay vẫn là Kh-55, còn đối với tàu và thì đã có S-10 Grenade, các biến thể của chúng hiện được biết đến dưới cái tên Kalibr dành cho tàu và R-500 dành cho tổ hợp Iskander-K.

Nhưng sau hơn 30 năm, khi công nghệ đã phát triển hơn với khí tài điện tử tinh vi và nhiều kỹ thuật đặc biệt đã phát triển, khả năng khôi phục Meteorit lại được nhắc tới bởi vũ khí trên có nhiều tính năng rất ấn tượng.

Con đường phía trước rõ ràng vẫn còn rất dài, nhưng không thể loại trừ khả năng một tên lửa hành trình siêu thanh, ứng dụng công nghệ tàng hình plasma dựa trên bản thiết kế cũ sẽ lại cất cánh trong tương lai.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ten-lua-sieu-thanh-3m-25-meteorit-voi-cong-nghe-tang-hinh-plasma-sap-tai-xuat-post572709.antd