Tehran thanh bình

Từ Thành phố vì hòa bình Hà Nội đến Thành phố vì hòa bình Tehran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Iran mang theo tình hữu nghị thân tình, gắn bó 'Việt Nam-Iran: Hợp tác vì hòa bình và phát triển'...

Hà Nội và Tehran, hai “Thành phố vì hòa bình”

Nằm bên dãy núi đá trầm tích Alborz hùng vĩ với ngọn núi lửa đang hoạt động cao nhất cả khu vực Trung Đông và châu Á, núi Damavand, Tehran khiêm nhường khoác trên mình màu áo nâu nhạt. Nhìn từ cao xuống, Tehran như hòa cùng một thể với mẹ thiên nhiên, với cả một vùng mênh mông điệp trùng núi đá trơ trụi và màu nâu rực lên một cảm giác nóng nực, khô rát.

Iran hiện tại đang là mùa thu nên thời tiết Tehran khá mát mẻ. Chỉ có điều, không khí ở đây rất khô, hệt như những ngày hanh khô ở miền Bắc Việt Nam nên hầu như chúng tôi đều gặp vấn đề về hô hấp. Tuy vậy, những khó chịu ấy nhanh chóng tan biến khi trên đường phố, chúng tôi luôn nhận được những nụ cười đôn hậu trên khuôn mặt phụ nữ thanh tú, rạng ngời dưới tấm khăn hijab, hay trên khuôn mặt đàn ông rắn rỏi với bộ râu quai nón rậm rì được chăm chút gọn gàng. Tehran thật thanh bình và giàu lòng mến khách! Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân lên mảnh đất của văn hóa Ba Tư.

Ba Tư xưa kia không chỉ nổi tiếng là một vương quốc hùng mạnh bậc nhất về quân sự trên thế giới mà còn nổi tiếng về văn hóa dân gian đặc sắc với những câu chuyện ly kỳ trong “Nghìn lẻ một đêm” đã cứu sống nàng Scheherazade khỏi sự thù hận giết chóc vô cớ của vị vua tàn bạo, được đáp đền xứng đáng bằng một tình yêu chân thành; với những đại thi hào nổi tiếng thế giới và phiên chợ Ba Tư rộn rã. Xứ Ba Tư còn nổi tiếng bởi những thương nhân năng động, những người đã miệt mài tỏa đi khắp nơi trên thế giới để bán buôn.

Từ Ba Tư xưa kia tới Iran hôm nay, truyền thống hòa hiếu của một dân tộc có bề dày lịch sử bậc nhất thế giới luôn được thể hiện rõ nét. Truyền thuyết Ba Tư ghi lại từ thời xa xưa, người anh hùng của xứ này đã hòa sinh mệnh mình vào mũi tên cuối cùng bắn đi từ cánh cung của mình, để phân định đường biên giới, xây dựng nền hòa bình bền vững giữa Ba Tư và Turan. Ngày nay, người Iran khi gặp nhau vẫn dùng câu chào: “Salam” để cầu mong yên bình đến với mọi người. Ngay từ lời chào đã thể hiện rất rõ ước muốn của người dân Iran là luôn được sống trong an bình.

Đường phố Iran và dãy núi Alborz hùng vĩ phía xa.

Lịch sử Việt Nam cũng gắn liền với các cuộc trường chinh đấu tranh giành độc lập, tự chủ. Người dân Việt Nam cũng luôn mong muốn được sống trong hòa bình, hòa hiếu và hòa hợp không chỉ trong nội bộ đất nước mà còn trên bình diện quan hệ quốc tế. Xưa kia, mỗi lần bị buộc phải chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm, sau khi chiến thắng, cả dân tộc Việt Nam vẫn lấy chữ “hòa hiếu” làm trọng, ứng xử rất nhân đạo với đoàn quân xâm lược đã bị đánh bại, thậm chí còn cấp lương thực, phương tiện cho họ về nước.

Chính từ tinh thần yêu chuộng hòa bình mang tính truyền thống ấy và những việc làm, đóng góp cụ thể hiện nay mà cả Hà Nội và Tehran đều đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.

“Giờ đây, chúng ta chỉ cách nhau gần 10 giờ đồng hồ bay qua 5.500km để kết nối Hà Nội và Teheran, là hai “Thủ đô vì hòa bình”. Tuyến đường hòa bình đó đưa đoàn chúng tôi đến với các bạn mang theo tình hữu nghị thân tình gắn bó “Việt Nam-Iran: Hợp tác vì hòa bình và phát triển”, đây là thông điệp xuyên suốt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm chính thức Iran.

Hợp tác vì hòa bình, phát triển

Chỉ trong 3 ngày thăm Iran, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có hơn 20 hoạt động chính thức. Trong đó, nổi bật là sự kiện hội kiến với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi; hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam; gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp hai nước; phát biểu tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Viện Nghiên cứu chính trị và quốc tế (IPIS), Bộ Ngoại giao Iran; chứng kiến các cơ quan hữu quan hai bên ký kết nhiều biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác; tham dự các hoạt động văn hóa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Iran; thăm tỉnh Isfahan...

Trong các cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với lãnh đạo cấp cao nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, hai bên đều nhất trí đánh giá cao quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp giữa hai nước thời gian qua; đồng thời cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đang còn rất khiêm tốn so với tầm vóc quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước cũng như so với chính tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước và so với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu hút đầu tư của Việt Nam. Hai bên đã bàn nhiều giải pháp để thúc đẩy nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Trong chuyến thăm này, các vị lãnh đạo cấp cao, các cấp, các ngành và đông đảo các học giả, nhà ngoại giao Iran cùng đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được hôm nay. Phía bạn coi Việt Nam là một tấm gương vượt qua mọi nghịch cảnh để khẳng định vị thế, vai trò của mình trên trường quốc tế; xây dựng và phát triển đất nước.

Tự nhận bản thân không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không ngần ngại chia sẻ mọi kinh nghiệm của Việt Nam “dựa trên hiểu biết của bản thân”. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đã từng gặp rất nhiều khó khăn. Vừa bước ra từ đống hoang tàn của chiến tranh, Việt Nam đã phải đối mặt với các biện pháp bao vây, cấm vận ngặt nghèo. Trong những lúc gian nguy, Việt Nam trên dưới đồng lòng, không vì thế mà oán thù, trái lại còn phất cao hơn nữa ngọn cờ truyền thống hòa hiếu của dân tộc. Đảng, Nhà nước Việt Nam, với sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân, toàn quân, đã đề ra chủ trương, chính sách gác lại quá khứ, hướng tới tương lai; khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt là Việt Nam muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới; làm thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, để tất cả cùng chiến thắng, để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng vững bền. Vì thế, Việt Nam đã dần phá thế bao vây, cấm vận thành công, trở thành một trong những nền kinh tế năng động và thành công nhất thế giới hiện nay. Những chia sẻ chân thành, cởi mở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận được sự tán đồng nhiệt thành từ phía bạn với những tràng vỗ tay kéo dài mãi không ngớt từ các cử tọa tham gia các cuộc trao đổi dưới dạng diễn đàn. “Qua trao đổi của ngài Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chúng tôi càng biết thêm nhiều điều về Việt Nam, càng thêm trân trọng Việt Nam. Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, câu chuyện của Việt Nam là câu chuyện rất đáng được đọc, được nghe và được nghiên cứu kỹ càng hơn nữa”, Tiến sĩ Amoie, quyền Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, An ninh của Quốc hội Iran chia sẻ.

Chúng tôi tin những lời của Tiến sĩ Amoie cũng như của các vị lãnh đạo cấp cao, học giả, nhà ngoại giao và người dân Iran về Việt Nam là thực lòng. Đó không phải là ngôn từ ngoại giao khách sáo thông thường. Ở Iran, hai tiếng Việt Nam đang thực sự gây sự chú ý rất lớn trong dư luận, bởi những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được khiến các bạn thực sự ngạc nhiên, thú vị và muốn tìm hiểu thật nhiều, thật sâu. Nhiều học giả Iran đã nghiên cứu rất kỹ, viết và xuất bản sách phân tích, giải mã thành công của Việt Nam. Điển hình như cựu Phó thủ tướng Iran, Tiến sĩ Abdollah Jassbi hay cựu Đại sứ Iran tại Việt Nam Seyed Kamal Sajjadi đã xuất bản những cuốn sách về Việt Nam để đáp lại sự quan tâm của giới chính khách cũng như của đông đảo người dân xứ sở Ba Tư.

Riêng tôi thì ấn tượng mãi với tấm thịnh tình, lòng hiếu khách và tình cảm của người dân Iran dành cho các phóng viên. Trưa 8-8, sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội nước ta với Chủ tịch Quốc hội nước bạn, Quốc hội nước bạn mở tiệc chiêu đãi các thành viên trong đoàn Việt Nam. Do ở văn phòng Quốc hội nước bạn không có wifi, đường truyền internet qua mạng di động của bạn không tốt nên mấy anh chị em phóng viên quyết định về thẳng khách sạn để kịp sản xuất tin, bài và gửi về tòa soạn. Rất đông cán bộ, nhân viên văn phòng Quốc hội Iran nhất quyết không mở cửa cho chúng tôi về, một mực cười tươi đứng chặn ở cửa và một mực mời chúng tôi vào dùng bữa. Họ sẵn lòng chia sẻ data điện thoại di động cho chúng tôi gửi tin, bài, dù rằng giá cước data bên bạn rất đắt đỏ. Thế mới thấy tấm lòng hào hiệp, hiếu khách của bạn lớn nhường nào!

Một chuyện khác, khi chúng tôi đang đứng tập trung ở hè phố Tehran, bên ngoài trụ sở Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran chờ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tới dự Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, một người đàn ông Iran đang đi bộ trên hè phố, nhìn thấy máy quay của Truyền hình Quốc hội Việt Nam có gắn lá quốc kỳ Việt Nam, bèn bước tới đề nghị chụp ảnh kỷ niệm cùng chúng tôi. Vừa chụp ảnh, người đàn ông vừa nhắc đi nhắc lại một câu tiếng Anh: “Vietnam is very good! Vietnam is very good!” (Việt Nam rất tốt! Việt Nam rất tốt!). Hơi tiếc là trong nhóm chúng tôi không ai biết nói tiếng Ba Tư, người đàn ông cũng không nói được nhiều tiếng Anh nên chúng tôi không thể giao lưu, trò chuyện nhiều.

Với tình cảm, sự yêu mến mà lãnh đạo và người dân hai nước dành cho nhau như vậy, chắc chắn, trong tương lai không xa, các mục tiêu hợp tác mà hai bên đặt ra sẽ sớm thành hiện thực!

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG (từ Tehran, Iran)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tehran-thanh-binh-738176