“Té xỉu” với sách giáo khoa, sách kiến thức “tầm bậy”

Sách giáo khoa, loại sách đặc biệt cung cấp kiến thức căn bản, làm nền tảng cho mọi kiến thức sau này của mỗi người nhưng lại được thực hiện, biên tập, in ấn, phát hành hết sức cẩu thả, thậm chí bậy bạ. Điều đáng nói, nó đã được dạy và học một cách rất tào lao, hiện đang là mối lo của hàng triệu phụ huynh…

Khi ong biến thành chim

Gần đây, trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội bỗng xôn xao về một loại sách kiến thức, tựa đề: Mười vạn câu hỏi vì sao? của Nhà xuất bản (NXB) Hồng Đức. Trong đó, sách khẳng định rằng, loài chim lớn nhất thế giới là loài chim… lạc đà (!?).

Những tưởng rằng, loại kiến thức này đã kinh dị nhưng không, trong một trang khác cũng ở quyển sách này, nhóm biên soạn sách cũng “dõng dạc” khẳng định rằng, loài chim nhỏ nhất thế giới là loài… ong (!?).

Thật ra, chỉ với kiến thức thông thường, ai cũng biết loài chim nhỏ nhất thế giới là loài chim ruồi (hummingbird), chỉ nặng có 2 gram.

Những lỗi ngớ ngẩn được in trong sách.

Cung cấp kiến thức kiểu… trời ơi này cho bạn đọc, quả thật các nhà làm sách đã quá khinh thường người đọc. Quan trọng hơn, không hiểu sao loại sách này lại có mặt trên thị trường mà bị bỏ qua khâu biên tập hay hiệu đính từ NXB. Và NXB này sẽ chịu trách nhiệm đến đâu khi để loại sách ẩu tả này hiện diện trên thị trường.

Đây chỉ là loại sách đọc, ai thích thì mua nên cũng chẳng gây phương hại gì lớn đến cho xã hội. Nhưng sách “cà chớn”, kiến thức “tào lao” bỗng nhiên xuất hiện trong loại sách mà ai cũng phải đọc, phải học là sách giáo khoa thì xã hội, phụ huynh mới thật sự thấy nguy hiểm bởi con em mình sẽ phải học những thứ rất… tầm bậy.

Như trong một bài tập trên sách giáo khoa lớp 1 có bài toán: Trên cây bưởi có 68 quả cam và bưởi, trong đó có 5 chục quả cam. Hỏi nhà bà có bao nhiêu quả bưởi? Trời đất, đây là loại cây gì mà mọc cả bưởi lẫn cam? Người lớn đọc còn thấy tù mù, huống hồ gì là đầu óc non nớt của các em học sinh lớp 1.

Những tưởng bài toán này đã là chuyện không tưởng nhưng ở sách giáo khoa Bài tập Toán 2, còn có một bài toán thuộc loại siêu tưởng, người lớn lẫn trẻ em đọc rồi chỉ muốn… khóc: Trên tàu thủy có 45 con cừu. 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?

Nhan nhản kiến thức… rác

Thật hết biết với đề toán kinh dị kiểu như thế này, không biết cô, trò khi học đến đây phải giải quyết cái đề toán… siêu dị này như thế nào?

Nên nhớ, đây là sách giáo khoa, loại sách cung cấp kiến thức cơ bản, có tính nền tảng cho hàng triệu học sinh cả nước. Kiến thức nền tảng mà… cà chớn như thế, không hiểu học sinh sẽ học ra sao, tương lai sau này như thế nào?

Với lứa tuổi mẫu giáo, các loại sách tập đọc cũng… không tha đầu óc vô tư, trong sáng, đang ở độ tuổi đang tập đọc, tập đánh vần. Trong một sách tập đọc, có sách in… sai chính tả rất vô tư: thùng giác (đúng ra phải là thùng rác). Đây có lẽ là loại kiến thức… rác đến độ người dạy và trẻ em đi học phải nản lòng.

sach giao khoa5

Trên trang sách cũng đưa ra một trường hợp từ có một không hai: quả ngựa (?). Thú thật, không biết trên đất nước Việt Nam hiện nay, có bao nhiêu người biết đến quả ngựa có hình minh họa là con ngựa? Phải chăng đây là cách gọi con ngựa hoàn toàn mới, chưa kịp cập nhật trong các loại tự điển tiếng Việt?

Còn trên sách tập viết, tác giả biên soạn sách lại cho in hình con bê để minh họa cho mẫu câu tập viết là: con nghé (?). Khôi hài hơn, trong cũng chính sách này, ở trang khác in hình minh họa chính xác là con nghé và trong một trang in khác, lại ghi là con trâu.

Những sách tập viết, tập đọc là những cuốn sách vỡ lòng để mọi học sinh bước đầu tiếp nhận kho kiến thức vĩ đại của nhân loại. Những bước chập chững ấy là nền tảng vĩnh viễn không thể xóa mờ của đầu óc con người từ bé thơ cho đến tuổi già.

Có đáng phẫn nộ hay không, khi sách hướng dẫn tập viết cho hàng triệu học sinh mà in sai chính tả một cách rất… vô tư. Hãy xem câu minh họa và hướng dẫn tập viết cho học sinh lớp 1: có dỗ (ý nói nhà có giỗ) và “minh họa” bằng câu: Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày “dỗ” Tổ mùng mười tháng ba.

Cũng trên trang sách này, chữ: cây lêu (cây nêu ngày Tết), được in rất… mỹ thuật, nắn nót với những dòng kẻ chuẩn mực. Chỉ tiếc rằng, chính tả sai cơ bản.

Còn trong một tập truyện tranh, tác giả không biết vô tình hay hữu ý, đưa hẳn một câu chuyện người cha (là vua) lại đi lấy cô công chúa (là con gái ruột) làm… hoàng hậu (?).

Thật không thể tưởng tượng. Đầu độc đầu óc con trẻ như thế, không biết phải khép các nhà làm sách vào tội gì mới thỏa đáng.

Thế nên, một phụ huynh ở phường 14, quận 3, TP.HCM đã thú thật: “Con tôi học lớp 4, khi đăng ký với nhà trường mua sách giáo khoa cho con về là hai vợ chồng tôi phải bỏ ra cả tuần lễ để dò từng lỗi chính tả trong sách tập viết, tập đọc và dò cả các sách toán, sách kiến thức để kịp thời làm lại một bản chú thích khác, chuẩn xác hơn để con mình học.

Chứ học hành mà sách giáo khoa in sai tùm lum, thì nó học vào là hư đầu óc, kiến thức lệch lạc, tào lao, mất chuẩn mực… sau này rất khó sửa.”.

Quốc Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/te-xiu-voi-sach-giao-khoa-sach-kien-thuc-tam-bay-d41853.html