Tây Ninh quy hoạch phát triển 4 trục động lực theo các trục đường nào?

Chiều 5/5, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050.

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh diễn ra trong không khí các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ phấn khởi đón nhận quy hoạch và công bố quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 sáng nay (5/5).

Quy hoạch "3 vùng phát triển, 4 trục động lực"

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại hội nghị.

Bày tỏ vui mừng, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo động không gian, động lực mang tính đột phá của tỉnh trong thời gian tới.

Tỉnh hướng đến và đặt mục tiêu đến năm 2030 kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Đến năm 2050, "Tây Ninh Xanh" hướng đến có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

Lấy công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới.

Nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ ba từ từ trái qua) dự và trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050.

Quy hoạch tỉnh xác định, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo "3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội":

Trong đó 3 vùng phát triển gồm: Vùng 1: gồm thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và một phần phía Nam huyện Dương Minh Châu, là vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ.

Vùng 2: gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, tiếp đến là công nghiệp hỗ trợ và chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.

Vùng 3 gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu là vùng phát triển nông nghiệp, từng bước phát triển dịch vụ hướng đến an sinh xã hội và du lịch sinh thái ở các khu vực Lò Gò - Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ Đông.

Phối cảnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sau hoàn thành. (Ảnh: internet)

Tỉnh xác định 4 trục động lực gồm: Trục số 1 gắn với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc - Nam chính của tỉnh.

Trục số 2 gắn với tuyến đường Hồ Chí Minh và QL22, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng phía Nam, kết nối với QL13, QL14 tới sân bay Long Thành.

Trục số 3 gắn với tuyến đường Đất Sét - Bến Củi - Bến Cầu là tuyến đường vành đai trung chuyển hàng hóa giữa các khu công nghiệp Bến Củi, Thạnh Đức, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia.

Từ trục đường này sẽ kết nối với TP.HCM thông qua các nút giao với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (CT31), cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (CT32) và kết nối về phía Đông đi Bình Dương và Tây Nguyên.

Trục số 4 gắn với đường tỉnh 781, là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây cho vùng trung tâm.

Một vành đai an sinh xã hội gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng Sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng - an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.

Tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự ấn tượng với khát vọng, ý chí, quyết tâm của Đảng bộ chính quyền, quân và dân tỉnh Tây Ninh trong các thời kỳ và trong xây dựng, triển khai quy hoạch.

Theo Thủ tướng, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế năng động là tỉnh biên giới có vị trí địa chính trị quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Mặt khác tỉnh nằm ở vị trí hướng Tây Nam giữ vai trò kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ và hành lang kinh tế xuyên Á.

Tây Ninh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt khi thương mại với Campuchia đang tăng rất nhanh, là điểm kết nối trực tiếp và gián tiếp với một số nước Đông Nam Á.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 điểm về vị trí, vai trò của công tác quy hoạch. Theo đó, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có mặt đất, mặt nước, không gian ngầm.

Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, phải đảm bảo tính lớp lang, hệ thống, khoa học, từng bước thực hiện có hiệu quả. "Có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt, mang lại hiệu quả cao….

"Quy hoạch cần bám sát 3 nội dung quan trọng bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, cả nước và thế giới. Nhất là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng lưu ý.

Vĩnh Phú

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tay-ninh-quy-hoach-phat-trien-4-truc-dong-luc-theo-cac-truc-duong-nao-192240505163009737.htm