Tây Bắc vẫy gọi ta về - Bài 1: Cao nguyên của ý chí cách mạng

Giữa tháng 12-2023, Tây Bắc đón chào các đại biểu của đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí và xuất bản TP Hồ Chí Minh bằng những cung đường xoắn như vỏ đỗ khô. Trên những địa danh chúng tôi đi qua, ai cũng dâng lên niềm tự hào, yêu thương khôn tả trước phong cảnh hùng vĩ, cùng những chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Hơn cả đó là tình cảm của vùng đất và con người Tây Bắc đối với du khách thật đậm đà, khó quên...

Bài 1: Cao nguyên của ý chí cách mạng

Chẳng phải ngẫu nhiên nhiều khách nước ngoài khi đến với tỉnh Sơn La đều trầm trồ: Đúng là điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới. Với “viên ngọc xanh giữa lòng Tây Bắc” của Mộc Châu; với những cánh rừng hoa ở Mường La, Quỳnh Nhai hay TP Sơn La thực sự là "thiên đường của sắc đẹp". Hơn thế nữa, những địa danh lịch sử ở Sơn La khiến chúng ta phải luôn ghi nhớ, tri ân công lao của các thế hệ cha anh.

1. Sau gần 7 giờ vừa đi và nghỉ ngơi từ sân bay Nội Bài, chúng tôi đặt chân tới thị trấn Mộc Châu. Buổi chiều đông trời nắng mỏng, cảm giác mát trong như không khí từ chiếc máy điều hòa thiên nhiên khổng lồ thổi ra. Mộc Châu dịu dàng, thướt tha và tươi rói đón chào các đoàn khách phương xa. Hầu hết du khách đến với Mộc Châu là khám phá và trải nghiệm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Thác Dải Yếm, rừng thông Bản Áng, đồi chè Trái tim, hang Táu, thác Nàng Tiên hay đỉnh Pha Luông... Nhưng chúng tôi lại chọn điểm đến đầu tiên là Khu di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến tại đồi Nà Bó.

Sáng sớm, đồi Nà Bó tràn màu sắc hoa và sắc áo đỏ của các cháu học sinh mầm non. Đứng ở đây có thể thu gọn thị trấn Mộc Châu và cảnh núi đồi xung quanh vào trong tầm mắt. Mùi nhang thơm cùng với lời thuyết minh nhỏ nhẹ của cô gái Thái thon thả trong bộ áo cóm đưa mọi người trở về với quá khứ hào hùng của Đoàn quân Tây Tiến năm xưa. Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi... Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Những dòng viết của nhà thơ Quang Dũng như vẽ trước mắt mọi người vóc dáng và khí thế của Đoàn quân Tây Tiến trong những năm tháng đánh giặc gian khổ giữa điệp trùng rừng núi, sông suối của Tây Bắc và các vùng lân cận, cũng như trên đất bạn Lào.

Cách đây chừng nửa năm, cô bạn Lê Thị Hồng Thắm làm ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Sơn La có gọi điện mời tôi: “Anh lên Sơn La đi. Mùa đông mà vẫn được ngắm hoa nở và hòa mình vào vòng xòe thì chẳng có gì tuyệt bằng”. Thật ra, tôi cũng đã từng khám phá cao nguyên Mộc Châu trong mùa mận chín. Khi ấy, đi trong các vườn mận ở Nông trường Mộc Châu hay khu vực xã Tân Lập như lạc vào một thế giới đỏ sẫm. Người Mộc Châu thường nói rằng: “Mảnh đất này không chỉ được thiên nhiên ưu ái mà còn được các anh hùng liệt sĩ phù hộ, chở che”. Dù cuộc sống có trải qua bao biến động, có phát triển đến mức nào, thì trong tâm khảm người dân Mộc Châu vẫn không bao giờ quên ơn các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí-xuất bản TP Hồ Chí Minh nghe giới thiệu về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Ảnh: Phú Hưng

2. Trên vòng cung của tuyến du lịch từ Hà Nội đến các tỉnh Tây Bắc, TP Sơn La được ví như một bức tranh sơn thủy hữu tình với các hang động, ao hồ, suối khoáng nóng và khu di tích lịch sử. Đó là hang Thẳm Tát Tòng, suối khoáng và hồ chứa nước bản Mòng, hồ thủy sản bản Cá, hang Thượng Thiên, hang bản Hụm thuộc quần thể hang động tại Khau Pha, hệ thống các núi đá cao... và nhà tù Sơn La. Nếu muốn khám phá hết, chắc phải dành ra vài ngày, nhưng chúng tôi chỉ đủ thời gian đến thăm “trường học cách mạng” là Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Từ ngày còn học phổ thông, tôi đã biết đến cây đào Tô Hiệu qua những trang sách, vần thơ, bài hát và lời kể chuyện. Hơn thế nữa, nhà tôi gần với thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, quê hương của bác Tô Hiệu. Giờ đây, được nghe hướng dẫn viên Hà Thị Hằng của Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La giới thiệu, sao thấy cây đào Tô Hiệu gần gũi với mình hơn bao giờ hết. Đứng bên cạnh cây đào là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, tinh thần đấu tranh bất khuất trước kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng, chúng tôi trào dâng cảm xúc khâm phục và biết ơn.

Nhà tù Sơn La nằm trên đồi Khau Cả và soi mình xuống dòng Nậm La do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908. Nơi đây luôn phải hứng chịu những đợt gió Lào hầm hập, rồi những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá thấu xương thịt vào mùa đông và môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam, đã làm bệnh tật phát sinh, lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân. Nhà tù Sơn La từng giam cầm những chiến sĩ cộng sản xuất sắc của Đảng như: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn... cùng nhiều đồng chí trung kiên khác. Sờ vào những bức tường rêu phong và đổ nát, nhìn vào những hiện vật và nghe lời thuyết minh, các nhà báo như được thấy tận mắt sự tàn khốc và dã man của chế độ nhà tù thực dân. Nhưng cũng chính ở nơi thống khổ ấy, các chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù Sơn La trở thành một trường học cách mạng giữa núi rừng Tây Bắc.

Trong bài thơ “Anh về cùng mùa hoa”, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã cảm xúc: Cái hạt non anh trồng/ Nở mùa đào cộng sản/ Nụ hoa chúm chím hồng/ Khoảng trời bừng nắng rạng. Những câu thơ không chỉ ca ngợi tinh thần đấu tranh mưu trí, sáng tạo, bất khuất, kiên trung của người chiến sĩ Tô Hiệu mà còn ca ngợi ý chí đấu tranh ngoan cường, tấm lòng sắt son với nước với dân của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm ở nơi đây. Chính vì thế, nhà tù Sơn La luôn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam và khiến bạn bè quốc tế nể phục.

3. Sơn La đẹp và tươi vui thì ai cũng cảm nhận được. Nhưng với tôi, Sơn La còn là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ. Chả thế mà khi đến Mộc Châu, Vân Hồ, một du khách người Nhật Bản đã phải thốt lên: “Tôi như lạc vào chốn thiên cung. Nếu được đầu tư tốt, Sơn La sẽ trở thành một thiên đường du lịch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao”. Những con đường đến với Sơn La ngày càng to, phẳng, dịch vụ du lịch ngày càng chuyên nghiệp là lời mời hấp dẫn du khách. Cho dù du lịch đã chạm đến những bản làng xa xôi, nhưng nếp nhà của đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn giữ nguyên bản sắc, con người vẫn tôn trọng cội nguồn và văn hóa dân tộc. Điều đáng mừng là người dân bắt đầu có tư duy về làm du lịch, dịch vụ. Đi đến những bản của người Thái, người Mông, đều thấy người dân mời chào khách bằng tiếng Anh. Chính điều đó đã tạo ra sự gần gũi, thân thiện để du khách hân hoan khi mới đến và bịn rịn khi phải chia tay.

Trong vài năm trở lại đây, xuất hiện nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp dành cho du khách, nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố tôn trọng địa hình, thiên nhiên, văn hóa địa phương. Cách đây hơn một năm, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (bao gồm hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ) được trao danh hiệu “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á” (tháng 9-2022) và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới” (tháng 11-2022). Đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là dấu mốc quan trọng để Mộc Châu tiếp tục quảng bá, khai thác, phát huy những giá trị thiên nhiên, văn hóa của mình; là cơ hội để hình ảnh của Mộc Châu bay cao, bay xa.

Tự hào về quê hương tươi đẹp và giàu truyền thống cách mạng, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Sơn La đang nỗ lực phấn đấu để tỉnh nhà trở thành địa phương đi đầu trong đột phá phát triển kinh tế-xã hội của Tây Bắc. Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, địa phương sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện thành công các nghị quyết, chương trình của Đảng, Chính phủ, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong từng thời điểm. Trước mắt, Sơn La sẽ nhờ sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh bạn xây dựng đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La tại huyện Mộc Châu, tiếp đó là nâng cấp Cửa khẩu Lóng Sập (tỉnh Sơn La, Việt Nam) và Cửa khẩu Pa Háng (tỉnh Huaphanh, Lào) thành Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập-Pa Háng, sớm triển khai công tác hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào vùng tái định cư thủy điện Sơn La...

Trước khi rời TP Sơn La để đi Điện Biên, tôi được anh Điêu Chính Thành-một người bạn thân mời nhấm nháp bát nước chè Tà Xùa. Từng ngụm chè thấm vào ruột gan, mà ngỡ như đang được uống thứ rượu men lá của người Mông ấy. Rõ ràng là chè Tà Xùa rất ngon, nhưng thứ ngon hơn của nó chính là được gắn với một vùng đất bao la hùng vĩ, với một không gian văn hóa say đắm lòng người. Đó cũng là điều vấn vương da diết để hẹn ngày trở lại...

(còn nữa)

Ghi chép của LÊ PHI HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tay-bac-vay-goi-ta-ve-bai-1-cao-nguyen-cua-y-chi-cach-mang-762022