Tàu sân bay Mỹ là mục tiêu quá khó đối với tên lửa của lực lượng Houthi

Hải quân Mỹ rất tự tin cho rằng tàu sân bay của họ được bảo vệ an toàn trước tên lửa chống hạm của lực lượng vũ trang Houthi tại Yemen.

Tại Biển Đỏ, ngoài tấn công tàu thương mại, lực lượng Houthi còn bắn tên lửa chống hạm vào tàu chiến Mỹ, nhưng đến nay mọi nỗ lực của nhóm vũ trang Yemen chưa mang lại bất cứ kết quả nào.

Trọng tâm tấn công của tên lửa Houthi đó là một mục tiêu rất lớn - sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz mang tên USS Dwight D. Eisenhower (CVN-69) cùng đội hộ tống của nó.

Câu hỏi làm cách nào biên đội tác chiến tàu sân bay (AUG) Mỹ có thể tự bảo vệ mình trước kho tên lửa chống hạm đồ sộ của Houthi đã được đặt ra trước khi Washington điều động AUG vào Biển Đỏ.

Mặc dù chưa rõ có máy bay không người lái hoặc tên lửa chống hạm thực sự tấn công tàu sân bay Mỹ hay chưa, nhưng nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm luôn trong trạng thái bị theo dõi.

Có một điều phải nói rõ, bất chấp nhiều loại vũ khí được quảng cáo là "sát thủ tàu sân bay" đã ra đời, nhưng để đánh chìm một tàu sân bay vẫn là nhiệm vụ quá khó, đặc biệt khi nó hoạt động ở vùng biển xa.

Đầu tiên, tàu sân bay luôn di chuyển và đó là một phần quan trọng đối với khả năng phòng thủ, kẻ địch không thể bắn trúng nếu không biết mục tiêu ở đâu. Ngay cả khi xác định được vị trí, con tàu vẫn thay đổi vị trí vào thời điểm tên lửa tiếp cận.

Tàu sân bay còn có nhiều phương tiện hữu ích, giúp tạo ra hàng rào phòng thủ cách nó hàng trăm km, đủ để đảm bảo rằng máy bay, tàu mặt nước hoặc tàu ngầm đối phương không thể nghĩ đến việc tới gần.

Bên cạnh đó, nhóm tấn công tàu sân bay, bao gồm bản thân chiếc hàng không mẫu hạm cũng như tàu hộ tống đều được trang bị hệ thống tác chiến điện tử để đánh lừa cảm biến và phá vỡ liên kết chỉ huy của tên lửa đang áp sát.

Ngoài ra những tàu khu trục hộ tống có trong trang bị nhiều loại tên lửa phòng không tối tân, được thiết kế để bắn hạ tên lửa chống hạm bay sát biển hay từ trên cao lao xuống với tốc độ lớn, bao gồm tất cả các loại mà lực lượng Houthi có trong biên chế.

Vấn đề có đôi chút phức tạp khi tàu sân bay hoạt động ở vùng ven bờ như Biển Đỏ, nhưng hầu hết mối đe dọa vẫn đến từ trên không, đó là tên lửa và máy bay không người lái được phóng đi cách đó hàng chục km, hoặc xa hơn.

Để AUG duy trì được lợi thế, mới đây Hải quân Mỹ và Tập đoàn Lockheed Martin đã thành công trong việc cập nhật phần mềm điều khiển hỏa lực trên các tàu khu trục lớp Arleigh Burke được triển khai trong khu vực kể từ mùa thu năm ngoái.

Trong trường hợp một mối đe dọa vượt qua được lớp lá chắn đầu tiên là tên lửa phòng không tầm xa thì sẽ luôn có những hệ thống phòng thủ khác ở vòng trong sẵn sàng đánh chặn.

Vào ngày 30/1/2024, một tên lửa hành trình chống hạm của Houthi đã bay tới cách tàu khu trục lớp Arleigh Burke mang tên USS Gravely (DDG-107) của Hải quân Mỹ chỉ khoảng 1 hải lý.

Lập tức hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx (CIWS) đã bắn hạ tên lửa, đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc xung đột - tổ hợp vũ khí được mô tả là "tuyến phòng thủ cuối cùng" của Hải quân Mỹ lập chiến công.

Thậm chí ngay cả khi bắn trúng, một tên lửa đơn lẻ cũng chẳng thể đánh chìm tàu sân bay, bởi hàng không mẫu hạm được thiết kế với khả năng chịu thiệt hại đáng kể mà vẫn hoạt động bình thường.

Cuối cùng, đội ngũ thủy thủ vận hành tàu chiến của Hải quân Mỹ có trình độ chuyên môn rất cao, họ được huấn luyện kỹ lưỡng để đẩy lui mọi nguy cơ từ nhỏ tới lớn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tau-san-bay-my-la-muc-tieu-qua-kho-doi-voi-ten-lua-cua-luc-luong-houthi-post571661.antd