Tàu lặn Titan đã bị nổ thảm khốc như thế nào?

Theo Tuần duyên Mỹ, từ các mảnh vỡ của xác tàu lặn Titan có thể thấy con tàu đã bị nổ thảm khốc, khiến 5 người có mặt trên tàu thiệt mạng.

Tại cuộc họp báo ở TP Boston, bang Massachusetts ngày 22/6, Chuẩn đô đốc lực lượng Tuần duyên Mỹ John Mauger cho biết, các mảnh vỡ của tàu lặn Titan cho thấy con tàu đã bị nổ rất mạnh.

Trong số các mảnh vỡ, có năm mảnh lớn bao gồm phần chóp đuôi hình nón, phần trước/sau của buồng áp suất.

Theo AFP, nếu xét áp lực nước cực mạnh đủ sức nghiền nát mọi thứ ở dưới đáy đại dương thì khả năng vụ nổ thảm khốc phá hủy tàu Titan đã xảy ra với lực cực lớn và tốc độ nhanh, thậm chí chỉ trong vài mili giây.

Tàu lặn Titan của công ty OceanGate (Ảnh: AFP)

Theo thiết kế, Titan là tàu lặn làm từ sợi carbon có thể lặn xuống 4.000m dưới mặt nước biển.

Ông Stefan Williams – Giáo sư về robot dưới biển, công tác tại Đại học Sydney lý giải, ở độ sâu nơi có xác tàu Titanic (khoảng 3.800m dưới mặt nước biển), áp suất cao hơn 380 – 400 lần so với áp suất không khí trên bề mặt.

Nếu xảy ra lỗi hoặc vấn đề trên thân Titan sẽ dẫn đến vụ nổ mạnh vì lúc này phương tiện đã phải chịu áp suất rất cao của biển sâu.

Chia sẻ với Đài ABC News, nhà hải dương học Bob Ballard cho biết, tàu lặn xảy ra nổ sẽ tạo lực rất lớn. "Vụ nổ xảy ra và xé nhỏ mọi thứ theo đúng nghĩa đen. Nó cực kỳ mạnh!” ông Ballard nhấn mạnh.

Ở trên bề mặt mực nước biển, áp suất không khí ở mức 14,7 psi (tương đương 1,03 kg/cm2). Trong khi đó, ở độ sâu nơi xác tàu Titanic nằm (khoảng 3.800m dưới đáy Bắc Đại Tây Dương), áp suất nước tương đương 6.000 psi (khoảng 420 kg/cm2), lớn hơn cú đớp của một con cá mập trắng cỡ lớn với lực tương đương 4.000 psi.

Theo hãng tin AFP, khi chịu áp lực lớn từ áp suất nước ở đáy đại dương, tàu lặn có thể bị phá hủy chỉ trong mili giây, khiến cả 5 hành khách thiệt mạng gần như tức khắc.

Giải thích thêm, Giáo sư Roderick Smith công tác tại trường Cao đẳng Imperial (London, Anh) cho rằng tai nạn có thể xảy ra do thân tàu có vấn đề.

Ông nhấn mạnh, để xác minh được nguyên nhân vụ việc, lực lượng chức năng cần thu thập các mảnh vỡ để điều tra toàn diện nhưng vụ nổ dưới đáy biển có sức công phá mạnh khiến con tàu bị vỡ thành nhiều mảnh chắc chắn sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Theo AFP, trên trang web chính thức, công ty OceanGate (có trụ sở tại bang Washington, Mỹ) - đơn vị sở hữu và chế tạo tàu lặn Titan khẳng định tàu đủ khả năng chịu áp suất nước tại khu vực đáy biển nơi có xác tàu Titanic. Trước đây, tàu Titan thực hiện nhiều chuyến tham quan xác tàu Titanic.

Tuy nhiên, không ít lần, các chuyên gia thuộc ngành công nghiệp tàu lặn đã bày tỏ quan ngại về mức độ an toàn của tàu lặn Titan.

Điển hình, trong vụ kiện cách đây 5 năm, ông David Lochridge - cựu Giám đốc vận hành hàng hải của OceanGate cáo buộc công ty đã sa thải ông vào tháng 1/2018 khi ông nêu quan ngại về vấn đề an toàn trong thiết kế tàu lặn Titan.

Một trong những quan ngại về vấn đề an toàn, kiểm soát chất lượng tàu Titan do ông Lochridge đưa ra bao gồm việc OceanGate từ chối tiến hành một loại kiểm tra đặc biệt đối với thiết kế vỏ thân tàu.

Hoàng Anh (Theo AFP)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tau-lan-titan-da-bi-no-tham-khoc-nhu-the-nao-d594985.html