Tắt sóng di động 2G: Phải đảm bảo quyền lợi người sử dụng

Để tiến tới tắt sóng 2G, Bộ TT-TT đã đưa ra Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất. Theo đó, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Một số nhà mạng cũng đã tiến hành tắt dần các trạm phát sóng 2G ở những nơi đã phủ sóng 3G, 4G tốt, nhu cầu về 2G ít.

Tháng 9-2024: Dừng phát sóng trên toàn quốc

Trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, Bộ TT-TT vừa có công văn định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9-2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G trên toàn quốc. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Bộ TT-TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp di động căn cứ định hướng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Cụ thể, phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) 4G, 5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G; kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho biết, giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai công nghệ 2G sẽ hết hạn vào tháng 9-2024. Bộ TT-TT sẽ quy hoạch lại và các băng tần 1800MHz, 1900MHz tới đây sẽ không còn phục vụ cho máy công nghệ 2G. Từ năm 2020, Bộ TT-TT đã có thông tư quy định việc không nhập khẩu máy công nghệ 2G vào Việt Nam.

“Hiện Bộ TT-TT đang đề nghị Sở TT-TT các tỉnh thành thanh tra, kiểm tra xem trên thị trường còn tình trạng nhập không chính thức các máy 2G hay không. Nếu còn, chúng ta sẽ xử lý để đảm bảo đến tháng 9-2024, khi giấy phép tần số cấp cho mạng 2G hết hạn, sẽ không còn máy công nghệ 2G”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, số địa phương có tỷ lệ thuê bao điện thoại thông minh (smartphone) cao hơn 80% là 25 địa phương; 38 địa phương còn lại có tỷ lệ dưới 80%. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế tại Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Cục Viễn thông đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng smartphone tại các địa phương để thúc đẩy kinh tế số.

Trong đó, chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao điện thoại công nghệ cũ 2G, 3G sang smartphone và tăng cường hỗ trợ chuyển đổi các smartphone hoạt động trên mạng. Đồng thời, cùng với việc kiểm tra nhập khẩu, lưu thông các máy điện thoại công nghệ 2G, 3G, Bộ TT-TT sẽ chỉ đạo nhà mạng ngăn chặn máy 2G, 3G (không tuân thủ Quy chuẩn QCVN 117:2020/BTTTT) kết nối vào mạng viễn thông di động và triển khai các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

Còn 23,1 triệu thuê bao đang sử dụng sóng 2G

Theo Bộ TT-TT, đến tháng 5-2023, cả nước có khoảng 123,26 triệu thuê bao điện thoại di động. Trong đó, thuê bao sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 101 triệu thuê bao, tăng 8,72% so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng 8,1 triệu thuê bao; thuê bao điện thoại cơ bản (hay còn gọi là 2G) là 22,26 triệu. Nhưng đến tháng 9-2023, thuê bao sử dụng điện thoại 2G trên cả nước là 23,1 triệu. Theo một số nhà mạng, có một lượng khá lớn là số đẹp được kích hoạt, do các đại lý, người đầu cơ “nuôi SIM” để chờ bán lại với giá có lợi.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, chu kỳ sử dụng của một thiết bị đầu cuối là khoảng 3 năm. Kể từ năm 2020, Bộ TT-TT đã ra quy định cấm nhập khẩu máy công nghệ 2G, còn các máy nhập vào thị trường Việt Nam hiện nay là theo đường tiểu ngạch. Như vậy, các máy 2G tại Việt Nam đang ở vào cuối của chu kỳ sử dụng, khi máy hỏng sẽ được người dùng thay thế.

Cửa hàng bán điện thoại ở quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về vấn đề hỗ trợ người dùng điện thoại công nghệ 2G chuyển đổi sang smartphone, các nhà mạng viễn thông đang xây dựng các chính sách hỗ trợ người dùng khi dừng sóng 2G, tập trung vào hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước sử dụng để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone.

“Chắc chắn về nguyên tắc sẽ không để người dân bị mất liên lạc, các nhà mạng đều có chính sách hỗ trợ chuyển đổi”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Các nhà mạng cũng bắt đầu rục rịch chuyển đổi bằng cách hỗ trợ thuê bao 2G chuyển lên dùng các mạng 4G như: Viettel đã triển khai trợ giá thiết bị di động, tặng gói cước khuyến mãi; VNPT VinaPhone đã chủ động kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu công tác vận hành, khai thác mạng lưới từ năm 2021 (đến thời điểm này, VNPT đã thực hiện tắt được gần 2.000 trạm 2G, đồng thời hỗ trợ 1,9 triệu thuê bao chuyển đổi từ công nghệ 2G sang 3G, 4G); MobiFone triển khai chương trình hỗ trợ giá kèm gói ưu đãi data cho khách hàng đang sử dụng điện thoại 2G chuyển sang dùng điện thoại 4G áp dụng tại khu vực TPHCM.

Để bảo đảm quyền lợi và hỗ trợ người dân chuyển sang smartphone công nghệ 4G, 5G, Bộ TT-TT cũng đã triển khai chính sách đối với người sử dụng ở vùng sâu, vùng xa, những đối tượng được sử dụng dịch vụ viễn thông công ích khi tắt sóng 2G. Cụ thể, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ một máy tính bảng hoặc một phần chi phí trang bị smartphone để sử dụng sóng 4G.

Cục Viễn thông đã đề xuất trong kế hoạch của các nhà mạng viễn thông di động có chính sách hỗ trợ như hỗ trợ chi phí máy smartphone (có thể lên tới 50% giá); chính sách cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để đảm bảo quyền lợi và thay đổi thói quen sử dụng của người dân là điều cần phải tính toán chu đáo. Bởi theo phản ánh của một số nhà mạng, nhiều khách hàng đã được hỗ trợ điện thoại 4G, thậm chí smartphone nhưng chỉ dùng vài ngày rồi lại quay về với điện thoại thế hệ cũ vì “dùng quen rồi” và “không có nhu cầu khác”.

Thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số

Mạng viễn thông 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Những năm qua, các lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn SMS thời gian qua. Không chỉ vậy, việc tồn tại các băng tần viễn thông 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai công nghệ mới, kết nối mạnh mẽ hơn như 4G/5G. Do đó, việc tắt sóng 2G là cần thiết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giữa việc tắt sóng 2G/3G, thì việc tắt sóng 3G dễ thực hiện hơn nhiều. Về bản chất, 4G giống 3G về việc kết nối dữ liệu (data), khi đã dùng smartphone và chuyển từ 3G lên 4G là đương nhiên, không có vướng mắc nào. Vì lẽ đó, các nhà mạng như Viettel, VNPT VinaPhone đã “lặng lẽ” tắt sóng 3G ở những khu vực đã phủ sóng 4G tốt. Việc này diễn ra không gặp phải khó khăn, được người dùng ủng hộ. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành cũng đã tiến hành thử nghiệm tắt mạng 2G, 3G như: Lạng Sơn, TPHCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế...

Theo các doanh nghiệp viễn thông, với nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động 5G, việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ như 2G, 3G, 4G đồng thời sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, có nước tắt sóng mạng 2G trước song có nước tắt sóng mạng 3G trước.

Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G trước để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt, nhằm phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.

TRẦN BÌNH - BÁ TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tat-song-di-dong-2g-phai-dam-bao-quyen-loi-nguoi-su-dung-post711361.html