Tát giáo viên và những trào lưu TikTok độc hại xâm chiếm trường học

Loạt trào lưu độc hại khiến trường học bị phá hủy, giáo viên bị đánh lén. Nhiều học sinh khác không dám đến trường vì bạn quấy rối, xúc phạm.

Bà Dana Perez, Phó hiệu trưởng trường THCS Rogers Park (bang Connecticut, Mỹ), đang phải vật lộn để đối phó với những trào lưu TikTok độc hại diễn ra ở trường học.

Vừa qua, bà nhận email từ học khu cảnh báo việc nhiều trẻ đau bụng, nôn mửa sau khi ăn snack siêu cay để quay clip đăng lên TikTok. Tình trạng này cũng đang xảy ra ngay tại nơi bà Perez đang làm việc.

Theo Education Week, trào lưu này được gọi là "One Chip Challenge". Người tham gia thử thách sẽ ăn Pacqui, loại snack được quảng cáo là "ngon nhất thế giới".

Dù bao bì sản phẩm in hình đầu lâu và kèm dòng cảnh báo "đây là loại snack không dành cho những người có sức khỏe yếu, không phải ai cũng ăn được", nhiều trẻ vẫn đánh liều ăn để quay clip.

Không ít học sinh ở Mỹ sau khi ăn xong sản phẩm này đã phải đến phòng y tế, thậm chí nhập viện.

 Học sinh nhập viện sau khi tham gia One Chip Challenge. Ảnh: New York Post.

Học sinh nhập viện sau khi tham gia One Chip Challenge. Ảnh: New York Post.

Trong giờ ăn trưa, phó hiệu trưởng đã phải phát thông báo đến toàn thể học sinh để cảnh báo các em không được tham gia thử thách này.

"Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra. Các em đừng làm điều tương tự. Cô không muốn chứng kiến việc này thêm một lần nào nữa", cô giáo nói.

Thử thách đập đồ, đánh người

Đây không phải lần đầu tiên bà Dana Perez phải đứng ra giải quyết "bãi chiến trường" do những trào lưu trên TikTok gây ra. Trước đó, vào năm 2021, bà đã phải kêu gọi, cảnh báo học sinh không được ăn cắp tài sản của nhà trường để bắt chước trào lưu "Devious Licks Challenge" trên nền tảng này.

Theo Today, "Devious Licks Challenge" ra đời vào giữa tháng 9/2021, khi một người dùng TikTok đăng clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh ngồi trên băng ghế vừa ăn trộm được.

Clip thu hút 3,8 triệu lượt xem và dần lan rộng trong các trường học như một thử thách để câu view, câu like. Không chỉ ăn trộm đồ, trào lưu này khuyến khích người tham gia đập phá đồ đạc ở trường như một cách để "biểu tình".

Trường Trung học Dougherty Valley (bang California) và trường THCS Swartz Creek (bang Michigan) là nạn nhân của trào lưu này. Nhà vệ sinh của 2 trường bị hư hại nặng nề do học sinh đập phá để quay clip. Thậm chí, trường Trung học Dougherty Valley phải đóng cửa nhà vệ sinh do học sinh đập vỡ gương và làm bồn cầu bị tắc.

Trong khi đó, trường THCS Swartz Creek phải gửi cảnh báo đến phụ huynh. Trường tuyên bố sẽ đình chỉ những học sinh tham gia trò chơi phá hoại này hoặc có thể kiện ra tòa với tội danh cố ý phá hoại tài sản.

 Nhà vệ sinh trường học bị phá hủy vì học sinh tham gia thử thách để đăng lên TikTok. Ảnh: NEISD.

Nhà vệ sinh trường học bị phá hủy vì học sinh tham gia thử thách để đăng lên TikTok. Ảnh: NEISD.

Sau đó một tháng, học sinh Mỹ lại chạy theo một thử thách gọi là "Slap Your Teacher Challenge". Theo đó, người thực hiện thử thách (là các học sinh) sẽ đánh lén thật mạnh vào đầu, lưng giáo viên. Trào lưu này còn biến tướng bằng cách đổi đối tượng bị đánh từ giáo viên thành các nhân viên trong trường.

Theo WDSU, một học sinh 18 tuổi ở bang Louisiana bị bắt và đối mặt với cáo buộc hành hung giáo viên. Em này đã đánh một giáo viên khuyết tật 64 tuổi trong trường để quay clip và đăng lên TikTok.

Tương tự, một học sinh THCS ở Massachusetts bị kỷ luật vì tham gia thử thách tát giáo viên. Cảnh sát thành phố Braintree nói với USA Today rằng những hành vi hành hung giáo viên để quay clip có thể bị kỷ luật, nặng hơn là đuổi học.

Trước đó, vào tháng 5/2021, "Guess Who Challenge" cũng khiến nhiều học sinh khốn đốn trước trò đùa của bạn bè ở trường. Thử thách này yêu cầu người dùng sử dụng những tài khoản ẩn danh để đăng gợi ý về người khác rồi yêu cầu người xem đoán tên, tag người đó vào.

Trào lưu này bị cho là hành vi quấy rối, xúc phạm người khác vì người đăng clip sử dụng những từ ngữ mô tả như "mũi to", "răng xấu", "thừa cân", "mắc bệnh vùng kín"...

Bất chấp việc nhiều học sinh phản ánh các em không dám đến trường vì bị bạn bè trêu chọc thông qua thử thách "Guess Who", TikTok vẫn cho rằng những clip này không vi phạm điều khoản sử dụng nền tảng đặt ra. Chỉ đến khi các lãnh đạo trường học và các nhà giáo dục đồng loạt lên án, TikTok mới chịu xem xét tình hình và bắt đầu gỡ bỏ chúng.

Thực hiện thử thách để không "lạc loài"

Theo các nhà giáo dục, việc trẻ điên cuồng tham gia những thử thách trên TikTok không phải điều bất ngờ. Thanh thiếu niên luôn là những người ưa mạo hiểm, dễ bị bạn bè gây áp lực và sợ bị lạc loài.

Khi sử dụng nền tảng này, các em bắt đầu xuất hiện kiểu sĩ diện hão là để ý xem clip mình đăng nhận được bao nhiêu lượt xem, bao nhiêu lượt thích và bao nhiêu lượt chia sẻ. Lượt tương tác càng lớn, vị thế của các em trong nhóm bạn cũng càng cao.

Ông Brian Fleischman, Hiệu trưởng trường Công lập Overton (bang Nebraska), nhận định "áp lực bạn bè" đã có từ lâu, chỉ là nó tồn tại ở những thể loại khác nhau. Thầy hiệu trưởng nhớ lại ngày xưa, khi ông còn là học sinh, áp lực của những chàng trai trẻ như ông là phải đua theo bạn bè uống rượu.

"Bây giờ, áp lực của lũ trẻ là phải làm những điều điên rồ trên mạng xã hội cho bằng bạn bằng bè", ông Fleischman nói.

 Trẻ tham gia thử thách TikTok để khẳng định vị trí của bản thân với nhóm bạn. Ảnh: Education Week.

Trẻ tham gia thử thách TikTok để khẳng định vị trí của bản thân với nhóm bạn. Ảnh: Education Week.

Bà Christine Elgersma, người chuyên nghiên cứu tác động của công nghệ đối với trẻ em, cho biết những thử thách trên TikTok bắt đầu lan truyền đến trường học kể từ năm học 2021.

Bà cho rằng những thử thách này có thể đang phản ánh sự tức giận của trẻ vì các em phải quay trở lại trường sau một thời gian dài học online tại nhà.

Các nhà giáo dục có thể tìm hiểu những trào lưu này để ngăn chặn, nhưng đôi khi, mọi việc vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Bà Elgersma nói những thử thách này xuất hiện trên TikTok nhanh đến mức bà không biết gì về chúng.

Đừng phán xét trẻ

Bà Christine Elgersma khuyên các nhà giáo dục nên trao đổi với trẻ về những thử thách trên TikTok thay vì phán xét hành vi của các em. Thầy cô cũng nên tránh việc "dạy đời" học sinh, mà hãy thay bằng việc tiếp cận suy nghĩ của trẻ bằng cách đặt câu hỏi.

Nhà nghiên cứu gợi ý thầy cô nên sử dụng sự tò mò của bản thân để khuyến khích trẻ nói ra vì sao những thử thách này lại thu hút. Bên cạnh đó, người lớn hãy để trẻ nói về những áp lực các em đang gặp phải khi phải "đua" với bạn bè.

Khi trẻ vướng vào một thử thách độc hại, điều đầu tiên nhà trường nên làm không phải là kỷ luật hay cố ngăn chặn các hành vi. Điều này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng người lớn chỉ là những người lạc hậu và không thấu hiểu các em.

Bà Elgersma đề xuất một số câu hỏi để thầy cô cùng trẻ nói về những thử thách, ví dụ: Vì sao em lại biết đến thử thách này, vì sao em nghĩ những thử thách này sẽ phổ biến dù biết rằng nó không thực sự có ích. Việc đặt câu hỏi như vậy giúp người lớn tạo dựng lòng tin cho trẻ, để các em dễ chia sẻ hơn.

Bên cạnh việc trò chuyện với trẻ, nhà trường cũng nên đề cập việc này với phụ huynh. Bà Anuradha Ebbe, Phó giám đốc học khu Madison Metropolitan (bang Wisconsin), cho biết học khu luôn phối hợp với gia đình để xử lý những việc này.

Để cha mẹ trao đổi với con là một giải pháp thông minh, nhưng việc lựa chọn từ ngữ khi thông báo với họ cũng là một yếu tố quan trọng. Nhà trường không nên làm ầm chuyện hay thông báo cho gia đình theo kiểu "cảnh báo".

Thay vào đó, nhà trường chỉ nên nói rằng trường đang xảy ra điều gì đó, đồng thời đề nghị họ nói chuyện với con. Cuộc trò chuyện nên bắt đầu bằng việc hỏi con xem bạn của con có tham gia thử thách hay không. Cha mẹ không nên hỏi trực tiếp là con có tham gia hay không. Loại câu hỏi này sẽ khiến trẻ khó trả lời hoặc không muốn trả lời.

Đừng cấm trẻ dùng điện thoại

Một số trường ở Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm điện thoại như một cách để ngăn chặn những trào lưu độc hại trên TikTok. Trường THCS Rogers Park của bà Dana Perez cũng vừa cấm học sinh mang điện thoại đến trường.

Phó hiệu trưởng nói rằng kể từ khi áp dụng lệnh cấm, làn sóng thử thách trên TikTok dường như đã "chết" ở trường. Học sinh cũng bắt đầu dần quen với việc đi học không có điện thoại.

Lệnh cấm không phải một thách thức, nhưng học sinh vẫn gặp một số khó khăn vì không có phương thức trao đổi, liên lạc với nhau khi ở trong khuôn viên trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc cấm trẻ dùng điện thoại ở trường sẽ gây ra nhiều chuyện phức tạp. Họ khuyến nghị nhà trường nên cho trẻ dùng điện thoại ở lớp và đặt giới hạn để các em sử dụng theo cách hợp lý nhất.

Nhà nghiên cứu Christine Elgersma cũng tin rằng việc cấm dùng điện thoại không hiệu quả. Lệnh cấm sẽ ngăn được việc trẻ tham gia thử thách khi ở trường, nhưng không thể ngăn được việc các em thực hiện thử thách ở nơi khác.

"Trẻ sẽ lại dùng điện thoại khi về nhà. Vì thế, tôi nghĩ rằng tốt nhất chúng ta nên dạy các em sử dụng điện thoại đúng cách thay vì cấm đoán", bà Christine Elgersma đề xuất.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tat-giao-vien-va-nhung-trao-luu-tiktok-doc-hai-xam-chiem-truong-hoc-post1365057.html