Tất cả quận, huyện ở TP.HCM đề nghị công bố kiểm soát được dịch

Tính đến 11/10, TP.HCM ghi nhận hơn 410.000 ca nhiễm nCoV. Thành phố từng bước mở cửa trở lại sau khi trải qua hơn 120 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ.

Chiều 11/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo định kỳ đánh giá tình hình dịch tại TP.HCM sau 11 ngày áp dụng Chỉ thị 18.

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết đến nay, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, phục hồi hoạt động sản xuất.

Công tác an sinh được triển khai đến đông đảo người dân. Công tác phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả.

 Ông Phạm Đức Hải. Ảnh: Ngọc Tân.

Ông Phạm Đức Hải. Ảnh: Ngọc Tân.

Ngày 7/10, TP có 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát dịch. Đến 8/10 có thêm huyện Bình Chánh được đề nghị. Đến nay, TP có thêm quận Bình Tân được đề nghị công bố kiểm soát dịch.

Như vậy, tính đến 11/10, toàn bộ đơn vị hành chính cấp huyện ở TP.HCM đã đề nghị công bố kiểm soát được dịch theo quy định 3979 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, ông Hải cho biết thành phố còn 3 hạn chế là một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm. Cụ thể là vi phạm 5K, tụ tập đông người, giữ khoảng cách chưa nghiêm, nhiều người không đeo khẩu trang. Số doanh nghiệp hoạt động lại chưa nhiều. Tình hình đi lại của người dân từ TP đến các tỉnh khó khăn.

Chưa có chủ trương mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết thời gian qua loại hình dịch vụ nào đủ điều kiện thì đã được mở lại, loại hình khả năng gây ra nhiều rủi ro thì phải cân nhắc.

“Ăn uống tại chỗ là tụ tập đông người nên chưa có chủ trương mở lại. Trên bình diện chung, TP xét thấy là chưa nên mở”, ông Phương chia sẻ.

 TP.HCM chưa tính đến việc cho phép nhà hàng bán tại chỗ. Ảnh: Phương Lâm.

TP.HCM chưa tính đến việc cho phép nhà hàng bán tại chỗ. Ảnh: Phương Lâm.

Các loại dịch vụ sẽ do từng sở, ngành liên quan phụ trách, riêng việc ăn uống do Ban quản lý An toàn thực phẩm phụ trách. Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp.

Gói hỗ trợ đợt 3 đã đến tay hơn 3,7 triệu người

Trả lời câu hỏi của Zing về tiến độ chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết đến nay, số lượng chi trả đợt 3 đến tay hơn 3,7 triệu người.

“Con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng giờ đối với 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Với tiến độ này, chắc chắn đến ngày 15/10, các đơn vị sẽ hoàn thành chi trả theo chỉ đạo của TP”, ông Lâm cho hay.

Ngoài ra, ông Lâm cho biết việc vận hành chi trả qua ứng dụng theo công văn của UBND TP đến nay thuận lợi và chưa có vấn đề phát sinh. Tuy nhiên về mặt công nghệ, do hạ tầng cùng lúc có hơn 1 triệu người truy cập nên nghẽn mạch. Các tổ chi trả của khu phố chậm hơn so với tiến độ; các vùng xa trung tâm mất nhiều thời gian hơn.

Theo ông Lâm, việc phát chi trả cho người dân được ký vào 29/9, phường 12 quận 3 là địa phương đầu tiên thực hiện. Các quận, huyện đều phải rà soát trước. Đến nay, 6 đơn vị đạt trên 90% là Phú Nhuận (96,3%), còn lại trên 90%.

Trả lời việc phường An Phú (TP Thủ Đức) kêu gọi người thật sự khó khăn mới nên đăng ký nhận hỗ trợ, vậy khái niệm “thật sự khó khăn” nên được hiểu thế nào, ông Lâm cho biết theo công văn 3181, có 3 nguyên tắc để xem xét chi trả hỗ trợ. Một là rà soát đảm bảo chi đủ, đúng, không trùng lắp, không phân biệt thường trú hay tạm trú. Thứ hai là công khai minh bạch, không trục lợi cá nhân. Thứ ba là phát huy tối đa nguồn lực.

“Như vậy, chúng ta thấy rằng hoàn cảnh thật sự khó khăn là hỗ trợ cho người có hoàn cảnh thực sự khó khăn do dịch Covid-19, do mất việc làm, giảm thu nhập. Những người này sẽ được công khai ở tổ khu phố, dân phố phê duyệt”, ông Lâm lý giải.

Không được từ chối người mắc Covid-19 đến khám chữa bệnh

Với câu hỏi cơ chế thanh toán, điều trị Covid-19 của bệnh viện tư nhân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết Sở đã có văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính của cơ sở y tế tư nhân điều trị Covid-19. Theo đó, Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị Covid-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.

Cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc Covid-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị Covid-19. Chi phí tiện ích ngoài quy định thì được thu thêm nhưng phải đúng giá đã niêm yết.

Về câu hỏi nhân lực y tế phục vụ khám chữa bệnh có bị thiếu không khi nhiều bệnh viện chuyển công năng sang điều tri Covid-19, bà Mai cho biết 3 bệnh viện dã chiến (13, 14, 16) sẽ phải giữ lại để sẵn sàng các tình huống. Đồng thời, TP cũng tiếp nhận các trung tâm hồi sức Covid-19 sau khi lực lượng chi viện rút. Theo tinh thần đó, Sở Y tế đã phân công các bệnh viện có thể tiếp nhận, đảm đương như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.

Chiến lược xét nghiệm có quá khắt khe?

Trả lời câu hỏi về chiến lược xét nghiệm hiện nay có quá khắt khe (7 ngày/lần hoặc một số hoạt động là 72 giờ), ông Nguyễn Hồng Tâm (Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM - HCDC) cho biết hiện thành phố áp dụng theo chiến lược và quy định cụ thể, từng đối tượng trong xã hội.

Ví dụ, ở trường học, sân bay, doanh trại, lực lượng tiếp xúc nhiều người như shipper sẽ có từng quy định xét nghiệm khác nhau. Trong đó, quy định với lực lượng shipper có phần nghiêm ngặt hơn.

Theo ông Tâm, về nguyên tắc y khoa, việc tiêm chủng đủ chỉ giúp người tiêm giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh chứ không bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh. Do đó, chiến lược này có thể xem là phù hợp với tình hình hiện nay.

Về câu hỏi ngành y tế có cách nào giảm tải chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp, ông Tâm cho biết theo quy định, sẽ có trường hợp cho phép làm mẫu gộp và có trường hợp làm test nhanh kháng nguyên. Các đơn vị có thể căn cứ theo quy định để làm xét nghiệm dạng gộp hay test nhanh để tiết kiệm chi phí.

Về vấn đề người dân bị bỏ lỡ mũi tiêm chủng mở rộng trong đợt dịch bùng phát vừa qua, ông Tâm cho biết trong thời gian cao điểm dịch, hoạt động này có phần nào gián đoạn. Riêng mũi lao và viêm gan siêu vi B đối với trẻ sơ sinh vẫn được triển khai.

“Hiện nay tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã ổn định, chúng ta có thể đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng trở lại. Khi đưa trẻ đi tiêm cần thực hiện nghiêm quy định 5K, nắm bắt thông tin từ địa phương”, ông Tâm nói.

Hơn 800 người dân ở TP.HCM đăng ký về quê từ 15/10

Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết theo thống kê từ đường dây nóng của Bộ Tư lệnh TP, tính đến 11/10, đơn vị tiếp nhận 506 cuộc gọi, ghi nhận 843 người dân trên địa bàn đăng ký về quê tại 50 tỉnh, thành. Bộ Tư lệnh TP đã phối hợp chính quyền các địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và các sở, ngành để trong thời gian tới đưa bà con về quê theo chương trình, dự kiến từ 15/10.

“Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận, nhân viên tổng đài của Bộ Tư lệnh TP có hỏi thăm để phối hợp địa phương hỗ trợ gói an sinh cho bà con. Việc này nhằm giúp bà con yên tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian chờ về quê”, thượng tá Phong nói.

Hơn 63% người trên 50 tuổi đã tiêm mũi 2

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến 6h sáng nay, TP có hơn 410.100 ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố.

Số F0 đang cách ly điều trị tại nhà là trên 17.800 người. Số đang cách ly tại cơ sở cách ly tập trung hơn 7.300 người. Số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 906. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 tính đến nay gần 15.200. Số trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm đang điều trị hơn 1.100; số phụ nữ mang thai đang điều trị là 119 người.

Số ca xuất viện trong ngày hơn 1.900, tổng số ca xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay hơn 232.900 người. Số ca tử vong trong ngày là 73.

Từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết 10/10, thành phố đã tiêm được 12.288.283 mũi, trong đó 5.069.498 người tiêm mũi 2.

Tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi là 98,02%. Tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi là 72,4%. Người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là 75,95%; người trên 50 tuổi được tiêm 2 mũi là 63,83%. Số người được tiêm vaccine Vero Cell là 3.078.001.

TP.HCM nới lỏng giãn cách từ 1/10. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, dịch vụ y tế, kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế được phép hoạt động trở lại.

Sở Y tế xây dựng lộ trình thu hẹp, giải thể, chuyển đổi công năng, hoặc biến đổi hơn 80 bệnh viện tại tầng 1 và 2 của tháp điều trị Covid-19 ba tầng, giữ lại 10 trung tâm hồi sức ở tầng 3 để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân nặng.

Thư Trần - Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tat-ca-quan-huyen-o-tphcm-de-nghi-cong-bo-kiem-soat-duoc-dich-post1269982.html