'Tất cả các loại thuốc lá, bao gồm thuốc lá điện tử, nung nóng đều có hại'

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo tất cả các loại thuốc lá, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại. Theo WHO, chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường.

Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại cuộc họp báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì.

Bọ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì cuộc hop.

Nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã xảy ra trên cả nước

Báo cáo tại cuộc họp, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp: truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá lai giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (gọi chung là thuốc lá mới); bắt giữ, tiêu hủy, xử lý hình sự, hành chính hành vi buôn lậu, buôn bán thuốc lá mới không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ...

Tuy nhiên nhưng tình trạng mua bán thuốc lá mới vẫn đang diễn ra ngày càng trở lên phổ biến, tỷ lệ người hút thuốc lá mới tăng cao trong thời gian ngắn, đặc biệt đối tượng là thanh thiếu niên học sinh, có cả trẻ em gái và nghiêm trọng là có nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã xảy ra trên cả nước.

Tại cuộc họp các chuyên gia cho rằng hút thuốc lá thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe và kinh tế chưa được giải quyết xong. Nếu cho phép thuốc lá mới với thành phần nicotin, các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian.

Thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết tình trạng mua bán thuốc lá mới vẫn đang diễn ra ngày càng trở lên phổ biến, tỷ lệ người hút thuốc lá mới tăng cao trong thời gian ngắn, đặc biệt đối tượng là thanh thiếu niên học sinh, có cả trẻ em gái và nghiêm trọng là có nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã xảy ra trên cả nước.

Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Điều tra ở Mỹ cho thấy 30.6% thanh thiếu niên (lớp 6-12) sử dụng thuốc lá điện tử đã từng phối trộn chất ma túy từ cây cannabis với dung dịch điện tử

Ở nước ta, theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử đã được ghi nhận ở Trung tâm chống độc và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Bao nhiêu quốc gia, vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?

Bà Thủy cho biết theo báo cáo của Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids, Hoa Kỳ (CTFK), hiện nay đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử.

88 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử (trong đó có 27 quốc gia thuộc khối liên minh Châu Âu). Việc quản lý được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC).

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc khu vực ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Brunei).

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử đã được ghi nhận ở Trung tâm chống độc.

Không có quốc gia nào bán thuốc lá nung nóng dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị.

71 quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu). Việc quản lý có sử dụng các biện pháp phòng ngừa là khác nhau.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm, việc quyết định các biện pháp thực thi để quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý của từng quốc gia.

Các nước áp dụng biện pháp cấm khi các biện pháp WHO FCTC chưa được thực hiện tốt, tỉ lệ hút thuốc lá vẫn còn cao, hạn chế về nguồn lực quản lý và thực thi pháp luật. Nguyên tắc cẩn trọng: vẫn chưa chắc chắn cơ sở khoa học về nguy cơ tổng thể và lợi ích tiềm năng

Các nước áp dụng biện pháp quản lý như dược phẩm khi có hệ thống/quy trình phê duyệt thuốc/điều trị chặt chẽ. Có năng lực để quản lý và giám sát.

Các nước áp dụng biện pháp quản lý như thuốc lá điếu thông thường khi các biện pháp trong WHO FCTC đã được áp dụng chặt chẽ và các kết quả thực hiện đang được giám sát tốt và có cải thiện (tình hình sử dụng thuốc lá giảm và ở mức thấp). Có đủ nguồn lực để giám sát, ngăn ngừa và truyền thông về việc ngăn ngừa sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ và các nhóm dễ tổn thương.

Bà Phan Thị Hải – Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phát biểu.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh tại cuộc họp thông tin thực tế cho thấy cho tới nay chưa có quốc gia nào thành công trong việc dùng biện pháp quản lý để ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới trong giới trẻ. Kinh nghiệm nhiều nước như Mỹ, Canada, Georgia và Ba Lan…, cho thấy sau khi chuyển từ trạng thấy cấm hoặc không có quy định sang trạng thái hợp pháp hóa thì việc phân phối sẽ nở rộ và tỷ lệ sử dụng các sản này trong giới trẻ sẽ tăng cao rất nhanh chóng.

Để phù hợp với khuyến cáo của WHO, các nước trong khu vực, điều kiện kinh tế-xã hội và năng lực quản lý của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đều kiến nghị Bộ Y tế đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới.

Thuốc lá điện tử có phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường?

Theo WHO, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện".

Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá. Việc người dùng sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia.

Cụ thể, như ở Mỹ, bằng chứng cho thấy hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu truyền thống (CDC Hoa Kỳ). Khoảng 70% người dùng thuốc lá nung nóng ở Nhật Bản và 96,2% người dùng thuốc lá nung nóng ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời thuốc lá nung nóng với thuốc lá điếu truyền thống.

Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định: "Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường".

Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định: "Không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường". Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Không có bằng chứng khoa học của tuyên bố: "Thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá thông thường". Thông tin này được đưa trên cơ sở một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá và không đảm bảo cơ sở khoa học.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tat-ca-cac-loai-thuoc-la-bao-gom-thuoc-la-dien-tu-nung-nong-deu-co-hai-169240329080705446.htm