Tất bật làng nghề bánh tráng phơi sương những ngày cuối năm

Là sản phẩm có thương hiệu được nhiều người biết tới, hiện bánh tráng phơi sương vẫn được sản xuất theo quy trình thủ công, như nhiều năm trước.

Là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời hiếm hoi ở TP HCM vẫn đang thu hút nhiều hộ dân sản xuất, nghề làm bánh tráng phơi sương của người dân xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) mang nhiều nét đặc trưng có từ xa xưa.

Theo đó, người dân vẫn sử dụng quy trình sản xuất bánh tráng theo cách truyền thống, đem phơi trong sương sớm, trong nắng để tạo ra những sản bánh tráng đơn sơ nhưng mềm, dẻo, dai và rất mỏng, có thương hiệu lâu đời được nhiều người ưa chuộng. Những ngày cuối năm, người dân ở vùng ngoại ô TP HCM này đang tất bật đem phơi bánh tráng cho kịp những đơn hàng tăng cao. Được biết, ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa trong các chợ truyền thống, siêu thị hay chuỗi cửa hàng tiện ích, bánh tráng phơi sương ở đây còn đem đi xuất khẩu nhiều nước, chủ yếu là phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ngoài xã Phú Hòa Đông, chúng tôi nhận thấy nhiều hộ dân ở các xã khác như Tân Phú Trung, Phạm Văn Cội, An Nhơn Tây… người dân cũng sản xuất bánh tráng với quy mô nhỏ lẻ để bán.

Điểm khác biệt, bánh tráng phơi sương ở Củ Chi khác với bánh tráng một số nơi được nướng bằng than hoa khi sử dụng, bánh tráng này chỉ dùng để cuốn, cuộn đồ ăn.

Nằm cách trung tâm TP HCM chừng 50 cây, hàng ngàn giàn bánh tráng phơi sương, phơi nắng của người dân những ngày giáp Tết. (ảnh Đoàn Xá)

Bánh tráng phơi sương Củ Chi là nghề truyền thống lâu đời, tập trung chủ yếu ở xã Phú Hòa Đông.

Sau khi được tráng trên tấm phên lớn đan bằng tre nứa dài tới 3 mét, rộng chừng nửa mét, bánh tráng được phơi trong nắng.

Bánh thường phơi khoảng một ngày là đạt tiêu chuẩn. Sau đó được cắt nhỏ tùy theo kích cỡ rồi đóng gói.

Người dân phơi gạo để làm bánh tráng. Gạo thường ngâm trong nước, phơi khô rồi xay thành bột nước trước khi tráng bánh.

Mặc dù ánh nắng làm bánh khô nhưng người dân thường phơi bánh từ sáng sớm tinh mơ, khi trời còn sương sớm. Đây là đặc trưng làm nên thương hiệu của bánh tráng.

Bánh được phơi ở khắp nơi trong vùng ngoại thành Củ Chi.

Nơi phơi bánh là các khu đất trống, bãi đất có nhiều ánh nắng. Vì thế hầu hết các hộ sản xuất bánh phải ở vùng ngoại thành.

Do được đóng gói và bảo quản thời gian dài, bánh tráng phơi sương được xuất khẩu đi một số nước để tiêu thụ.

Những chiếc bánh tráng phơi sương trong ánh nắng cuối năm.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tat-bat-lang-nghe-banh-trang-phoi-suong-nhung-ngay-cuoi-nam-10270107.html