Tất bật chuẩn bị cho vụ hoa Tết

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, những người trồng hoa ở Tuyên Quang đang tất bật cho một vụ hoa Tết.

Đến phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) xen lẫn giữa vườn đào được tuốt lá là những luống hoa đang được gia chủ tích cực chăm sóc. Bà Mai Thị Thơm, tổ 8, phường Nông Tiến đang bỏ phân, tưới nước cho 6.000 cây cúc các loại cho biết, thời tiết năm nay lạnh khá sâu, bởi vậy người trồng hoa phải có kinh nghiệm để hoa nở rộ đúng thời điểm. Nhà bà trồng nhiều hoa cúc vì chăm sóc đơn giản, dễ bán, hoa tươi lâu, giá cả phải chăng hơn các loại hoa khác. Cây con được gia đình nhập từ vùng hoa Mê Linh (Hà Nội) với giá 250-350 đồng/cây. Hoa cúc trồng từ 2-3 tháng là được thu hoạch, nên thời điểm này cây hoa cúc đang ở giai đoạn chăm sóc. Ngày thường hoa cúc được bán với giá từ 3-7 nghìn đồng/cành, thì ngày Tết có thể lên đến 10-15 nghìn đồng/cành. Người nông dân trồng hoa nhằm vào vụ Tết vẫn là “ăn” nhất, bởi lượng hoa tiêu thụ trên thị trường rất lớn.

Người trồng hoa phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) chăm sóc vụ hoa tết.

Cách thành phố Tuyên Quang không xa, chúng tôi đến vùng trồng hoa làng Lý Nhân, thuộc xóm 14, xã Trung Môn (Yên Sơn). Đi trên con đường bê tông rộng rãi, khang trang, hai bên đường là những ruộng hoa đang được vun xới. Chủ vườn Phượng Trường đang chăm sóc 500 chậu hoa hồng cảnh khẳng định, gia đình chỉ chuyên tâm vào trồng hồng chậu. Những giống hoa hồng đẹp nhất ở miền Bắc được lựa chọn trồng vào chậu rồi chăm sóc, tạo thế cho cây hồng. Có thể trồng cùng một màu hoa hay xen các mầu cho phong phú, bắt mắt sinh động với giá từ 100 - 500 nghìn đồng/chậu, tùy độ đẹp.

Cách đó không xa là vườn hoa hồng đỏ 2.000 gốc của chị Phạm Thị Xuân, xóm 14, xã Trung Môn đang chuẩn bị ra nụ. Theo chị Xuân, giai đoạn này việc bón thúc, tưới đều nước, phòng trừ sâu bệnh kịp thời là rất quan trọng. Canh vào nhiệt độ, độ ẩm của môi trường mà điều chỉnh nước tưới, sao cho hoa nở đúng dịp Tết. Nhà chị Xuân có kinh nghiệm trồng giống hoa hồng đỏ. Chỉ cần bông to mập, nhiều cành, nhiều nụ, dịp Tết khách vào tận vườn chọn cắt. Giá thì chắc chắn cao gấp mấy lần ngày thường. Chị Xuân chia sẻ, với giá mua 10 nghìn đồng 1 gốc giống cây hoa hồng ở vùng hoa Đông Anh (Hà Nội), việc trồng hoa Tết vẫn có lãi gấp 3 lần trồng rau vụ đông trên cùng một đơn vị diện tích.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, một người bán hoa chuyên nghiệp lâu năm ở chợ Tam Cờ cho biết, hiện nay 80% thị trường hoa của Tuyên Quang do nhập từ dưới xuôi lên, chủ yếu từ vùng hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), Mê Linh, Đông Anh (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên). Còn 20% là tự sản xuất từ thị trường trong tỉnh. Nhìn vào thị phần trên cho thấy sự áp đảo lượng hoa phục vụ Tết của các tỉnh đổ về Tuyên Quang. Tại thời điểm này các lái buôn đã đặt cọc nhà vườn, chỉ cần áp Tết là hàng theo xe tải đổ về. Riêng vựa hoa của miền Bắc là huyện Mê Linh (Hà Nội) có hàng nghìn ha trồng hoa các loại, lại nằm cách Tuyên Quang không xa. Đây là điều kiện thuận lợi để hoa của Mê Linh chiếm lĩnh thị trường các tỉnh phía Bắc. Hoa ở đây được trồng theo hộ gia đình hay doanh nghiệp với diện tích lớn, đầu tư bài bản nên chất lượng hoa tốt, giảm giá thành được sản phẩm, có sức cạnh tranh lớn.

Nói vậy không có nghĩa là vùng hoa nội tỉnh không có cơ hội phát triển nếu thành phố Tuyên Quang và vùng lân cận có một sự liên kết trong quy hoạch vùng chuyên canh. Hoa trồng ở bản địa vẫn có lợi thế là chủ động nguồn hoa, chất lượng hoa tươi lâu, giảm được giá thành do khâu vận chuyển. Nếu các xã, phường có tiềm năng về đất đai mà quy hoạch được vùng chuyên canh trồng hoa ổn định, phát triển bền vững, lâu dài như làng hoa đào phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) thì khả năng thành công sẽ cao. Tuyên Quang là một tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu hoa tươi hàng ngày khá lớn cho đám cưới, sinh nhật, hội nghị, ngày rằm, mồng một, đặt biệt là dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Hàng ngày chạy xe tải giao hàng tấn hoa tươi cho chợ đầu mối Tam Cờ (TP Tuyên Quang), anh Phạm Văn Sơn, người xã Hạ Lôi, vùng chuyên canh cây hoa lớn của huyện Mê Linh (TP Hà Nội) cho rằng, nếu biết liên kết để học hỏi kinh nghiệm, tạo ra vùng chuyên canh thì người trồng hoa Tuyên Quang chắc chắn sẽ có bước phát triển nhanh chóng. Hiện nay, việc trồng hoa manh mún, nhỏ lẻ khiến các lái buôn khó lấy hàng số lượng lớn. Ngược lại người trồng hoa tự mang đi bán thì không đủ nhân lực, khó thành chuỗi sản xuất. Có thể nói nhìn vào thị trường hoa Tết năm 2021, các địa phương cũng như hộ trồng hoa ở Tuyên Quang sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm, hướng phát triển cho những năm tới.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/tat-bat-chuan-bi-cho-vu-hoa-tet-140387.html