Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong học sinh

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6 - 18 tuổi) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc), làm chết 490 người, bị thương 827 người. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 8 vụ (tăng 0,92%), giảm 33 người chết (giảm 6,31%), giảm 34 người bị thương (giảm 3,95%). Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Trong 10 tháng của năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông toàn quốc), phạt tiền trên 39 tỷ đồng; tạm giữ 61.356 phương tiện. Trong đó, người chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô, xe gắn máy là 30.673 trường hợp (chiếm 47,59%).

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe môtô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Từ thực tiễn này, các tỉnh, thành phố đã thảo luận các giải pháp để ngăn ngừa triệt để các hành vi vi phạm liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các trường hợp học sinh vi phạm điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đối với các hành vi cố ý vi phạm có tổ chức, tái phạm nhiều lần phải xem xét, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung. Từng địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát chuyên đề này. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua. Đối với học sinh thì an toàn giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại hạnh kiểm. Tăng cường phối hợp giữa lực lượng chức năng - nhà trường - gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh về trật tự, an toàn giao thông.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thoi-su/tap-trung-thuc-hien-cac-giai-phap-dam-bao-an-toan-giao-thong-trong-hoc-sinh-68548.html