Tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Thời gian qua, thời tiết có sương mù về đêm và sáng sớm, độ ẩm không khí cao đang tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tăng cường khuyến cáo nông dân về áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây lúa và phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn.

Nông dân huyện Hải Lăng phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn trên cây lúa - Ảnh: L.A

Vụ đông xuân năm nay huyện Hải Lăng xuống giống được gần 6.900 ha lúa. Thời điểm này cây lúa đang đứng cái - làm đòng. Từ sau tết Nguyên đán đến nay thời tiết thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng nhưng cũng thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết âm u, sương mù nhiều rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại nặng.

Ông Nguyễn Như Bảy ở Khóm 4, thị trấn Diên Sanh có 2 mẫu lúa gieo cấy giống BĐR57 đang giai đoạn làm đòng. Sau khi phát hiện một số đám lúa bị cháy lá do bệnh đạo ôn, ông Bảy đã mua thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ toàn bộ diện tích theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Theo ông Bảy, bệnh đạo ôn thường lây lan rất nhanh, nếu không phun trừ kịp thời thì sẽ dẫn đến cháy lá. Ngoài ra, hiện cây lúa đang làm đòng, nếu để bị bệnh đạo ôn cổ bông thì năng suất thu hoạch sẽ giảm nhiều. “Mặc dù mới bị ít nhưng tôi phải phun trừ ngay vì nếu không phun mà trời mưa lại là bệnh còn lây lan ra nhiều nữa”, ông Bảy cho hay.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Hải Lăng Thái Thị Kim Tuyến cho biết, qua kiểm tra thăm đồng toàn huyện đã có gần 400 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn với tỉ lệ bệnh trung bình từ 5 - 10%, nơi cao từ 30 - 50%, cục bộ có một số thửa ruộng tỉ lệ bệnh lên đến 50 - 70%, tập trung trên các giống BĐR57, HG244, HC95, Dự Hương 8...; ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Đáng lưu ý là năm nay bệnh đạo ôn gây hại nặng trên giống lúa BĐR57, trong khi đây là một trong những giống lúa chủ lực của huyện với diện tích gieo cấy hơn 1.300 ha.

Theo bà Tuyến, ngay khi bệnh đạo ôn phát sinh gây hại, Trạm TT&BVTV đã cử cán bộ trực tiếp về các địa phương, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ. Với những biện pháp tích cực, cùng với sự chủ động của nông dân nên hiện tại bệnh đạo ôn trên địa bàn huyện đã cơ bản ổn định.

Tuy nhiên với dự báo thời tiết thời gian tới tiếp tục có không khí lạnh tăng cường, xuất hiện mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh, nguy cơ cao phát sinh bệnh đạo ôn cổ bông trên giống nhiễm, vùng nhiễm. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ đang xuất hiện với mật độ trung bình từ 4 - 5 con/m2 , dự báo sẽ phát sinh lứa mới gây hại lúa giai đoạn làm đòng vào trung tuần tháng 3.

“Do vậy, chúng tôi khuyến cáo nông dân tuyệt đối không được chủ quan, thường xuyên thăm đồng, theo dõi sát sao tình hình sâu bệnh để phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhằm tránh thiệt hại vào cuối vụ”, bà Tuyến nhấn mạnh.

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy 25.600 ha lúa. Hiện nay, cây lúa đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, trà sớm đã ôm đòng, cây lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, thời tiết có sương mù về đêm và sáng sớm, độ ẩm không khí cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa.

Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV, toàn tỉnh có hơn 610 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, xuất hiện ở hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh.

Cụ thể, huyện Hải Lăng 395 ha, Gio Linh 145 ha, Vĩnh Linh 25 ha... Tỉ lệ bệnh phổ biến từ 10 - 20%, cục bộ nơi cao lên đến trên 40%. Bệnh gây hại chủ yếu trên các giống BĐR57, Bắc Thơm số 7, HC95, IR38..., hại nặng trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm.

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang lưu ý, dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục âm u, mưa phùn, ẩm độ không khí cao, đêm và sáng sớm có sương mù đồng thời cây lúa phát triển tốt như hiện nay sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh gây hại, lây lan ra diện rộng, hại nặng và gây cháy trên các giống nhiễm, chân ruộng bón phân không cân đối, thừa đạm... nếu không được phòng trừ kịp thời và triệt để.

Do vậy, để phòng trừ hiệu quả và ngăn chặn sự lây lan của bệnh đạo ôn, nông dân cần tăng cường kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống, đặc biệt là các giống nhiễm như BĐR57, IR38, Bắc Thơm số 7, HC95...; trên các ruộng gieo dày, bón phân không cân đối và khẩn trương phun thuốc ngày khi tỉ lệ bệnh khoảng 5%.

Vùng hại nặng phải phun tiếp lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày. Tăng cao mức nước và ngừng bón tất cả các loại phân. Sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới được bón phân thúc đòng hoặc bổ sung phân bón lá. Phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày, nhất là những vùng đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, vùng ổ dịch, ruộng bón thừa đạm, vùng gieo giống nhiễm như BĐR 57, IR38, VN10, Bắc Thơm 7, HC95...

“Chúng tôi cũng đã tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, thường xuyên thăm đồng để kiểm tra, phát hiện, dự tính, dự báo chính xác và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch hại, đặc biệt là bệnh trên cây lúa kịp thời, hiệu quả”, ông Trang cho biết thêm.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/tap-trung-phong-tru-benh-dao-on-hai-lua/184124.htm