Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tam Nông đã khoác lên mình diện mạo mới với một sức sống mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; nhiều miền quê yên bình, đáng sống. Đặc biệt, ngày 6/2/2024 Tam Nông đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 153/QĐ-TTg công nhận huyện đạt NTM năm 2023. Để đạt được kết quả này là do có sự đồng thuận, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân.

Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Đỗ Hùng Sơn- Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện về công tác huy động các nguồn lực để xây dựng NTM.

Phóng viên: Xây dựng NTM đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn, đồng chí có thể cho biết trong quá trình triển khai, BCH Đảng bộ huyện đã có những định hướng, giải pháp như thế nào để đạt được thành tích trên?

Đồng chí Đỗ Hùng Sơn: Ngay sau khi có các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ, BCH Đảng bộ huyện đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM huyện; UBND huyện ban hành Kế hoạch về xây dựng NTM huyện Tam Nông, giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2016-2020; giai đoạn 2021-2025, kế hoạch của từng năm để triển khai chỉ đạo thực hiện.

Khi bắt tay xây dựng NTM, huyện gặp nhiều khó khăn bởi xuất phát điểm còn thấp, tình hình kinh tế- xã hội chưa thực sự phát triển. Song, chính những khó khăn này đã thôi thúc tinh thần đoàn kết, quyết tâm phát triển quê hương, nhất là trong công cuộc xây dựng NTM, biến vùng đất đồi núi trở thành miền quê đáng sống. Để đạt được những mục tiêu này, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn, huyện đã quan tâm, chú trọng huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM. Ngoài nguồn lực ngân sách Nhà nước các cấp (nguồn vốn trực tiếp và lồng ghép), huyện đã chỉ đạo các xã, khu dân cư chủ động vận động các nguồn lực khác, nhất là nguồn lực của nhân dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt,... tham gia vào quá trình thực hiện chương tình xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Nhân dân khu 5, xã Hương Nộn-khu dân cư NTM kiểu mẫu tích cực tham gia giữ gìn đường làng xanh-sạch-đẹp.

Phóng viên: Kết quả của việc huy động các nguồn lực tham gia vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt được như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Hùng Sơn: Các nguồn lực huy động được, huyện tập trung vào các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đối với các tiêu chí đã đạt, huyện tập trung nâng cao chất lượng; còn đối với các tiêu chí chưa đạt như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,... huyện sẽ tập trung nguồn lực nhiều hơn để sớm hoàn thành. Đến nay, 100% xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM, trong đó hai xã được công nhận xã NTM nâng cao; 19 khu dân cư NTM kiểu mẫu; thị trấn Hưng Hóa đạt chuẩn đô thị văn minh. Các chỉ tiêu, tiêu chí NTM được duy trì, nâng cao chất lượng. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét.

Quan trọng hơn, nhận thức của cán bộ và nhân dân đã chuyển đổi theo hướng từ tư duy coi chương trình là một dự án đầu tư của nhà nước sang tư duy nội sinh lấy sức dân là chính, chủ thể của chương trình là người dân nông thôn, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ. Giai đoạn đầu xây dựng NTM trên địa bàn huyện, việc huy động nguồn lực của người dân tham gia còn rất hạn chế, nhiều công trình xây dựng NTM người dân tham gia chỉ từ 15-20%. Đến nay, qua quá trình triển khai thực hiện nhiều công trình sự tham gia, đóng góp của người dân lên đến 70-80% như xây dựng nhà văn hóa, các công trình phúc lợi của khu dân cư,... Điều này cho thấy, người dân đã chủ động, tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Giai đoạn 2011-2022, người dân đóng góp khoảng 133 tỉ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Chương trình xây dựng xã NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh được triển khai mạnh mẽ, sôi nổi với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhân dân tiếp tục đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới; hiến đất và tài sản trên đất phục vụ cho việc thi công các tuyến đường giao thông; mở rộng đường liên thôn, liên xã, đường trong khu dân cư và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

Phóng viên: Phương châm “Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, xin đồng chí cho biết huyện đã có giải pháp cụ thể như thế nào trong thời gian tới để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí hướng đến xây dựng huyện NTM kiểu mẫu?

Đồng chí Đỗ Hùng Sơn: Huyện Tam Nông xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Do đó, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí xã, huyện NTM. Huy động tối đa nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp bền vững; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển đột phá về du lịch, dịch vụ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Cùng với đó, huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân; xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, nông thôn văn minh giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đẩy mạnh triển khai thực hiện xây dựng khu NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong tình hình mới để người dân thực sự được hưởng thành quả từ xây dựng NTM, góp phần chuyển đổi nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới, thực hiện đúng mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Hà (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/tap-trung-nguon-luc-xay-dung-nong-thon-moi/207677.htm