Tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, chiều 19-8, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).Hồi 16 giờ ngày 19-8, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 23,5 độ vĩ bắc; 111,5 độ kinh đông, trên khu vực tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo ATNĐ di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 4.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, chiều 19-8, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).Hồi 16 giờ ngày 19-8, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 23,5 độ vĩ bắc; 111,5 độ kinh đông, trên khu vực tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo ATNĐ di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 4.

* Do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 4, từ chiều 20 đến ngày 22-8 khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa to đến rất to (phổ biến 100 đến 200 mm/đợt, có nơi hơn 250 mm/đợt); các khu vực khác ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to (phổ biến 40 đến 80 mm/đợt). Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to (thời gian mưa tập trung vào khoảng chiều và tối). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1.

* Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngày 19-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai ( PCTT) có Thông báo số 327/VPTT gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh miền núi phía bắc. Theo đó, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn…

* Chia sẻ khó khăn với người dân huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) bị thiệt hại sau lũ quét, ngày 19-8, Huyện ủy Nậm Pồ cùng đại diện các đoàn thể đã đến thăm hỏi, trao tặng nhu yếu phẩm cho bà con. Theo đó, 13 gia đình bị trôi nhà, hư hỏng nhà cửa được hỗ trợ các phần quà gồm tiền mặt, mỳ tôm, dầu ăn, gạo. Trong đó, bốn gia đình bị trôi nhà được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ; ba gia đình bị hỏng nhà đều được hỗ trợ một triệu đồng; sáu thầy, cô giáo bị thiệt hại do lũ quét được hỗ trợ 500 nghìn đồng/người. Với 128 hộ dân bản Nậm Nhừ 1 bị cô lập do mưa lũ làm sạt đường, trôi cầu được các tổ chức đoàn thể trao tặng nhu yếu phẩm
cần thiết.

* Vào lúc 3 giờ 30 phút sáng 19-8, tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa (Lào Cai), một khối đất đá lớn từ ta-luy dương đã bất ngờ ập xuống vùi lấp nhà ở của người dân làm một người chết, ba người bị thương. Cũng trong đêm 18, rạng sáng 19-8, tại xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa), một người chết do lũ cuốn. Trước đó, vào lúc 22 giờ 30 phút ngày 18-8, tại xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn) một người dân bị lũ cuốn trôi mất tích, đến 18 giờ ngày 19-8 vẫn chưa tìm thấy nạn nhân. Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đang huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm người gặp nạn, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

* Mưa lớn ở Lai Châu từ đêm 18 đến sáng 19-8 đã khiến một người chết do bị lũ cuốn. Mưa lũ còn gây thiệt hại nhiều hoa màu, công trình xây dựng, gây xói lở hai phần ba làn đường tại Km 350 + 410 quốc lộ 32 địa phận xã Phúc Than, huyện Than Uyên. Việc lưu thông trên quốc lộ 32 từ huyện Than Uyên đi TP Lai Châu, từ Lai Châu đi Yên Bái, Sơn La và ngược lại tạm thời gián đoạn. Các đơn vị chức năng đang tổ chức phân luồng cho các phương tiện đi theo đường liên xã để chờ khắc phục.

* Ngày 19-8, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, chiều 18-8, thủy điện Lai Châu mở năm cửa xả lũ để điều tiết, duy trì mực nước hồ chứa. Tổng lưu lượng xả qua đập dự kiến khoảng từ 1.615 m3/giây đến 5.271 m3/giây. Để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện ở thượng và hạ lưu đập thủy điện Lai Châu, người dân có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản ven sông nên chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn khi thủy điện xả lũ.

* Tại Yên Bái, mưa lũ đã làm 555 ngôi nhà; 20,3 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; hơn 1.032 ha diện tích nông nghiệp, lâm nghiệp bị thiệt hại. Mưa lớn còn gây sạt lở nhiều tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, gây ách tắc giao thông. Ước tính thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng. Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo lực lượng khắc phục thiệt hại. Huy động lực lượng tại chỗ hót dọn tạm thời các tuyến đường sạt lở ta-luy để bảo đảm giao thông thông suốt.

* Từ ngày 16-8 đến nay, trên địa bàn một số huyện của tỉnh Đắk Lắk như Ea Kar, Krông Ana, Krông Bông, Lắk, M’Drắk xảy ra mưa lớn gây nhiều thiệt hại cho nhân dân. Tại huyện Lắk, nước lũ tràn về làm sạt lở năm điểm trên tuyến đường liên xã Nam Ka đi xã Ea R’bin, trong đó tuyến đường tại vị trí buôn Phôk, xã Ea R’bin bị nước lũ cuốn trôi cả đoạn đường dài khoảng 40 m, chia cắt khu vực trung tâm xã Ea R’bin với buôn Plao Siêng, buôn Phôk và buôn Ea R’bin khiến cho hơn 500 hộ dân ở các buôn này bị cô lập hoàn toàn. Đến ngày 19-8, nhiều khu vực ngập sâu trên địa bàn xã Ea R’bin vẫn chưa rút hết nước.

* Những ngày qua trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa to khiến mực nước trên sông Thao lên cao gây ngập úng cục bộ, sạt lở bờ sông, uy hiếp tính mạng, tài sản của nhân dân. Cụ thể, tại huyện Hạ Hòa xuất hiện nhiều điểm sạt lở uy hiếp quốc lộ 2D, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn, tường rào, đất canh tác của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. Tại khu 5, xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê có một nhà dân bị sạt lở phải di dời khẩn cấp.

* Trước ảnh hưởng của mưa lớn, ngày 19-8, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội đã phát lệnh báo động lũ cấp I trên sông Tích. Đồng thời, yêu cầu hai huyện Quốc Oai, Chương Mỹ chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Kịp thời cứu nạn tàu cá bị hỏng máy
Sáng 19-8, tàu Trường Sa 22, thuộc Lữ đoàn 955 (Vùng 4 Hải quân) đã lai kéo một tàu cá mang biển kiểm soát PY-92889 TS của ngư dân tỉnh Phú Yên gặp sự cố kỹ thuật về neo đậu an toàn tại đảo Đá Đông, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trước đó, vào đêm 18-8, tàu cá này bị hỏng mặt đĩa hộp số, phải thả trôi tại khu vực cách đảo Đá Đông khoảng 11 hải lý về phía đông nam, trên tàu có 10 thuyền viên. Sau đó, tàu đã phát tín hiệu cần sự trợ giúp.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tap-trung-khac-phuc-hau-qua-do-mua-lu-613561/