Tập trung khắc phục các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp

Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, nhiều công trình thủy lợi, kênh dẫn nước trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tưới tiêu cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân. Cùng với việc khôi phục sản xuất nông nghiệp, hiện nay ngành Nông nghiệp Quảng Trị đang khẩn trương chỉ đạo tập trung rà soát, nhanh chóng khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng, đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2020-2021.

Người dân Cam Lộ xây dựng kênh mương nội đồng - Ảnh: P.V

Tuyến kênh N1- 10 thuộc cụm N1 Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn là tuyến kênh dẫn nước duy nhất phục vụ tưới tiêu cho 50 ha lúa của nông dân ở các HTX Đại Hòa, Quảng Lượng, Quảng Điền A, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong. Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong tháng 10 vừa qua, lượng nước lớn đổ về đã làm sập hoàn toàn và gãy hỏng 60 mét kênh dẫn nước xuống các cánh đồng. Vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 đang đến gần, chính quyền địa phương và các hộ dân rất lo lắng, nếu không khắc phục kịp thời thì nguy cơ sẽ không có nước để đảm bảo tưới tiêu. Ông Nguyễn Hữu Hải, Giám đốc HTX Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong cho hay: “Nếu như không có hệ thống kênh mương N1-10 này thì HTX Đại Hòa chúng tôi không có nguồn nước nào để thay thế cho sản xuất vụ lúa tới cả. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn, Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo tỉnh quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện sửa chữa, khắc phục, hàn gắn kênh mương này để cho 3 HTX trên địa bàn chúng tôi có nước trong vụ sản xuất đông xuân này”.

Cũng bị ảnh hưởng bởi trận mưa lũ trong tháng 10, nhiều kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, bồi lấp, cuốn trôi. Các tuyến kênh chính, kênh cấp I, II do Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi quản lý với tổng chiều dài 55,13 km (thuộc các hệ thống: Nam Thạch Hãn; Triệu Thượng 1,2; Ái Tử; Khe Mây; Nghĩa Hy; Đá Mài - Tân Kim; Trúc Kinh; Hà Thượng; Phú Dụng; Kinh Môn; La Ngà; Sa Lung; Bảo Đài; Rú Lịnh; Bàu Nhum): 22.460 m3 đất và 1.200 m3 đá, bê tông. Kênh nội đồng do địa phương quản lý 80,01km; 13 cống bị hư hỏng, sạt lở; 23 đập thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở, trong đó riêng tuyến tràn xã lũ Nam Thạch Hãn bị sạt lở, cuốn trôi mái taluy đá hộc gia cố hạ lưu tràn phía bờ Bắc và bờ Nam với tổng diện tích 1.892m2 , phần tiêu sân tiêu năng bờ Bắc bị hư hỏng, van cấp nước phao cao su bị hư hỏng, hạ lưu sau tràn tiếp tục bị xói lở ăn sâu sát vào đuôi tràn. 90 trạm bơm bị hư hỏng, sạt lở, bồi lấp; diện tích đất bị xói lở, vùi lấp: 131.000 m2 .

Ông Nguyễn Sinh Công, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: “Hiện nay công ty đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại để đánh giá tình trạng hư hỏng từng công trình để có kế hoạch và giải pháp khắc phục. Trước mắt chúng tôi ưu tiên tập trung khắc phục và hàn gắn các kênh, mương, công trình bị đứt gãy. Nạo vét các tuyến kênh bị vùi lấp, đảm bảo thông tuyến dẫn nước từ đầu mối đến mặt ruộng. Triển khai các biện pháp bảo dưỡng sửa chữa các máy móc trạm bơm để sớm đưa các công trình vào phục vụ cho vụ sản xuất đông xuân 2020-2021 sắp đến”. Ông Công cũng cho biết thêm, do khối lượng hư hỏng tương đối lớn đòi hỏi kinh phí nhiều, đơn vị đề nghị Trung ương, tỉnh ưu tiên kinh phí để đơn vị tổ chức thực hiện sớm nhất. Bên cạnh đó công ty cũng yêu cầu chính quyền các địa phương sử dụng nước cho sản xuất trên địa bàn triển khai sửa chữa khắc phục các tuyến kênh nội đồng để đảm bảo cho việc mở nước phục vụ sản xuất.

Hiện nay ngành Nông nghiệp và PTNT đang tập trung rà soát toàn bộ các hiện trạng công trình trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án phục hồi hạ tầng thủy lợi để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2020-2021 sắp đến. Do ảnh hưởng của mưa lũ, có nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, hư hỏng, bồi lấp, cuốn trôi. Theo số liệu thống kê bước đầu có 126 công trình thủy lợi (đập dâng, trạm bơm, cống), trên 38 km đê, 6 km kè, 36 km bờ sông; trên 135 km kênh mương và kênh nội đồng đã bị thiệt hại, hư hỏng, sạt lở nặng nề. Những hư hại trên không chỉ gây khó khăn trong việc vận hành khai thác, một số công trình thủy lợi còn bị biến đổi dòng chảy gây tác động đến việc sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân.

Ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: “Đối với các công trình, hạng mục hư hỏng nhỏ thì chúng tôi sẽ tổ chức huy động lực lượng công nhân quản lý thủy nông, lực lượng thủy nông cơ sở để tổ chức sửa chữa phục vụ sản xuất. Đối với các hư hỏng, bồi lấp thì chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh huy động các lực lượng để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục. Những hư hỏng lớn, hư hỏng chính, đối với hạ tầng thủy lợi thì hiện nay ngoài sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh trong vấn đề bố trí nguồn kinh phí để khắc phục, chúng tôi cũng đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương bố trí, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức khắc phục, nhằm đảm bảo hệ thống công trình thủy lợi sớm được sửa chữa kịp thời, phục vụ cho vụ đông xuân 2020 - 2021 và các vụ sản xuất tiếp theo”.

Hậu quả của mưa lũ gây ra đối với hệ thống thủy lợi là rất nặng nề, tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Hiện toàn ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang tập trung nhân lực, máy móc để nạo vét kênh mương, sửa chữa những đường dẫn nước vào đồng ruộng, phấn đấu đảm bảo nước tưới cho người dân trong vụ đông xuân 2020-2021.

Phan Việt Toàn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154498