Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo: Không để tồn đọng, phức tạp, kéo dài

Đó là nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Hội nghị tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ khu vực phía Bắc tổ chức mới đây tại tỉnh Ninh Bình.

Khiếu nại, tố cáo vẫn… nóng

Báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, ông Nguyễn Kim Châu, Cục trưởng Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực phía Bắc, Thanh tra Chính phủ cho biết: Năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có những diễn biến phức tạp. Số lượng đơn thư, vụ việc phát sinh còn nhiều, tập trung chủ yếu ở những địa bàn có nhiều dự án, công trình và các khu vực thành thị. Tình trạng khiếu kiện đông người xảy ra ở hầu hết các địa phương (21/25 tỉnh, thành phố) với 2.117 lượt đoàn và 1.199 vụ việc.

Cũng theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2013, các địa phương tiếp 36.543 lượt công dân, 600 đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo với 3.535 vụ việc khiếu nại, 1.511 vụ việc tố cáo. So với cùng kỳ năm 2012 thì tình hình khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực hơn. Đó là, giảm cả 3 tiêu chí, trong đó số lượt người giảm 1,53%, số đoàn đông người giảm 7,41%, số vụ việc khiếu nại giảm 8,8%, số vụ việc tố cáo giảm 2,3%.

Tình hình công dân khiếu kiện lên Trung ương vẫn có chiều hướng phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, có 1.407 lượt với 5.642 người và 211 lượt đoàn đông người đến Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội.

Tại các bộ, ngành, tình hình khiếu nại, tố cáo không phức tạp như các địa phương và chủ yếu liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành khác như: Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Tài chính…

Kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị số 14/CT-TTg, Kế hoạch 1130/KH-TTCP, có 21/25 tỉnh, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó giao Thanh tra tỉnh làm đầu mối phối hợp với Cục I, Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện.

Tổng Thanh tra Chính phủ trao bằng khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập 28 tổ công tác, phối hợp với Ủy ban nhân dân 47 tỉnh, thành phố để kiểm tra, rà soát nội dung vụ việc, quá trình giải quyết, làm rõ nguyên nhân và xác định phương án giải quyết dứt điểm.

Kết quả thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP, đối với các địa phương, địa bàn khu vực phía Bắc có 146 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài tại 21 địa phương. Tổng thanh tra Chính phủ đã giao Cục I thành lập 6 Tổ công tác phối hợp với địa phương tiến hành rà soát 146 vụ việc tại 21 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc. Tính đến ngày 31/7/2013, Cục I và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng các bộ, ngành có liên quan đã rà soát 146/146 vụ việc, đạt 100%; đã thực hiện các bước để giải quyết xong được 136 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,15%.

Nhìn chung, các ngành, các cấp đã quan tâm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và đạt được những kết quả tích cực. Việc tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phải nêu cao trách nhiệm từ nhiều bộ, ngành

Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, để giảm dần số lượng vụ khiếu nại, tố cáo cần tập trung hơn nữa trong việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và đạt kết quả tốt hơn nữa. Tổng Thanh tra chỉ đạo, cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ cho việc sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Sớm ban hành Thông báo chấm dứt đối với các vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý, chấm dứt giải quyết khiếu nại hành chính.

Đối với những vụ việc chưa đối thoại với công dân sau khi đã ký biên bản thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương thì cần phân loại theo từng nhóm và xác định lại những vụ việc cần phải tiếp tục đối thoại để tổ chức đối thoại nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải quyết, đồng thời nghiêm túc triển khai thực hiện phương án giải quyết đã thống nhất đối với các vụ việc đã rà soát, thống nhất. Tập trung giải quyết tiếp những vấn đề, những vụ việc còn lại chưa xong, trong đó có những vụ việc quá phức tạp, bất cập cần xin chỉ đạo xử lý của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất.

Về cách thức thực hiện trong thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã chủ động rà soát và tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Đối với các vụ việc có tính chất phức tạp hoặc gặp vướng mắc trong áp dụng pháp luật, trong đánh giá, sử dụng chứng cứ, trong xác định phương án giải quyết thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản xin ý kiến hoặc đề nghị các bộ, ngành chức năng phối hợp. Các bộ, ngành khi được các địa phương xin ý kiến hoặc đề nghị phối hợp thì cần tạo điều kiện quan tâm và sớm có văn bản. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng thì Thanh tra Bộ tham mưu giúp Bộ trưởng xem xét, ra quyết định giải quyết theo quy định. Thanh tra Chính phủ sẽ cử cán bộ của Cục I phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố (khi có ý kiến đề nghị phối hợp của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trong quá trình kiểm tra, xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết các vụ việc có tính chất phức tạp.

Tổng Thanh tra đề nghị một số bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ TN - MT cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; thi hành pháp luật đất đai (nhất là việc giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất). Bộ Nội vụ hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện trong phê duyệt phân bổ kinh phí xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”.

Phương Thanh

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/thoi-su/thoi-cuoc/tap-trung-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-khong-de-ton-dong-phuc-tap-keo-dai-27835.html