Tập trung đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương đa dạng hóa các hình thức tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Từ năm 2021 đến nay, các địa phương chủ động phối hợp triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025” gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, tập trung vào tập huấn, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân biết cách đầu tư vào các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); có chính sách khuyến khích phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với chống biến đổi khí hậu như sản xuất nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt... Nhờ đẩy mạnh thực hiện các hợp phần hỗ trợ sản xuất, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sau khi được tham gia lớp tập huấn về trồng cây quả do Hội Làm vườn tỉnh chuyển giao, gia đình bà Phạm Thị Bảy, tổ 4, phường Hòa Chung (Thành phố) đầu tư mở rộng diện tích trồng trên 1.000 cây ổi lê, hơn 50 cây bưởi da xanh. Bà Bẩy cho biết: Trước đây tôi thường trồng và chăm sóc cây ăn quả theo kinh nghiệm nên năng suất, sản lượng cây trồng chưa cao. Sau khi được tiếp cận các kỹ thuật trồng, chăm sóc theo phương pháp mới, gia đình tôi cắt tỉa cành tạo tán, chặt bớt đối với những cây trồng dày không đúng khoảng cách… Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đến nay, vườn ổi ra quả và cho thu hoạch quanh năm. Cây tạo tán đều, quang hợp ánh sáng tốt, quả to, ngọt, giòn, thuận tiện cho khâu chăm sóc, thu hoạch. Trung bình gia đình thu hái từ 70 - 100 kg ổi/ngày, chính vụ lên tới 150 kg/ngày. Với giá bán ổn định, vườn cây ăn quả hiện đem lại nguồn thu nhập cho gia đình 120 - 150 triệu đồng/năm.

Để có kiến thức trong trồng trọt và chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Đẹp, xóm Nà Khoang, xã Vũ Minh (Nguyên Bình) tham gia lớp dạy nghề trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp và phòng dịch bệnh cho đàn trâu, bò. Bà Đẹp cho biết: Có kiến thức về trồng rừng, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 120 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm đầu tư mua cây giống, phân bón. Ban đầu gia đình trồng hơn 1 ha cây keo, quế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, sau đó, trồng thêm 2.000 cây keo và 1.000 cây quế. Hiện các cây trồng, vật nuôi đang phát triển tốt, năm 2023, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo.

Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, huyện Nguyên Bình tổ chức các lớp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng, tập huấn nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Dương Hiền Hòa cho biết: Hằng năm, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát nhu cầu, thống kê đối tượng, xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn về kinh phí; tiếp cận với các nguồn lực khác hỗ trợ người dân đầu tư các mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, phát triển dịch vụ, tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập. Trong đó, huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng các cây chủ lực như dược liệu, trúc sào, dong riềng, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm; gắn đào tạo nghề với phát triển các nhóm sở thích, liên kết sản xuất. Vì vậy, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề của huyện ngày càng cao.

Anh Phan Đoạn Việt, xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa) bổ sung thức ăn xanh và thức ăn tinh cho đàn ngựa bạch.

Bên cạnh vật nuôi truyền thống, người dân ở một số địa phương trong tỉnh sau khi tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Anh Phan Đoạn Việt, xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa) cho biết: Sau một thời gian dài bỏ không chuồng trại do giá cả trâu, bò xuống thấp, việc xuất bán nông sản gặp nhiều khó khăn, gia đình tôi chuyển hướng sang đầu tư nuôi ngựa bạch sinh sản. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên gia đình làm tốt khâu chăm sóc, giữ vệ sinh chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, bổ sung cả thức ăn xanh và thức ăn tinh, biết cách tiêm phòng bệnh, tẩy giun sán định kỳ. Từ 5 con ban đầu, đến nay, đàn ngựa tăng lên 10 con. Đây là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ít bị dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc. Hiện trên thị trường, thịt ngựa có giá bán từ 350 - 370 nghìn đồng/kg, cao ngựa bạch có giá 1,2 triệu đồng/lạng nên tôi yên tâm tập trung chăn nuôi và không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn dạy nghề cho lao động nông thôn cũng như tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất, gia đình anh Nguyễn Văn Võ, xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo (Thành phố) phát triển thành hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chuyên cung cấp các loại nông sản sạch phục vụ thị trường. Hiện cơ sở đầu tư 600 triệu đồng xây dựng 3.000 m2 nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt trồng các loại dưa và rau màu, trung bình hợp tác xã trồng 3 vụ/năm. Anh Nguyễn Văn Võ, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Dưa trồng trong nhà lưới, nhà màng sinh trưởng, phát triển tốt (khoảng 75 ngày/vụ), quả có mùi thơm, giòn, vị ngọt thanh, an toàn cho người tiêu dùng, thị trường đầu ra trong tỉnh ổn định. Trung bình mỗi vụ hợp tác xã thu hoạch trên 6 tấn quả với giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, thu nhập trên 200 triệu đồng/vụ.

Thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”, năm 2023, tỉnh triển khai nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa ngành nghề cho gần 5.000 lao động nông thôn. Cụ thể, bằng nguồn kinh phí 11 tỷ đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, trong năm, tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức 119 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 3.519 lao động nông thôn, vượt 55% kế hoạch. Các nghề đào tạo chủ yếu như: sửa chữa máy nông nghiệp, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, gà, trồng rau an toàn, chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm; nhân giống cây ăn quả, trồng chè, trồng và nhân giống nấm...

Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tổ chức 30 lớp tập huấn nghiệp vụ và kỹ thuật chuyên ngành, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho 600 lượt cán bộ, cộng tác viên khuyến nông các cấp, trưởng xóm, thanh niên và nông dân… với kinh phí thực hiện gần 800 triệu đồng. Ngoài ra, Dự án 4 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cấp huyện, xã với 110 người tham gia; 13 hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 600 lao động nông thôn tại các huyện: Hòa An, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Hạ Lang, Thạch An, Hà Quảng, Bảo Lâm.

Thái Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tap-trung-dao-tao-nghe-gan-voi-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-3166845.html