Tập trung đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân

Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt là nâng cao thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các xã nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng được quan tâm chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, được thể hiện tại các quyết định, nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo thực hiện từ Chính phủ đến tỉnh, huyện, xã... Tại thành phố (TP) Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, việc tập trung đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp.

Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được TP Móng Cái tổ chức thường xuyên, phù hợp với công việc thực tiễn. Ảnh: Thu Hằng

TP Móng Cái có 17 đơn vị hành chính, bao gồm 9 xã, 8 phường. Trong đó, 9 xã hiện đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Để nâng cao thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cho địa bàn 9 xã nông thôn mới (nhằm đạt chỉ tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tối thiểu đạt 100 triệu đồng/người/năm; năm 2025, phấn đấu đạt 5.000USD), TP Móng Cái đang tập trung nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, các xã tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; Thành ủy, HĐND TP để triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2024. Trọng tâm là tập trung thực hiện hoàn thành quy hoạch phân khu trên địa bàn TP, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết cụm trung tâm xã trên địa bàn các xã theo định hướng tại Quyết định số 368/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thu hút đầu tư các dự án động lực, trọng điểm trên địa bàn TP; thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chuỗi giá trị; kinh tế tuần hoàn thông minh, bảo đảm sinh thái bền vững, gắn với chiến lược xây dựng thương hiệu “3 con, 2 cây, 1 điểm đến” (con lợn, con bò thịt, con tôm; cây khoai lang, cây dược liệu và điểm đến Khu du lịch quốc gia Trà Cổ).

Theo đồng chí Lê Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế TP Móng Cái, việc hoàn thành quy hoạch để thu hút đầu tư và triển khai các dự án: Dự án xây dựng tổ hợp sản xuất thực phẩm công nghệ quốc tế xã Quảng Nghĩa; Dự án Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á-Thái Bình Dương tại cảng ICD Thành Đạt, phường Hải Yên; Dự án Tổ hợp trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trong cây dược liệu theo mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững, dự kiến diện tích khoảng 48ha... trên địa bàn xã Bắc Sơn; Dự án xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tại khu 6, phường Hải Yên; Dự án phát triển sản phẩm khoai lang theo chuỗi giá trị, nông nghiệp xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn tại xã Hải Đông. Cùng với đó, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp dồn điền, đổi thửa, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, triển khai mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người nông dân theo chuỗi giá trị (doanh nghiệp hỗ trợ công nghệ, vật tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; người dân góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất và tham gia trực tiếp quá trình sản xuất), hướng tới sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp trong nông nghiệp...

Cụ thể hơn, Móng Cái đang tập trung triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội (thực hiện tốt đề án đã ban hành trên địa bàn TP: Đề án phát triển hạ tầng môi trường thủy sản TP Móng Cái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...).

Đồng bào các dân tộc TP Móng Cái ngày càng có thu nhập cao từ chăn nuôi, sản xuất, phát huy nghề truyền thống. Ảnh: Thu Hằng

Cùng với đó, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, thực hiện tốt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn, dược liệu tập trung gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững, phát triển lâm sản ngoài gỗ trọng tâm là cây dược liệu; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy lợi thế rừng ngập mặn TP Móng Cái phục vụ phát triển nhanh, bền vững ngành du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm gắn với việc triển khai 6 chuỗi giá trị trên địa bàn TP đã được phê duyệt theo định hướng "3 con, 2 cây, 1 điểm đến"; thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm OCOP TP Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp, nông thôn.

Để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm, Móng Cái cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững trước các biến động của thiên tai, dịch bệnh, trong đó, ưu tiên phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn gắn với việc đáp ứng các tiêu chí cơ sở thương mại nông thôn và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022); Đề án phát triển du lịch TP Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường; hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.

Với những giải pháp tổng thể nêu trên, mỗi xã sẽ căn cứ đặc thù địa bàn để triển khai, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để thực hiện các nội dung nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, dịch vụ, du lịch, hình thức tổ chức sản xuất..., nâng cao thu nhập cho người dân TP.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tap-trung-dao-tao-nghe-chuyen-dich-co-cau-lao-dong-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-post473935.html