Tập huấn công tác nhân quyền tại Bắc Kạn

Ngày 13-6-2023, Ban Chỉ đạo Bảo vệ an ninh tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2023. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu Công an các huyện trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt các nội dung về công tác nhân quyền; công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới; được trao đổi kinh nghiệm, phương pháp xử lý các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo…

Đây là những nội dung mang tính thời sự liên quan trực tiếp đến công tác nhân quyền được vận dụng vào việc triển khai thực hiện các mặt công tác nhân quyền; nâng cao chất lượng công tác tham mưu các mặt công tác tuyên truyền, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc - tôn giáo; nâng cao nhận thức và bồi dưỡng cho lãnh đạo, cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác nhân quyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác đảm bảo quyền con người; công tác đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần đảm bảo ANTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, công tác bảo đảm nhân quyền trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Bảo vệ an ninh tỉnh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, công tác bảo đảm nhân quyền trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng chú ý, cụ thể:

Đã giải quyết việc làm cho 3.500 người; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc 97%; bảo hiểm xã hội thất nghiệp 97%. Toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo 1.500 người. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách và người có công, người cao tuổi, được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; tổ chức tặng quà, trao Thiếp mừng thọ của Chủ tịch UBND tỉnh cho 261 người cao tuổi.

Công tác giảm nghèo tiếp tục được chú trọng, quan tâm; tỉnh đã tiến hành phân bổ số lượng và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở từ nguồn kinh phí hỗ trợ xã hội hóa với tổng kinh phí thực hiện 1,4 tỷ đồng; triển khai thực hiện làm 300 nhà ở cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí do Bộ Quốc phòng hỗ trợ. Công tác chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp quan tâm thực hiện và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, tạo sự đồng thuận trong xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm; cai nghiện bắt buộc ma túy cho 52 người; chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và ban hành các Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đồng chí Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh công tác nhân quyền cần kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống".

Về dân tộc, tôn giáo; các chương trình, chính sách dân tộc tiếp tục được triển khai thực hiện theo có hiệu quả. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 20-12-2022 về phê duyệt danh sách người có uy tín giai đoạn 2023-2027 với tổng số 1.290 người uy tín/1.292 tổ, thôn, bản. Toàn tỉnh đã thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín đảm bảo kịp thời, người có uy tín phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động tại cơ sở góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, các lễ hội được tổ chức đảm bảo an toàn, thiết thực, Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tình hình hoạt động tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Bảo vệ an ninh tỉnh Bắc Kạn đề nghị: Các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quán triệt phương châm “Nhân dân là trung tâm; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân” trong việc triển khai các mặt công tác nhân quyền. Các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam; vận dụng kiến thức được truyền đạt tổ chức triển khai thực hiện các mặt công tác nhân quyền, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, kết quả công tác nhân quyền trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền nhấn mạnh, công tác nhân quyền là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị; dân chủ, nhân quyền vẫn là hướng chủ đạo mà các thế lực phản động thù địch khai thác để gây sức ép, thúc đẩy các yếu tố “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kích động số đối tượng chống đối trong bối cảnh năm 2023 là năm bản lề Việt Nam triển khai thực hiện nhiệm vụ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tham gia tiến trình bảo vệ các Công ước CERD, ICCPR và Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ IV.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

"Cần tập trung triển khai cả hai mặt công tác bảo vệ và đấu tranh vì quyền con người. Đây là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Công tác nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa để tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch", đồng chí Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh.

Ngọc Anh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/tap-huan-cong-tac-nhan-quyen-tai-bac-kan-19210